Với quy mô khoảng 6.700 con heo, trang trại của ông Nguyễn Tấn Hậu tại xã Lộc An (huyện Long Thành) cần ít nhất 22 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng tại trang trại nhưng do thiếu giấy chứng nhận trang trại nên không đủ điều kiện để làm thủ tục, hồ sơ bảo lãnh. Đây cũng là tình trạng của rất nhiều trang trại tại Đồng Nai hiện nay…
Nhiều trang trại khó tiếp cận vốn vay do chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại.
Theo Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đối tượng chủ trang trại được xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với mức tối đa 500 triệu đồng. Nhưng theo nhiều chủ trang trại chăn nuôi, để tiếp cận nguồn vốn này và hưởng các chính sách ưu đãi tín dụng khác, người chăn nuôi phải có giấy chứng nhận trang trại. Trong khi, không phải trang trại nào cũng dễ dàng có được tấm “giấy thông hành” này…
Bất cập: trong – ngoài quy hoạch
Theo ông Nguyễn Tấn Hậu – Chủ trang trại heo tại xã Lộc An (huyện Long Thành): “Tuy đáp ứng đủ mọi điều kiện về cơ sở hạ tầng, môi trường, song tôi không được cấp giấy chứng nhận trang trại vì nằm ngoài vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh. Điều này khiến tôi mất cơ hội mở rộng chăn nuôi bởi ngân hàng chỉ duyệt vay 7 tỷ đồng từ tài sản thế chấp, chưa đầy 1/3 số vốn tôi cần”.
Ông Hậu cho biết thêm, trang trại ông nhập giống heo từ Mỹ – được hỗ trợ vốn vay theo hình thức trả chậm với lãi suất thấp. Tuy nhiên, vì thiếu giấy chứng nhận này, trang trại không đủ điều kiện để làm thủ tục, hồ sơ bảo lãnh.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, việc đầu tư xây dựng thí điểm vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 04 năm 2013 của Tỉnh ủy, thực hiện tại các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất và Trảng Bom. Hiện, trong vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh đã có 87 trang trại hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi vẫn còn một số tồn tại như: công tác di dời, quản lý quy hoạch chưa cao (hiện huyện Trảng Bom vẫn còn 36 trang trại xây mới bên ngoài vùng quy hoạch); hạ tầng trong vùng quy hoạch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế; quá trình di dời, triển khai phát triển chăn nuôi còn chậm… Điều này dẫn đến việc số trang trại đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận trang trại thì ít (Hiện toàn tỉnh có 850/2.369 trang trại được cấp giấy chứng nhận, chiếm tỷ lệ 35,8%), trong khi rất nhiều trang trại bên ngoài quy hoạch, mặc dù các đủ điều kiện hạ tầng, môi trường… vẫn không được cấp giấy chứng nhận trang trại, để có thể tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi…
Nghịch lý thiếu – thừa
Cần tiếp tục triển khai chính sách về tín dụng hỗ trợ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản và điều chỉnh mức lãi suất xuống khoảng 6 đến 8%.
Theo các chuyên gia, việc thiếu giấy chứng nhận trang trại đang đẩy hàng loạt trang trại ở Đồng Nai vào tình trạng khát vốn, đồng thời, mất nhiều cơ hội mở rộng, phát triển. Tình trạng này đang khiến các chính sách tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp, nông thôn không phát huy được tác dụng.
Minh chứng từ Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh Đồng Nai cho biết, nông nghiệp, nông thôn được xác định là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên tập trung nguồn vốn. Kết quả trong 6 tháng đầu năm, dư nợ cho vay ở lĩnh vực này đạt 14.639 tỷ đồng, tăng trên 14% so với cuối năm 2013. Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện chỉ có 1.006 trang trại được vay vốn với số tiền 335 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng chưa đến 3% trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
Như vậy, với tổng cộng 2.369 trang trại của toàn tỉnh Đồng Nai, hiện vẫn còn khoảng 60% trang trại chưa thể tiếp cận nguồn vốn, trong khi đó, lượng vốn trong hệ thống ngân hàng tại Đồng Nai hiện vẫn thừa hơn 13 ngàn tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn, Sở này đã phối hợp với Sở Tài nguyên – môi trường ban hành văn bản số 1150 thống nhất tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận trang trại. Theo đó, các địa phương vẫn xem xét và cấp giấy chứng nhận trang trại tạm thời cho những trang trại nằm ngoài vùng quy hoạch khuyến khích phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở này cũng kiến nghị, cùng với việc cấp giấy chứng nhận trang trại, cần tiếp tục triển khai chính sách về tín dụng hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản – cho phép được kéo dài thêm 2-3 năm nữa và điều chỉnh mức lãi suất xuống khoảng 6 đến 8%. Như vậy, mới có thể giúp các trang trại vượt qua khó khăn, mở rộng quy mô trong bối cảnh hiện nay.
Theo dddn