4 doanh nghiệp Việt thỏa mãn Samsung: Làm bao bì cũng quá khó

Cứ mở một hộp đựng điện thoại di động ra và hỏi xem doanh nghiệp Việt có làm được không, chắc chắn nhiều thứ trong đó họ phải lắc đầu.
Ảnh minh họa

ThS.Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới trao đổi với báo Đất Việt về việc chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp nguyên vật liệu cho Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.

Ít doanh nghiệp thỏa mãn vì năng lực kém
Theo một thống kê mới đây, trong số 67 doanh nghiệp đang cung cấp nguyên vật liệu cho SEV, số lượng doanh nghiệp Việt chiếm tỉ lệ rất ít ỏi. Theo đó, chỉ có 4 doanh nghiệp: Công ty CP In và Bao bì Goldsun, Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long, Công ty TNHH Bao bì Việt Hưng, Công ty TNHH Nam Á. Như vậy, thực tế doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm bao bì cho Samsung.
ThS Bùi Ngọc Sơn cho rằng, việc chỉ có rất ít doanh nghiệp Việt đáp ứng được Samsung là do năng lực kém, đồng thời do chế độ tỷ giá khiến doanh nghiệp chỉ thích nhập khẩu.
“Năng lực đến đâu thì làm đến đấy. Từ xưa đến nay, các doanh nghiệp Việt toàn đi buôn đánh quả là chính, có ai sản xuất đâu? Nếu cứ để chế độ tỷ giá như hiện nay, nhập khẩu đương nhiên rẻ hơn rất nhiều thì sản xuất trong nước chắc chắn sẽ bị bóp chết”.
Ông Sơn dẫn chứng vụ việc bắt hàng nghìn khung xe máy ở Bắc Ninh cách đây nhiều năm. “Đi điều tra mới thấy ở thời điểm đó khung xe máy sảm xuất ở Việt Nam chỉ có mấy trăm ngàn bộ trong khi thực tế có tới 2 triệu bộ khung đăng ký được sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi nội địa hóa. Con số đó chắc chắn được nhập từ Trung Quốc.
Chế độ tỷ giá của Việt Nam luôn ở trạng thái làm cho sản xuất trong nước bị đắt, trong khi Trung Quốc, quốc gia ở ngay bên cạnh lại đi trước về công nghệ, tỷ giá thuận lợi, bán rẻ hơn thì đương nhiên người ta sẽ nhập về và lúc ấy nó bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước. 
Trung Quốc phá tỷ giá tới 40% từ năm 1994 để rồi sau đó phát triển công nghệ đi trước Việt Nam 10 năm. Bởi thế, nếu giữ chế độ tỷ giá hiện nay bên cạnh Trung Quốc thì Việt Nam không có cơ hội để xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ”.
Theo ThS Bùi Ngọc Sơn, do năng lực ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam quá yếu nên khi các tập đoàn như Samsung đặt hàng thì các doanh nghiệp Việt chào thua, chấp nhận nhập từ Trung Quốc về buôn đi bán lại cho nhanh.
Về việc các doanh nghiệp Việt chỉ làm bao bì cho Samsung, ông Sơn thừa nhận, bản thân ông không phải là người làm kỹ thuật trong lĩnh vực này nên không rõ yêu cầu cụ thể của Samsung thế nào. Ông Sơn cho biết đây là phần rẻ nhất, chiếm ít chi phí nhất của chiếc điện thoại nhưng “chắc chắn đối với những mặt hàng cao cấp, đắt tiền, công nghệ cao thì bao bì không thể giống như bao bì của cái quạt hay điều hòa nhiệt độ”.
Vị Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới phân tích, nghe đến bao bì có vẻ đơn giản nhưng thực ra rất phức tạp. Ví dụ, miếng xốp để đóng một chiếc iPad hay smartphone khác miếng xốp đựng điều hòa nhiệt độ, hay sản phẩm đòi hỏi phải có túi khí nhỏ để chống va đập. Đó là chưa kể đến việc bao bì phải đạt chế độ in cao cấp chứ không đơn giản là chỉ vẽ rồi in hình chiếc máy ở bên ngoài.
“Thử mở một chiếc hộp đựng smartphone ra rồi hỏi xem doanh nghiệp Việt Nam có làm được không. Chắc chắn có nhiều thứ trong đó họ phải lắc đầu”, ông Sơn nhận xét.
