Mua “chất xám” giá bao nhiêu?

Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát, vừa chủ động đặt hàng các viện nghiên cứu, nhà khoa học tạo ra những giống lúa mới có thể bán được giá từ 7.000 đồng/kg trở lên và xuất khẩu đạt 600 USD… Tuy nhiên, dù “mang tiếng” là đặt hàng các nhà khoa học nhưng Bộ lại không đưa ra một cơ chế “trả công” nào đối họ.

Ảnh minh họa

Việc lãnh đạo Bộ NN- PTNT trực tiếp đứng ra đặt hàng các nhà khoa học về việc nghiên cứu giống lúa mới có hiệu quả kinh tế cao là một việc làm thiết thực, cầu thị. Bởi phải thừa nhận rằng, nông nghiệp nước ta đã đạt được mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân, do vậy nông nghiệp phải chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh cao, hiệu quả cao và bền vững. Và mục tiêu chính của tái cơ cấu nông nghiệp không phải là số lượng lúa, số lượng tôm nhất hay nhì thế giới, mà cái chính là nâng cao thu nhập và cuộc sống người dân.
Chia sẻ với DĐDN, GĐ kinh doanh Cty Cổ phần phân bón Tiến Nông – Thanh Hóa cho rằng, nếu không có “thực” thì khó “vực” nên “đạo”. Bởi lẽ, với mức lương hiện nay của những nhà làm nghiên cứu cũng chỉ được tính như mức lương công chức nhân với hệ số. Mặc dù hệ thống nghiên cứu khoa học – công nghệ nông nghiệp gồm các viện, trường học, trung tâm khá hùng hậu, với đội ngũ cán bộ nghiên cứu gần 11.000 người song vẫn thiếu nhà khoa học giỏi… Vì vậy, nếu không có cơ chế trả lương đối với những người làm công tác nghiên cứu thì rất khó để tạo ra sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp – vị này chia sẻ.
Đồng tình, PGS. TS Nguyễn Văn Bộ- Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp, trên thực tế, kinh phí cho nghiên cứu khoa học nông nghiệp, những năm gần đây đã tăng 10-12%/năm, con số này so với thế giới hiện còn rất hạn chế, nhưng với bối cảnh nước ta hiện nay thì đó là một sự cố gắng. Nhưng, vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, mà vấn đề chính là phương thức sử dụng. Bởi lẽ, lâu nay, tất cả các đối tượng quản lý của chúng ta đều lấy trọng tâm quản lý là tiền, đó là một sai lầm, đối tượng quản lý phải là nhà khoa học – nhà khoa học sẽ quyết định tiền đó sử dụng thế nào cho hiệu quả. Bởi thực tế, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay có quá nhiều nhà khoa học, nhưng mới chỉ được bề rộng theo kiểu, nay đấu thầu đề tài về lúa, mai đấu thầu ngô, ngày kia lại đậu đỗ, tức là cách nghiên cứu hiện nay chỉ nghiêng về việc đảm bảo hoạt động cho một số tổ chức, đơn vị, chứ không đem lại nhiều hiệu quả cho sản xuất…
Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển như Hà Lan, họ đối xử với nhà khoa học và công trình nghiên cứu của họ rất hậu đãi. Tiền lương và thưởng đối với họ thường cao gấp nhiều lần so với những đối tượng cán bộ công chức khác… TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện chiến lược chính sách phát triển NN- NT chia sẻ: “Tôi vẫn nói với mọi người rằng, nếu nông nghiệp có lỗi gì, thì đó là lỗi của quản lý và chính sách, chứ không phải khoa học kỹ thuật. Thay vì chỉ đạo sản xuất, chúng ta cần điều hành thị trường, điều hành DN và có cơ chế, chính sách sử dụng “chất xám” của các nhà khoa học hợp lý. “Đừng để nhà khoa học giỏi phải đi “buôn”, đi lo cơm áo gạo tiền nữa, mà Nhà nước phải có đầu tư thật sự và tạo động lực cho họ, để nhà khoa học giỏi có thể làm giàu từ công trình nghiên cứu của mình”.

Theo dddn