Thực phẩm Nhật “rộng đường” vào thị trường Việt

Dù có giá bán cao hơn các sản phẩm trong nước nhưng nhiều mặt hàng đồ ăn nhanh, thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, quần áo…xuất xứ Nhật vẫn được nhiều người tìm mua. Cũng bởi vậy, nhiều siêu thị hiện đã nhập bán hàng Nhật với đủ nhãn mác, nguồn gốc nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ảnh minh họa.
Từ nhiều năm nay nhiều loại thực phẩm, hàng hóa Nhật đã được bán khá nhiều dưới dạng hàng xách tay. Tuy nhiên, nguồn cung hàng hóa này không ổn định do phụ thuộc vào việc “xách hàng” từ Nhật về.

Tuy vậy, thời gian gần đây khá nhiều siêu thị, đại lý đã nhập hàng Nhật về bày bán với đầy đủ nhãn phụ, thông tin sản phẩm. Những hàng hóa này được bán với giá tương đương hoặc chênh lệch ít so với hàng xách tay. Những mặt hàng này khá đa dạng: quần áo, bánh kẹo, gia vị, thực phẩm đông lạnh, mỹ phẩm…

Ông Phan Thành Tân – giám đốc Công ty Akuruhi (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM), chuyên kinh doanh và phân phối thực phẩm Nhật Bản cho các siêu thị, nhà hàng khách sạn cho biết siêu thị bắt đầu hoạt động từ năm 2010, ban đầu chủ yếu phục vụ khách hàng là người Nhật. Nhưng tới thời điểm hiện tại 70% khách của siêu thị này là người Việt Nam.

Hàng hóa khách Việt thường mua là các loại shashimi, nước tương, mù tạt, mì ống, rong biển, kem, bánh kẹo, sữa hay các mặt hàng đông lạnh. Giá bán các sản phẩm này thường cao hơn nhiều lần so với hàng trong nước như gia vị Nhật từ 45.000-110.000 đồng/gói, mì 65.000-170.000 đồng/gói loại 250-300g, thực phẩm đông lạnh từ vài trăm đến cả triệu đồng/kg. Tuy vậy trong những tháng đầu năm 2014 lượng hàng hóa bán ra của siêu thị cũng đã tăng thêm 30%.

Đại diện siêu thị Aeon Việt Nam cũng cho biết thời gian đầu mở cửa, với mục đích chính là tìm hiểu và đánh giá thái độ cũng như sức tiêu thụ của thị trường Việt, hiện hàng hóa Nhật đang chiếm khoảng 5% hàng hóa bày bán tại siêu thị. Tuy vậy bước đầu những hàng hóa này cũng đã được người tiêu dùng đón nhận. Những mặt hàng được ưa chuộng nhất là: sản phẩm có nguồn gốc từ trà xanh (matcha) như bánh kẹo, thức uống, bánh gạo và các loại gia vị Nhật Bản.

Có khá nhiều nguyên nhân để hàng Nhật dễ dàng được người tiêu dùng đón nhận: Hiện thực phẩm và nhiều món ăn quen thuộc của người Nhật đã dần quen thuộc với người Việt. Thuế suất giảm cũng khiến thời gian trở lại đây hàng Nhật có giá rẻ hơn và được nhiều nơi tìm nhập.

So với mặt bằng hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia giá bán của các loại hàng Nhật vẫn là giá khá cao, nên các sản phẩm này chỉ phù hợp túi tiền của khách hàng giới trung lưu. Tuy vậy, nhiều mặt hàng Nhật dù giá cao vẫn được người tiêu dùng chọn lựa do cảm giác an toàn và ngon miệng.

Cùng với nhiều hiệp định thương mại được ký kết giữa hai nước, thuế suất xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng được dỡ bỏ, tiến về mức 0% trong thời gian tới, thực phẩm Nhật vào nước ta đang được kỳ vọng sẽ có giá rẻ hơn, cạnh tranh hơn so với hiện nay.

Hiện số lượng hàng Nhật trên thị trường còn chưa nhiều nên hầu như không ảnh hưởng tới các mặt hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài những mặt hàng Nhật có thể dần tăng thị phần và thu hút thêm người tiêu dùng. Trong thời điểm người tiêu dùng bị bao vây thực phẩm bẩn thì nguồn thực phẩm Nhật vốn “nổi tiếng” về đảm bảo chất lượng, an toàn, mẫu mã bao bì đẹp sẽ dễ dàng được thu hút.

Theo Sống Mới