Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đang được giới chuyên môn đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên “miếng bánh” thị trường này không dễ gì vào tay doanh nghiệp nội khi ngành sữa Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu lên tới hơn 70%.
Ảnh minh họa
Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nguyên Hòa – Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) xung quanh vấn đề này.
– Thị trường sữa Việt Nam được đánh giá đang trong giai đoạn “cơ hội và thách thức”. Theo ông, đâu là cơ hội, đâu là thách thức của ngành sữa?
Trong khi nhiều ngành hàng tiêu dùng khác đang gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế thì ngành sữa vẫn liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao. Đây chính là tín hiệu đáng mừng cho ngành sữa Việt Nam.
Theo tôi, có được sự tăng trưởng này là do người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em và người già. Hiện nay, mức tiêu thụ sữa của người Việt so với thế giới còn quá rất thấp, khoảng 15lít/người/năm, Thái lan 35 lít/người/năm, Singapore 40 lít/người/năm… Vì vậy, thị trường Việt Nam đang được đánh giá còn rất tiềm năng. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho ngành sản xuất, chế biến sữa nội.
– Cùng công thức, công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu nhập khẩu 100%, nhưng giữa sữa nội và sữa ngoại lại có sự chênh lệch quá lớn về giá. Theo ông đâu là nguyên nhân?
Theo tôi, nguyên nhân sâu xa vẫn do tâm lý tự ti của người Việt và trong tiềm thức lúc nào cũng có suy nghĩ sản phẩm của các nước Âu, Mỹ, Nhật bao giờ cũng tốt hơn Việt Nam. Hơn nữa, các hãng sữa ngoại đã vào thị trường Việt Nam từ rất lâu, trong khi ngành sản xuất sữa Việt Nam mới hình thành và phát triển gần đây.
Một yếu tố nữa để người tiêu dùng lựa chọn nhãn hiệu sữa – nhất là cho trẻ em – là niềm tin về chất lượng sản phẩm. Các công ty sữa đa quốc gia có tiềm lực hùng hậu, sẵn sàng đầu tư lớn vào quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giới thiệu công thức mới trên truyền thông, thậm chí tác động cả vào nhân viên y tế… Từ đó tạo cho người tiêu dùng tin rằng sữa ngoại luôn luôn giàu dưỡng chất hơn, nhiều phát minh mới hơn, do đó hiệu quả hơn cho người sử dụng. Trong khi đó, sữa nội lại hạn chế về nguồn lực, bị khống chế cả về chi phí quảng cáo nên luôn luôn thất thế so với sữa ngoại.
– Với xuất phát điểm là “Trung tâm dinh dưỡng”, Nutifood có lời khuyên nào cho người tiêu dùng Việt Nam, thưa ông?
Trước hết, chúng ta cần phải biết, sữa là nguồn thực phẩm hoàn hảo cho tất cả mọi người. Tùy theo lứa tuổi sẽ có các nhu cầu khác nhau, vì vậy mọi người cần bổ sung lượng sữa cho phù hợp. Quan trọng hơn hết, người tiêu dùng cần sáng suốt nhận ra giá trị thật của sản phẩm có tương xứng với giá bán sản phẩm hay không. Chúng tôi rất tự tin cho rằng các sản phẩm sữa của các thương hiệu uy tín trong nước có chất lượng hoàn toàn ngang bằng với các hãng sữa hàng đầu thế giới nhưng mức giá lại hợp lý hơn nhiều.
– Theo ông, sữa tươi 100% nguyên chất và sữa hoàn nguyên sự khác nhau thế nào?
Đối với sữa bột và sữa bột pha sẵn, nhà sản xuất không dùng sữa tươi 100% mà dùng nguyên liệu là các thành phần tách ra từ sữa tươi, rồi phối trộn với các vi chất dinh dưỡng theo công thức được xác định theo đối tượng sử dụng. Đối với sữa nước có thể làm từ 100% sữa tươi, hoặc một phần sữa tươi, hoặc hoàn nguyên từ sữa bột… Chất lượng các loại sữa này đều tương đương nhau về thành phần dinh dưỡng (theo tiêu chuẩn tự công bố) vì nhà sản xuất đã tính toán thành phần công thức để bổ sung đầy đủ các dưỡng chất hao hụt trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên về cảm quan, sữa tươi 100% sẽ có mùi thơm tự nhiên hơn.
– Được biết, Nutifood vừa ký hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sản xuất chế biến sữa tươi. Ông có thể chia sẻ về chiến lược hợp tác này. Đâu là lợi thế của dự án?
Nutifood kỳ vọng sự kết hợp với HAGL sẽ làm thay đổi tư duy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam. Qua đó, mục tiêu 500 triệu lít sữa tươi/năm với giá thành thấp sẽ sớm trở thành hiện thực trong tương lai gần.
Hiện tại, Nutifood có đầy đủ năng lực vận hành nhà máy với dây chuyền công nghệ cao và hệ thống phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Việc tăng thêm 500 triệu lít sữa tươi/năm (bằng 1/3 lượng sữa tiêu dùng 2013) với giá thành thấp hơn giá hiện nay sẽ tạo cơ hội cho nhiều người dân tiếp cận được với sữa tươi nhằm thúc đẩy ngành hàng tiếp tục tăng trưởng. Mặc khác, tự thân ngành sữa sẽ phải có sự sắp xếp lại cả chuỗi cung ứng sản xuất. Ví dụ, việc chăn nuôi manh mún dẫn đến năng suất sữa thấp, giá thành cao… Nếu ngành sữa sắp xếp lại theo hướng chăn nuôi tập trung mô hình công nghệ cao…, tôi tin cục diện ngành sản xuất, chế biến sữa có sự thay đổi.
– Xin cảm ơn ông!
Theo dddn