Doanh nghiệp thiếu vốn “đừng mơ” tiết kiệm điện

Thời gian thu hồi vốn chỉ 2,5 năm cho những dự án tiết kiệm điện nhưng khó khăn về nguồn vốn khiến các doanh nghiệp không hào hứng với các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Sử dụng công nghệ lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn tới tiêu thụ nhiều điện năng. Ảnh: Như Ý
Ông Trinh Quốc Vũ – Vụ Trưởng Vụ KHCN và Tiết kiệm năng lượng, Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: Việc áp dụng giải pháp tiết kiệm điện diễn ra không đồng đều, đặc biệt là nhận thức của người dân còn hạn chế.
Đối với doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất là vấn đề vốn đầu tư. Trong khi đó các ngân hàng thường yêu cầu doanh nghiệp thế chấp tài sản đảm bảo thay vì thầm định phương án kinh doanh của doanh nghiệp. Một phần đội ngũ thẩm định của ngân hàng “gặp khó” trongnhững dự án về tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư, thay thế dây chuyền cũ bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng còn có những hạn chế. 
Cụ thể, chương trình hỗ trợ 30% tổng số vốn đầu tư về dây chuyền công nghệ hiệu suất cao cho các doanh nghiệp có mức hỗ trợ thấp, không quá 5 tỷ đồng, nên không thu hút được các doanh nghiệp tham gia. 
Chia sẻ về các giải pháp tiết kiệm điện, ông Đào Xuân Hùng, Công ty cổ phần Dây và cáp điện Thượng Đình Cadi-sun cho biết: đơn vị này đã tiến hành thiết kế nhà xưởng dùng ánh sáng tự nhiên, các thiết bị máy móc sử dụng phải có công nghệ tiết kiệm năng lượng.Các nhà máy có khuôn viên rộng được thiết kế hệ thống chiếu sáng phù hợp, hơn 95% yêu cầu tiết kiệm điện tập trung vào các nhà máy. 
“Việt Nam có khoảng gần 200 doanh nghiệp sản xuất dây cáp điện. Nhưng các doanh nhỏ thường không chú trọng đến thương hiệu mà chỉ tập trung vào doanh thu và lợi nhuận nên sản phẩm chất lượng chưa cao dẫn đến khả năng tiêu tốn điện năng lớn”, ông Hùng cho biết thêm.
Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả , giai đoạn 2012 – 2015 đã được ban hành và triển khai. Nhưng quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn và thách thức.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phụ tải của một số ngành trong thời gian qua đã tăng đột biến.Ngyên nhân là việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích, nuôi tôm và trồng thanh long vượt quy hoạch, đặc biệt là ngành xi măng và thép “cung vượt quá cầu” đã gây ra áp lực cho ngành điện.
Việc này khiến ngành điện gặp phải khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp đủ điện, phục vụ cho sự phát triển của các nhà máy, các khu nuôi trồng… vẫn đang liên tục gia tăng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp và người dân nhận thức về chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn hạn chế, còn lãng phí trong tiết kiệm năng lượng và sử dụng điện.
Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng cho rằng, vốn đầu tư cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp là vấn đề rất lớn. Bởi các doanh nghiệp luôn có nhu cầu áp dụng công nghệ mới, có hiệu suất cao và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng không có vốn.

Theo Bizlive