Báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Thép không nằm ngoài xu hướng kém khả quan của thị trường. Có đến 10 trong 20 doanh nghiệp ngành này giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng doanh thu các doanh nghiệp thép trong 6 tháng đầu năm.
20 doanh nghiệp ngành Thép và sản phẩm thép đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Tổng doanh thu các công ty này đạt 45.656 tỷ đồng, tăng 2% và lợi nhuận ròng 1.873 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với quy mô vượt trội, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chiếm phần lớn doanh thu (29%) và lợi nhuận (97%) của các công ty này. Riêng HPG cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu tăng 59% và lợi nhuận tăng 87%.
Tuy nhiên, có đến 10/19 doanh nghiệp còn lại có mức tăng trưởng lợi nhuận âm trong 6 tháng đầu năm, mặc dù nhiều doanh nghiệp trong số này vẫn tăng trưởng doanh thu cao so với năm ngoái.
Tiêu biểu là HSG với doanh thu 7.667 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ nhưng việc giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận chỉ đạt 178,9 tỷ đồng, giảm 57%. Theo đánh giá của công ty chứng khoán hồi đầu 2014, lợi nhuận sau thuế của HSG sẽ có xu hướng giảm nhẹ do diễn biến giá thép cán nóng (nguyên liệu chính) có thể không còn thuận lợi như trong 2013.
Tỷ suất lãi gộp giảm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận giảm sút của nhiều doanh nghiệp cùng ngành, tiêu biểu là HLA lỗ 287,1 tỷ đồng do giá vốn cao vượt doanh thu. Ngoài HLA, BVG và POM cũng đều ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm.
POM – doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất thị trường năm 2013 (15,9%) – đạt 5.416 tỷ đồng doanh thu trong kỳ này. Nhưng các chi phí chiếm tỷ trọng lớn dẫn đến khoản lỗ lũy kế 9,1 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã giảm so với con số 176 tỷ đồng trong năm 2013.
SMC – công ty phân phối sản phẩm thép quy mô lớn – đạt mức doanh thu lũy kế trên 5 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng thu về chỉ đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 49% so với cùng kỳ. Các chi phí bán hàng (chi phí dịch vụ mua ngoài) và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao là lý do khiến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm.
Không nằm trong xu hướng này, một doanh nghiệp thép khác là VGS tuy doanh thu giảm 10% nhưng tăng trưởng lợi nhuận 245%. Mặc dù vậy, lợi nhuận chênh lệch này do sự khác biệt từ lãi của công ty liên doanh liên kết. Cùng kỳ năm ngoái, khoản lỗ hơn 8 tỷ đồng ở hạng mục này đã làm giảm mạnh lợi nhuận ròng của VGS.
Theo Bizlive