Ông Sơn cho biết, 4 doanh nghiệp Việt đang làm bao bì cho Samsung từng chia sẻ họ rất ngại khi nhận đơn hàng, bởi phải nghiên cứu chi tiết xem loại giấy Samsung yêu cầu làm thế nào hay tạo các túi khí ra sao…, có công nghệ rồi chưa chắc đã làm nổi.
ThS.Bùi Ngọc Sơn cũng chia sẻ rất chân tình về công việc trước đây gia đình ông từng làm. “Gia đình tôi bán phụ liệu may. Có người đến hỏi mua những miếng nhôm để đính hai chiếc tất lại với nhau. Tôi bảo muốn đặt làm thì tôi chịu, phải đợi tôi đặt mua từ Trung Quốc về. Việt Nam có nhiều thứ làm được nhưng lại không thể làm được thứ này. Muốn làm, phải sử dụng máy dập cóc bằng tay dập từng cái một. Trong khi đó, Trung Quốc đưa cả một tấm nhôm vào dùng máy thủy lực dập mỗi lần ra hàng nghìn miếng giá rất rẻ.
Ngay cả miếng nhựa để kẹp áo sơ mi tôi cũng phải nhập của Trung Quốc. Trung Quốc bán 7 đồng/miếng, còn Việt Nam đi đặt phải mất tới 42 đồng/miếng, cũng lại dùng máy dập cóc dập cho rơi ra từng miếng một”.
Chính vì thế, theo ông Sơn, nếu trước đây ai đó từng nói Việt Nam có thể tự công nghiệp hóa được thì đã sai lầm bởi ngay đến miếng kẹp tất, kẹp áo còn không làm nổi thì làm sao có thể công nghiệp hóa.
Phải trách mình trước…
Ở một thông tin khác, theo Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), trong khuôn khổ hợp tác về công nghiệp hỗ trợ giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại, Năng lượng và Công nghiệp Hàn Quốc, từ năm 2015, phía Hàn Quốc sẽ chuyển giao 100 công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Các công nghệ Hàn Quốc chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực cơ khí – chế tạo, dệt may – da giày, điện – điện tử và ô tô – xe máy.
ThS Bùi Ngọc Sơn tỏ ra lo ngại khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ bước sang năm 2015 mà Việt Nam chưa có chuẩn bị gì để đón nhận các công nghệ trên.
“Như trường hợp của Samsung, họ bỏ tiền tổ chức hội nghị, mời doanh nghiệp Việt đến xem rồi nhận việc mà doanh nghiệp mình còn chẳng làm được. Muốn Hàn Quốc chuyển giao công nghệ thì họ chuyển nhưng Việt Nam có làm được đâu?! Thông thường người ta phải mất tới 5-10 năm chuẩn bị nguồn lực, đằng này trình độ kém mà năm sau đã chuyển giao thì làm sao làm được”.
Không chỉ Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang quan tâm đến thị trường Việt Nam. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đang bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt, dân số già và ít, lương và chi phí khác cao, thị trường hạn hẹp nên bắt buộc các nhà đầu tư của hai quốc gia này phải chuyển ra nước ngoài để tận dụng lao động giá rẻ, xuất khẩu công nghệ cao của họ, giữ thị phần trên toàn cầu.
“Hàn Quốc có khuynh hướng tập trung vào miền bắc Việt Nam nên mới mọc lên các khu công nghiệp của Hàn Quốc ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… Trong khi đó, Nhật Bản lại muốn vào miền nam Việt Nam. Năm 2012 chỉ có 1,8 tỷ USD tiền bất động sản nước ngoài đổ vào Việt Nam thì đã có tới 1,2 tỷ USD của Nhật. Họ xây dựng khu đô thị Tokyu ở Bình Dương, như một căn cứ địa ở miền Nam để phát triển sau này.
Lẽ ra khi biết nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào thì Việt Nam phải có sự chuẩn bị trước, nghiên cứu xem họ chuyển cái gì vào, muốn tiếp nhận thì phải làm sao. Tuy nhiên, chẳng ai làm việc đó cả. Đến bây giờ họ vào, đặt hàng tận tay mà Việt Nam vẫn không có chính sách nào cụ thể để biết mình phải làm cái gì và làm như thế nào”, ThS.Bùi Ngọc Sơn chỉ rõ.
Bởi vậy, theo ông, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” khi chỉ có 4 doanh nghiệp Việt Nam làm việc được với Samsung.

Theo báo Đất Việt