Ảnh minh họa
Ngân hàng HSBC vừa công bố chỉ số PMI tháng 7 ở mức 51,7 điểm, cho thấy sản xuất duy trì trạng thái mở rộng liên tiếp 11 tháng. Dù vậy, khảo sát cho thấy mức tăng đã chững lại so với trước đó, đây cũng là mức điểm thấp nhất kể từ tháng 4 cho đến nay. Trong đó, đơn hàng mới chỉ tăng trưởng với mức khiêm tốn và thấp nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.
Như vậy, thống kê của HSBC khá tương đồng với báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Tổng cục Thống kê những tháng đầu quý III là thời điểm nền kinh tế chuyển động chậm và không mang lại nhiều hiệu ứng tích cực đối với tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chẳng hạn, HSBC đồng loạt công bố chỉ số PMI của một số nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á. So với các nước này, chỉ số PMI của Việt Nam có thể khiến một số nhà đầu tư nước ngoài thất vọng bởi hầu hết các nước đều có tăng trưởng tốt hơn hoặc bằng tháng trước. Cũng theo HSBC, đây có thể là một trong những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài giao dịch cầm chừng trong những ngày gần đây.
Quả vậy, nếu quan sát thị trường, dễ thấy thời gian qua giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài không có nhiều nổi bật khi mà triển vọng thị trường vẫn chưa có sự khởi sắc trong trung và dài hạn. Các giao dịch diễn ra cầm chừng với giá trị thấp hơn nhiều so với các giai đoạn trước.
Thống kê giao dịch trong quý II/2014, khối ngoại đã mua ròng rất mạnh, mua vào 626 triệu cổ phiếu, trị giá 17.991 tỷ đồng, trong khi bán ra 332 triệu cổ phiếu, trị giá 11.708 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 294 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị mua ròng đạt 6.283 tỷ đồng, gấp 7,84 lần so với quý I/2014.
Trên sàn HOSE, khối ngoại đã có quý mua ròng thứ ba liên tiếp, với giá trị mua ròng đạt 5.140 tỷ đồng (gấp 5,9 lần so với giá trị mua ròng của quý I/2014), tương đương khối lượng mua ròng là 222 triệu cổ phiếu. Trong đó, khối ngoại đã mua vào 515 triệu cổ phiếu, còn bán ra 293 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào đạt 16.331 tỷ đồng, còn giá trị bán ra là 11.190 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong tuần qua, ở cả HOSE lẫn HNX đồng thời bán ròng ở phiên còn lại. Đơn cử, trong 2 phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7, trên HOSE, khối ngoại bán ròng 685.240 đơn vị, giá trị bán ròng 23,01 tỷ đồng, giảm 87,92% về khối lượng và giảm 95,28% về giá trị.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 92.450 đơn vị, trong khi phiên trước còn mua ròng 353.660 đơn vị. Tính chung trên 2 sàn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 777.690 đơn vị, giảm 85,38% so với phiên trước, giá trị bán ròng 21,98 tỷ đồng, giảm 95,39% so với phiên trước.
Với diễn biến trên, nhiều công ty chứng khoán đã dự báo nhà đầu tư ngoại sẽ tiếp tục bán ròng ở những phiên sắp tới. Điều này được khẳng định trong báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) là vốn ngoại sẽ chững lại trong quý III/2014.
Cụ thể, theo báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm, nếu xem xét kỹ về cơ cấu mua ròng của khối ngoại, có thể thấy lượng giải ngân chủ yếu đến từ hai quỹ ETF đầu tư tại Việt Nam là Vietnam Market Vector và FTSE.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ trong 6 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại vào thuần trên thị trường chứng khoán niêm yết đã tăng gấp 2,52 lần (khoảng 252%) so với cả năm 2013 và gấp 3,53 lần (tăng 353%) so với cùng kỳ năm 2013 (chưa kể số vốn vào qua mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và đầu tư vào chứng khoán chưa niêm yết). Trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên 7.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Và lượng mua ròng của 2 quỹ ETF chiếm khoảng 40% tổng lượng mua ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Hai quỹ này hoạt động chủ yếu tại Mỹ và EU, nơi có chính sách lãi suất ở mức rất thấp, huy động đều đặn qua từng phiên khiến cho dòng vốn liên tục chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nước ngoài khác hầu như không có động thái gì trên thị trường do quý II thông thường không phải là giai đoạn hoạt động mạnh của nhà đầu tư khối ngoại. Ngoài ra, danh mục của hai quỹ ETF này đa phần là các cổ phiếu có vốn hóa lớn và thanh khoản cao trên thị trường. Kết hợp hai yếu tố trên, có thể thấy mức tăng trưởng mạnh của thị trường trong giai đoạn vừa qua có sự góp sức không nhỏ của hai ETF.
Tương tự các năm trước đó, giao dịch của khối ngoại trong 6 tháng đầu năm vẫn chủ yếu xoay quanh các cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa lớn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các cổ phiếu vốn hóa trung bình với yếu tố cơ bản tốt cũng đã được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn với lượng mua ròng ở mức vừa phải.
Điều này cho thấy cơ hội dành cho các cổ phiếu này đã bắt đầu được mở rộng. Từ đó, các chuyên viên phân tích của VCBS nhận định, theo yếu tố chu kỳ, thời điểm quý III thường không phải thời gian hoạt động mạnh của khối ngoại.
Nhận định này căn cứ theo hai nguyên nhân chính: từ phía trong nước, triển vọng nền kinh tế duy trì sự ổn định và đang phục hồi dần; và các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang duy trì các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế như Nhật Bản, châu Âu và đặc biệt là Mỹ cũng sẽ chưa sớm nâng lãi suất.
Thêm vào đó, dự luật nới room cho công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết, nếu sớm được thông qua, cũng sẽ tạo ra động lực không nhỏ, góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại các cổ phiếu hiện đã hết hoặc gần hết room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đối ngược với quý III/2014, quý IV thường là giai đoạn giải ngân rất tích cực của thị trường. Báo cáo kỳ vọng năm nay cũng không phải là ngoại lệ khi nền kinh tế trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được đà phục hồi ổn định theo đúng hướng mục tiêu đề ra.
Đồng thời, các chính sách ban hành trong quý II nhằm kích thích tăng trưởng của Trung Quốc, Nhật Bản và EU sẽ bắt đầu cho thấy hiệu quả. Cuối cùng là dòng vốn rẻ dự kiến sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất là đến hết năm nay.
Theo DNSG