Nếu thành công, thương vụ mua cổ phần của Murphy tại Malaysia sẽ là vụ thâu tóm doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, Reuters đưa tin.
Ảnh minh họa.
Động thái này của công ty Petrovietnam là một phần trong nỗ lực vực dậy sản lượng dầu mỏ giảm sút trong thập kỷ qua.
Trong khi đó, Murphy Oil đang giảm khối lượng tài sản tại nước ngoài khi viễn cảnh khai thác dầu khí tại quê nhà được cải thiện.
Giá trị chào mua của Petrovietnam cao hơn khoản chào mua 1,5 tỷ USD của công ty Dầu & Khí thiên nhiên Oil India Ltd, một nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.
Murphy Oil, có trụ sở tại Ankarsas, Mỹ – từng để mắt tới nhiều mỏ dầu khí tại Malaysia, Việt Nam, Indonesia, Brunei và Úc – đang tìm kiếm người mua 30% cổ phần trong khối tài sản tại Malaysia của mình.
Petrovietnam “nghĩ rằng sẽ nhập khẩu nhiều dầu, và là một công ty nhà nước, họ cần tham gia vào ngành sản xuất dầu mỏ quốc tế”, ông Philip Andrews-Speed – một chuyên gia an ninh năng lượng tại học viện Nghiên cứu năng lượng Singapore nhận định.
Chiến lược này tương đồng với những kế hoạch của nhiều công ty dầu khí nhà nước trong khu vực, từng đối mặt với lượng sản xuất nội địa sụt giảm, như PTT của Thái Lan, Petronas của Malaysia, ông Andrews-Speed chỉ ra.
Trước đây, Petrovietnam thường khai thác quốc tế tại Nga và Venezuela, bên cạnh một số dự án liên doanh với Petronas tại mỏ dầu Bunga Orkid và Kekwa.
Sản lượng dầu khí nội địa của Việt Nam đã qua thời hoàng kim khi các mỏ mới khai thác được khí thay vì dầu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc khai thác tại các mỏ ngoài khơi vì nhiều tranh chấp trên Biển Đông.
Nếu thành công, thương vụ mua cổ phần của Murphy tại Malaysia sẽ là vụ thâu tóm doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, vượt khoản 1,29 tỷ USD của công ty Pháp Perenco mua lại ConocoPhillips tại Việt Nam năm 2012.
Đợt chào thầu một phần tài sản tại Malaysia của Murphy Oil đã thu hút sự chú ý từ nhiều đơn vị thầu hác, bao gồm công ty Kuwait Foreign Petroleum Exploration Co – doanh nghiệp chào thầu khoảng 2 tỷ USD.
Murphy Oil đang ngả theo hướng bán cổ phần cho những nhà đầu tư gián tiếp – hoặc các nhà sản xuất không phải đối thủ trong thị trường, yếu tố có thể mang lại lợi thế cho Mitsubishi của Nhật Bản, nguồn tin cho hay.
Theo Bizlive