Đó là thông tin được Bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Chánh Thanh tra, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Việt Nam đưa ra tại buổi họp báo Diễn đàn M&A “Đón trước làn sóng thứ hai” tổ chức sáng 17/7.
Ảnh minh họa
Theo bà Hoà, đến thời điểm hiện nay, NHNN đã thu hồi giấy phép của 7 tổ chức tín dụng trong đó có 5 thương mại cổ phần và 2 công ty tài chính thông qua M&A. Trong 6 tháng năm 2014, NHNN đã chấp thuận cho ngân hàng VIB mua lại công ty tài chính Than khoáng sản để hoạt động lĩnh vực tín dụng tiêu dùng; chấp thuận về chủ trương một NHTM sáp nhập với một NHTM khác, một NHTM mua lại một công ty tài chính. Ngoài ra, cũng theo nguồn tin chưa chính thức nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang trong quá trình đàm phán, thương thảo để đưa ra quyết định cuối cùng cho các giao dịch sáp nhập hợp nhất.
Theo quy định của NHNN cũng như quy định pháp luật có liên quan để triển khai đi đến M&A thành công trải qua nhiều thủ tục nhiều quy trình. “Cho nên không thể từ giai đoạn thương thảo đến giai đoạn kết thúc phải có quá trình. Đối với những giao dịch đã có chấp nhận về chủ trương hoặc nguyên tắc chắc sẽ được hoàn tất trong năm 2014” – bà Hoà nói.
Để đẩy mạnh M&A trong lĩnh vực này, vị đại diện này cũng cho biết, M&A được xem là một giải pháp để cơ cấu lại các tổ chức tín dụng khá hiệu quả. Điều này được minh chứng ở cả thực tiễn quốc tế, không chỉ hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém mà nó còn đem lại lợi ích cho các tổ chức tín dụng hoạt động bình thường. Chính vì vậy, triển khai đề án 254 về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 của Chính phủ, NHNN và Chính phủ luôn khuyến khích việc sáp nhập hợp nhất mua lại các tổ chức tín dụng với nhau. Thực tế các giao dịch đó vẫn diễn ra với nhau trên tinh thần tự nguyện.
Ngoài ra để khuyến khích hoạt động này thì NHNN vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để trình Chính phủ cơ chế để hỗ trợ cho tổ chức tín dụng tham gia vào quá trình sáp nhập hợp nhất này.
Theo dddn