Trước thông tin, DN VN không thể sản xuất được chiếc ốc vít cho Tập đoàn Samsung, mới đây Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải lên tiếng khẳng định: “Chúng ta sản xuất được ốc vít”.
Ảnh minh họa
Không chỉ đơn thuần sản xuất ra cái ốc vít mà quan trọng là phải tạo ra được giá trị cạnh tranh của cái ốc vít đó
Bộ trưởng Vũ Huy hoàng nhấn mạnh: “Trên thực tế, trong nhiều năm qua chúng ta đã làm được rồi, và làm chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, có đưa được sản phẩm vào chuỗi sản xuất của Tập đoàn Samsung không phải chỉ ở VN, mà trên toàn cầu là câu chuyện khác. Nếu chúng ta không đảm bảo được về chi phí do năng suất thấp, giá thành cao thì khó có thể len chân vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Sở dĩ câu chuyện “cái ốc vít” được gắn với Samsung bởi tại VN, năm 2013, Samsung đã xuất khẩu điện thoại di động với tổng giá trị đạt 23,9 tỷ đôla, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và VN đã lần đầu tiên trở thanh một cứ điểm sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới, khi cứ 400 triệu điện thoại di động của Samsung được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu điện thoại được sản xuất tại Bắc Ninh. Thế nhưng, trong số 120 triệu chiếc điện thoại đó thì “DN VN chỉ cung ứng được sản phẩm in ấn, bao bì cho Samsung”.
Rộng hơn, ở tầm quốc gia, hiện nay, mỗi năm VN mất tới hơn 50 tỷ USD để nhập khẩu các linh, phụ kiện phục vụ cho ngành sản xuất, xuất khẩu. Con số này lớn hơn tổng sản lượng của tất cả các DN nhà nước cộng lại.
Một câu chuyện không mới, nhưng bản thân Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận: để giúp các DN VN, nhất là DN hoạt động trong công nghiệp hỗ trợ, phần lớn là DNNVV, thậm chí là rất nhỏ thì Nhà nước phải có nhiều biện pháp, công cụ hỗ trợ. Ngoài những biện pháp hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách như giúp cho việc đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân, định hướng thị trường, tạo những thuận lợi về thuế, mặt bằng, lao động, đất… thì Nhà nước cũng cần các chương trình hợp tác với nước ngoài, nhất là những quốc gia có kinh nghiệm và có thế mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Mặc dù đã có những chính sách ưu đãi đối với các DN khi tham gia vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhưng thực tế khi làm thủ tục, DN mới thấy một “biển thủ tục” mà có “bơi” ra cũng không thể vay được vốn.
Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Những ưu đãi, chính sách hiện có chưa đủ sức hấp dẫn để các DN quan tâm. Bản thân sức của các DN công nghiệp hỗ trợ còn đang yếu, nếu không có vai trò thúc đẩy, kể cả sự hỗ trợ trực tiếp từ kinh phí, thì họ khó mà thực hiện. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành 24/2/2011, mặc dù đã đề cập đến nhiều yếu tố hỗ trợ DN nhưng trong thực tế việc thực thi vẫn còn nhiều vấn đề.
Và có lẽ trước những bất cập đó, mới đây Bộ Công Thương cho biết, Nghị định về phát triển Công nghiệp hỗ trợ sẽ được trình Chính phủ vào tháng 11 tới và ban hành vào cuối năm nay. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất dành nguồn vốn 30.000 tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này. Trong đó, vốn điều lệ của Quỹ do Ngân sách Nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng. Hai năm đầu tiên mỗi năm cấp 500 tỷ đồng, năm thứ 3 cấp 1.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dự kiến huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Được biết, Nghị định sẽ bổ sung một số ưu đãi về thuế TNDN, cũng như các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ, nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào VN.
Ở góc độ nào đó, có thể hiểu “cái ốc vít” là “nguồn cơn” cho một chính sách lớn với nguồn vốn hỗ trợ lên tới 30.000 tỷ. Câu chuyện “cái ốc vít” hy vọng sẽ là một cú hích cho công nghiệp phụ trợ VN và những bất cập trong các chính sách khuyến khích hỗ trợ trước đây sẽ không lặp lại. Để trong tương lai không xa, trong những con số xuất khẩu hàng chục tỉ USD, thậm chí là hàng trăm tỉ USD của các tập đoàn nước ngoài sẽ có “phần” của các DN VN nhiều hơn… “cái ốc vít”
Tất nhiên, trên hết bản thân các DN khi muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia thì cần phải có sự chủ động tìm hiểu và đáp ứng được yêu của các Cty hay tập đoàn đa quốc gia đó. Bởi đối với họ, không có sản phẩm nào lớn hay nhỏ mà tất cả đều phải theo một tiêu chuẩn được đặt ra cho tất cả những nhà cung cấp.
Theo dddn