Khai phá thị trường phía Nam bằng nhiệt huyết và sự chân thành

Trong bối cảnh ngành cơ khí chế tạo máy không có nhiều cơ hội việc làm ở Việt Nam cuối thập niên 90, ông Lữ Hồng Chương (hiện là Phó Chủ tịch MISA) đã quyết định cùng sát cánh với MISA, đưa công ty phát triển thành một doanh nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam. Năm 1999, nhận thấy cơ hội tiềm năng tại các tỉnh phía Nam ông Lữ Hồng Chương đã Nam tiến để “dựng thành mở cõi” cho MISA với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết và triết lý lãnh đạo chân thành.

Hồi tưởng lại những ký ức xưa cũ đã nhuốm màu thời gian, ông Lữ Hồng Chương chậm rãi kể lại câu chuyện đặc biệt của những năm tháng đầu tiên dựng thành mở cõi ở phương Nam. Trước năm 1999, sản phẩm của MISA đã có mặt tại các tỉnh thành phía Nam nhưng chưa đặt văn phòng đại diện. Mọi giao dịch khi đó khách hàng phải liên lạc ra Hà Nội, sau đó nhân viên MISA từ Hà Nội phải lặn lội vào để đào tạo triển khai, mất khá nhiều thời gian và cũng tốn kém. Sau một hồi bàn thảo, HĐQT đã cử ông Chương vào khảo sát và quyết định thành lập văn phòng đại diện MISA tại Tp.HCM. Thời điểm đó có rất nhiều khó khăn, nên ông xác định phải có khách hàng và doanh số rồi thì mới bắt đầu biên chế thêm nhân sự. Và thế là, một mình ông Chương đã bắt tay vào xây dựng văn phòng đầu tiên cho MISA tại thành phố mang tên Bác.

Khó khăn đầu tiên phải đối mặt là tìm được mặt bằng để làm văn phòng cho MISA gặp gỡ, đón tiếp và làm việc với khách hàng. Tình cờ trong câu chuyện với vài người bạn học cũ, được biết chiếc sảnh của Trung tâm thông tin Khoa học công nghệ Tp.HCM tại 79 Trương Định cũng vừa có chương trình làm nơi trưng bày các sản phẩm công nghệ nên ông Chương lập tức khăn gói lên trung tâm hỏi thuê. Mất đến một tháng, cuối cùng ông Chương cũng có được một chỗ tại đây. Văn phòng ban đầu chỉ có độc một cái bàn, một cái ghế, một cái máy tính tự lắp ráp, một cái điện thoại!

Cũng vì cơ sở vật chất đơn sơ như vậy nên ban đầu ông rất khó để tuyển được nhân viên bởi chỉ vừa mới nhìn thấy nơi làm việc, người ta đã chạy “xa mù tắp” rồi. Cứ như vậy suốt một thời gian dài, “văn phòng” mới này chỉ có mình ông Chương với sự hỗ trợ của bà xã – khi đó cũng là cán bộ nhân viên của MISA, bắt tay vào gây dựng từng chút một. Thời điểm đó, mọi công việc trong văn phòng từ gửi thư, gọi điện chào hàng, mời hội thảo…đến tư vấn, hỗ trợ, triển khai cho khách đều một mình ông Chương đảm nhiệm.

Từ trong chính sự thiếu thốn nhân sự đó đã thôi thúc ông liên tục tự tìm cách để rút ngắn thời gian làm việc và mang lại hiệu quả tốt hơn. Nhận thấy việc tập huấn cho khách hàng mỗi lần thường mất 3-4 ngày, ông Chương mạnh dạn rút ngắn xuống còn 1 ngày. Bởi theo ông, dù tập huấn bao nhiêu ngày đi chăng nữa thì khách hàng cũng không thể sử dụng phần mềm làm thành thạo ngay được. Cách tốt nhất là chỉ cần hướng dẫn qua để khách biết cài đặt, thiết lập cơ sở dữ liệu. Sau đó để họ trực tiếp làm, vướng mắc đến đâu mình hỗ trợ đến đó và thu được hiệu quả thấy rõ

Những khó khăn đầu tiên dần qua đi, văn phòng MISA Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những vị khách đầu tiên ghé tới. Người thì đến từ một doanh nghiệp tư nhân rất bé, chuyên sản xuất túi nilon, người thì là một cá nhân làm xây dựng cũng có nhu cầu sử dụng phần mềm. Dù là các đơn vị nhỏ nhưng rất sẵn lòng tìm mua phần mềm đã chứng minh thị trường nơi đây tiềm năng biết chừng nào!

