Trở lại VN lần này, với tư cách là Nguyên Tổng giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã có những chia sẻ, lời khuyên rất thẳng với VN. Đặc biệt, để hội nhập tốt hơn với thương mại thế giới, ông Pascal Lamy đã khuyên VN nên tận dụng hơn nữa lợi thế cạnh tranh và cần ưu tiên ASEAN như là nơi hài hòa hóa các tiêu chuẩn, quy định của mình.
Ông Pascal Lamy cho biết, WTO sẵn sàng hỗ trợ VN xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, VN cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của WTO. Đồng thời việc giảm rào cản thuế quan là việc phải làm để thúc đẩy sản xuất trong giai đoạn hiện nay.
– Với một quốc gia đang tham gia đàm phán nhiều Hiệp định thương mại, trong đó có cả các đàm phán phi thuế quan, VN cần phải lưu ý những gì, thưa ông?
Theo tôi có 3 điểm, đó là: thuận lợi hóa thương mại, Logistics và hài hòa hóa những quy định pháp lý.
Hệ thống hành chính tại VN khá cồng kềnh khiến cho khả năng cạnh tranh của các nhà XNK thấp hơn. Nếu chi phí nhập khẩu ở VN do quản lý hành chính chiếm khoảng 10% giá trị nhập khẩu, các DN sẽ phải cho vào giá thành và người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí này.
Liên quan tới Logistics, những quốc gia có chi phí Logistics thấp sẽ nhận được lợi thế cạnh tranh. Với vị trí vị trí địa lý như VN, chất lượng Logistics là yếu tố quan trọng và là yếu tố cạnh tranh.
Cuối cùng cần phải hài hòa hóa về quy định pháp lý, để có thể bảo vệ người tiêu dùng một cách tốt nhất.
– VN đang đàm phán TPP với Mỹ, VN mong muốn Hoa Kỳ mở cửa cho dệt may và giầy dép VN, tạo điều kiện cho VN XK nông sản sang thị trường Mỹ trong đó có cá da trơn. Trong khi đó, người Mỹ đang áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, cá basa VN. Với kinh nghiệm của mình, theo ông VN phải làm gì để thuyết phục người Mỹ?
TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tặng quà lưu niệm cho ông Pascal Lamy cựu Tổng giám đốc WTO
Về thuế chống bán phá giá, nếu VN nghĩ rằng mình đang bị đối xử không công bằng thì đơn giản có cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO, ½ các vụ việc tranh chấp trong WTO liên quan tới các vụ tương tự như vậy.
Nếu tôi là nhà đàm phán Mỹ, tôi sẽ nói với nhà đàm phán VN rằng, “tôi đồng ý với anh, chúng ta cần phải làm điều đó vì nó sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, tôi phải có được đa số phiếu trong Quốc hội đồng ý, nếu không những gì tôi nhất trí với anh có thể sẽ không được Quốc hội thông qua”. Tôi đã từng làm việc với người Mỹ nhiều năm, tôi nhận thấy rằng trách nhiệm của các Hiệp định thương mại nằm trong Quốc hội, rất khó để có được sự tán đồng đa số.
– Chính sách của VN hiện nay nhìn chung chỉ khuyến khích nhập khẩu các mặt hàng là nguyên liệu để XK. Ông có lời khuyên gì cho VN ?
Với một quốc gia như VN, thành công kinh tế phụ thuộc vào việc VN gia nhập thế nào vào nền kinh tế toàn cầu
Đúng là VN cần phải nhập khẩu những mặt hàng cần nhập khẩu để phục vụ người tiêu dùng trong nước với mức giá thấp nhất. Đây là một phép tính rất đơn giản, điều này có nghĩa là phải quan tâm điều chỉnh thị trường trong nước, đặc biệt sau khi đã gia nhập WTO. Mục tiêu cuối cùng là chúng ta phải cung cấp cho người tiêu dùng các mặt hàng ở giá tối ưu, khi nào quyết định ngừng sán xuất một mặt hàng nào đó cũng phải cân nhắc kỹ mặt lợi và mặt hại.
– Theo ông VN cần phải làm gì để cân bằng cán cân XNK, cũng như tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, đảm bảo tự chủ kinh tế cũng như nguồn nguyên liệu?
Trong trường hợp VN, không có sự lựa chọn nào khác trong việc lựa chọn lợi thế cạnh tranh của mình, giống như Nhật Bản, Châu Âu… lợi thế so sánh của VN nằm ở chính người dân và nó không có giới hạn. Vấn đề là cần phải nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục. VN sẽ không thể tăng trưởng kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên, mà phải dựa trên môi trường Biển của mình. Ví dụ trong thực phẩm thủy sản, không phải đánh được bao nhiêu cá mà là phát huy được tiềm năng con người của mình để nâng cao chất lượng hàng hóa như thế nào. Về trung và dài hạn, với một quốc gia như VN, thành công kinh tế phụ thuộc vào việc VN gia nhập thế nào vào nền kinh tế toàn cầu, chính sách thương mại tốt nhất là đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Bằng cách này VN có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
– Xin cảm ơn ông!
Theo dddn