Chiến lược Honda, Toyota, Ford, Boeing và Airbus chết đứng vì tin vào thép...

Honda, Toyota, Ford, Boeing và Airbus chết đứng vì tin vào thép “Made in Japan”

303
Nhiều công ty sản xuất đang khẩn trương ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do sử dụng nhôm và đồng bị giả mạo dữ liệu của một ông lớn trong ngành thép Nhật Bản.


Ảnh minh họa

Ông lớn nói trên chính là nhà sản xuất thép lớn thứ ba của Nhật, tập đoàn thép Kobe. Tập đoàn chuyên cung cấp nguyên liệu và linh kiện cho nhiều nhà sản xuất trên thế giới tuyên bố vụ giả mạo dữ liệu sản phẩm này đã ảnh hưởng đến 500 công ty khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong số này có cả những tên tuổi hàng gia dụng, điện tử nổi tiếng và những người khổng lồ trong sản xuất ô tô, máy bay như Ford, General Motors, Boeing, Airbus,  Panasonic, General Electric…

Hiện chưa có vấn đề an toàn nào xảy ra nhưng cơ quan an toàn hàng không châu Âu cũng đã khuyến cáo các công ty ngưng sử dụng sản phẩm của nhà cung cấp chính cho các công ty chế tạo máy bay trên toàn cầu này, nguồn tin từ Independent cho biết.

Theo Bloomberg, Kobe đã giả mạo các giấy chứng nhận về độ bền và độ mạnh của các kim loại từ năm 2007 đến nay. Một quan chức điều hành xin giấu tên của Kobe cho biết vụ bê bối dữ liệu này đã có từ hơn 10 năm trước. Còn báo cáo của Nikkei cho rằng, những sai phạm trong kiểm soát chất lượng tại các nhà máy Kobe tại Nhật đã xảy ra trong một thời gian rất dài, lên đến gần nửa thế kỷ.

Các nhà máy thép Kobe tại Nhật đã để sai sót trong kiểm soát chất lượng diễn ra trong một thời gian rất dài lên đến 40-50 năm, theo Nikkei

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã ra lệnh cho Kobe giải quyết các quan ngại về an toàn trong hai tuần tới và báo cáo lại nguyên nhân cùng các giải pháp trong một tháng.

Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã yêu cầu Kobe nộp các tài liệu liên quan đến vụ bê bối dữ liệu lớn này. Giám đốc điều hành một công ty nghiên cứu ở Hồng Kông cho rằng sự tham gia của Bộ Tư pháp Mỹ đòi hỏi công ty Kobe phải “rất nhiệt tình để (chứng minh mình) sạch hơn cả sạch” và “thay đổi hoàn toàn về mặt thái độ và xây dựng lại uy tín”.

Tuần trước, cổ phiếu Kobe đã giảm giá đến 41%. Các nhà đầu tư muốn trừng phạt vụ bê bối doanh nghiệp mới nhất tại Nhật, theo sau những sai phạm tương tự của những tập đoàn lớn như Mitsubishi Motors, Asahi Kasei.

Trước tình hình này, người tiêu dùng có thể gây áp lực đòi thu hồi sản phẩm và Kobe phải bồi thường cho người dùng cuối lẫn các nhà đầu tư. Trong một văn bản, Kobe cho biết vẫn chưa định lượng được hậu quả của cuộc khủng hoảng này. Nhưng theo công ty chứng khoán Nomura, trong trường hợp xấu nhất, tập đoàn thép này sẽ phải đối mặt với số tiền thua lỗ lên tới 200 tỉ yen (khoảng 1,8 tỉ USD). Số tiền này có thể cao hơn nữa nếu có thêm bằng chứng về các sản phẩm lỗi khác ngoài danh sách Kobe đã báo cáo.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Nhật vẫn xếp hạng tín dụng cho Kobe là loại A trong khi chờ đợi sự xuống hạng có thể xảy ra.

Theo ước tính, trong các kim loại bị giả mạo dữ liệu thì có 30% nhôm và đồng đã được bán cho các nhà sản xuất ôtô. Người phát ngôn công ty cho biết một số nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Nhật như Toyota Motor, Nissan Motor, Subaru, nhà cung cấp Denso của Toyota… đang xác minh việc các linh kiện ôtô của mình có dùng nguyên liệu lỗi hay linh kiện nhôm từ Kobe hay không.

Kobe đã từ chối bình luận các chi tiết diễn ra trong buổi họp phân tích vụ việc hôm thứ hai tuần này, chỉ biết là họ đang điều tra các hồ sơ cũ để xác minh nguyên nhân vụ giả mạo dữ liệu này.

Tập đoàn thép Kobe

Công ty thép Kobe hoạt động toàn cầu với thương hiệu Kobelco là nhà sản xuất thép lớn ở Nhật có lịch sử hoạt động từ năm 1905, đặt trụ sở tại Chūō-ku, Kobe. Tập đoàn thép Kobe là một trong những công ty công nghiệp lâu đời nhất Kobe và cũng có cổ phần tại Osaka Titanium Technologies. Kobelco.

Tính đến ngày 31/3/2014, thép Kobe có 208 chi nhánh và 62 công ty liên kết ở Nhật Bản, châu Á, châu Âu, Trung Đông và Hoa Kỳ. Công ty có số nhân viên lên tới gần 40 ngàn này là nơi thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng làm việc trước khi tham gia chính trường.

Năm 2012, doanh thu của Kobelco là 17,92 tỉ USD nhưng thua lỗ tới 286 triệu USD. Lợi nhuận năm 2016 của Kobe cũng lỗ 23 tỉ yên (khoảng 200 triệu USD) do nhập khẩu thép và nhôm rẻ.

Vụ scandal giả mạo dữ liệu của thép Kobe đã được công ty thừa nhận từ tháng 10 năm ngoái nhưng phải tới tận bây giờ mới chính thức được công bố.

Theo vnreview