Mảnh đất thực sự màu mỡ nhưng để khai phá thì không phải chuyện dễ dàng. Tất cả vốn liếng kinh doanh khi đó phần nhiều là tự học, tự mày mò, tự rút kinh nghiệm. Để mở rộng thị trường, ông Chương bắt đầu đưa “đội quân” đi “chinh chiến” tại một số triển lãm để tìm kiếm cơ hội bán hàng. Ông Chương nhớ lại lần đầu tiên tham gia triển lãm tại miền Tây Nam Bộ, xách theo chiếc máy tính xách tay là của hiếm khi đó. Trớ trêu khi rất nhiều người đến tham quan gian hàng của MISA nhưng không hỏi mua phần mềm mà ngắm nghía màn hình máy tính rồi một mực đòi mua cái máy với giá bao nhiêu cũng được. Đó là một kỷ niệm vui và cũng để thấy được những ngày tháng ban đầu, máy tính còn là điều xa xỉ thì việc giúp khách hàng biết dùng đến phần mềm là việc làm không phải đơn giản. 

“Tôi vẫn nhớ một bác khách hàng từ Long An, áo bỏ ngoài quần, chân đi dép Thái lên gặp tôi để hỏi mua phần mềm. Khi tôi chưa kịp giới thiệu gì bác đã hỏi ngay: Ông bán phần mềm kế toán doanh nghiệp bao nhiêu? Tôi đưa báo giá, tờ giới thiệu phần mềm và nghĩ bụng “chắc bác này khảo giá thôi”. Thế mà bất ngờ, bác ấy đã rút ngay xấp tiền tổng trị giá 9 triệu để mua luôn. Hồi đó phần mềm kế toán doanh nghiệp MISA SME phiên bản 4.5 có giá 9 triệu. Tôi cầm tiền mà vẫn không tin nổi đó là thật.

Khách đã tin tưởng, dám mua một cách dứt khoát thì chúng tôi cũng dốc lòng dốc sức để hỗ trợ khách triển khai. Ban đầu còn phải hướng dẫn khách dùng được máy tính, dùng được rồi thì mới hướng dẫn thao tác đến phần mềm. Thao tác được rồi thì khách lúc nhớ lúc quên, nhiều khi lại quay trở lại hướng dẫn khách từ đầu. Tuy mất nhiều thời gian và công sức nhưng lúc đấy trong lòng chúng tôi đều cảm thấy vui và tràn đầy tinh thần sẵn sàng đồng hành cùng khách. Nhìn thấy khách từng bước dùng được phần mềm của mình thành thạo, xử lý công việc gọn gàng và tiết kiệm thời gian hơn nhiều thì mọi vất vả của chúng tôi dường như chẳng là gì, chỉ đọng lại duy nhất một cảm xúc mãnh liệt của niềm vui và tự hào”.

Từ những bước chân đầu tiên cần mẫn và kiên trì như thế, ông Chương lần lượt cùng những người cộng sự liên tục chinh phục những dự án lớn. Thậm chí đã có khoảng thời gian, Văn phòng MISA tại Thành phố Hồ Chí Minh là trụ cột kinh doanh của công ty, là “mạch nguồn”  thường xuyên “bơm máu” cho văn phòng ở phía Bắc.

Khi được hỏi về bí quyết tạo nên sự lớn mạnh cho MISA tại phía Nam, ông chương mỉm cười và nói về hai chữ: “Chân thành”. Không chỉ là sự tận tâm, chân thành với khách hàng, mà còn là triết lý về sự chân thành của người lãnh đạo. 

“Tôi luôn nhấn mạnh với các lãnh đạo ở MISA rằng, để trở thành người lãnh đạo tốt, bạn phải hành động bằng cả trái tim mình. Mọi hành động, dù là niềm vui hay nỗi buồn, sự bực bội hay giận dữ, đều cần được chia sẻ để mọi người có thể thấy rằng, dù ở vị trí lãnh đạo, chúng ta cũng là con người, với đầy đủ cảm xúc và những lúc yếu đuối hay mạnh mẽ. Đôi khi, trong những khoảnh khắc khó khăn, chúng ta cần mỉm cười không chỉ để tự động viên mình mà còn để truyền cảm hứng cho người khác. Đó chính là tình thần, là sức mạnh của MISA.

Với tư cách là lãnh đạo, chúng ta cũng phải luôn đặt mình vào vị trí của nhân viên để hiểu họ, để nhận ra rằng quan điểm và tầm nhìn của họ có thể đang bị giới hạn ở một mức độ nhất định. Chúng ta cần phải thấu hiểu hơn, thông cảm hơn. Nếu mỗi khi nhân viên góp ý mà lãnh đạo chỉ phản ứng bằng sự tức giận, thì thực sự, vấn đề không nằm ở họ mà nằm ở chúng ta – chúng ta chưa làm cho họ hiểu”, ông Lữ Hồng Chương chia sẻ.

Và đó chính là bí quyết để xây dựng MISA thành công, tạo nên một MISA luôn đồng lòng từ trên xuống dưới, đồng thời cũng là tư duy mà ông Chương tin rằng, mọi lãnh đạo doanh nghiệp, từ bây giờ cho đến tương lai, đều nên sở hữu.

———————

Bài viết này nằm trong dự án MISA Inspirers – series nội dung chia sẻ bài học kinh nghiệm 30 năm khởi nghiệp & quản trị doanh nghiệp của MISA, giúp truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nghiệp SMEs và Startups.