Mặc dù nhiều DN gỗ tại Đồng Nai hiện đã có hợp đồng sản xuất đến hết quý III, thậm chí đến hết tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, họ đang chật vật vì nguyên liệu khan hiếm và giá tăng vọt…
Chế biến gỗ tại Cty gỗ Hố Nai, phường Tân Biên, TP Biên Hòa
Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Cty cổ phần chế biến gỗ Hoàng Nhật Phát (huyện Long Thành), cho biết các loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng giá khá nhiều dẫn đến DN chế biến gỗ bị giảm lợi nhuận.
Gỗ ngoại tăng giá
Theo ông Phát, các loại gỗ, như: thông, dẻ gai, trăn… đã tăng từ 5 – 10 USD/m3. Cụ thể, giá gỗ thông nhập khẩu loại đã xẻ, sấy vào cuối năm 2013 vẫn ở mức 230 USD/m3 thì hiện tại lên gần 240 USD/m3, hay gỗ dẻ gai đã từ 420 USD/m3 lên xấp xỉ 430 USD/m3, gỗ trăn từ 500 USD/m3 tăng lên 506 USD/m3. “Đơn hàng từ năm ngoái đến nay không khó khăn như thời điểm năm 2012 trở về trước, nhưng giá nguyên liệu, đặc biệt là gỗ tăng nhiều khiến đàm phán hợp đồng khó khăn hơn. Tính toán lợi nhuận lúc này rất khó” – ông Phát chia sẻ.
Đối với các sản phẩm do khách hàng chỉ định loại gỗ sản xuất, DN không được tự lựa chọn loại gỗ thay thế còn phức tạp hơn. Ông Đỗ Văn Hùng – Giám đốc DNTN Minh Tiến, chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (phường Tân Biên, TP Biên Hòa), cho hay giữa tháng 5 vừa qua ông xuất 2 lô hàng là tủ rượu và bàn ghế bằng gỗ sồi, gỗ tần bì qua Mỹ, tính ra suýt bị lỗ do giá 2 loại gỗ này tăng quá cao. Hợp đồng được ký từ tháng 11/2013, lúc đó giá gỗ tần bì của Mỹ (loại đắt nhất) là 428 USD/m3, nhưng đến tháng 3/2014, loại gỗ này tăng khoảng 100 USD/m3, đến đầu tháng 6 vừa qua tăng thêm gần 25 USD/m3 nữa. Tương tự, gỗ sồi thời điểm tháng 3 cũng tăng 60 USD/m3 và đến nay mức tăng là 105 USD/m3. Ông Hùng giải thích: “Tôi làm hàng xuất sang Mỹ, khách yêu cầu sử dụng 2 loại gỗ là tần bì và sồi. Gỗ nguyên liệu và sơn đều nhập khẩu từ Mỹ, tránh phải xác minh nguồn gốc và chất độc hại của sơn để đáp ứng quy định của nước này, vì bị chỉ định nên phải chấp nhận”.
Gỗ nội cạn nguồn
Tạo được các chuỗi liên kết mới giúp chủ động nguồn nguyên liệu cho DN và tái tạo nguồn nguyên liệu.
Ông Lê Khắc Khang – trợ lý Tổng giám đốc Cty chế biến gỗ F.J Wood (huyện Trảng Bom) cho biết, 2 loại gỗ trong nước được các DN làm hàng xuất khẩu sử dụng nhiều là cao su và xà cừ. Tuy nhiên, nguồn cung 2 loại gỗ này ngày càng giảm khiến giá cũng tăng theo. So với cuối năm 2013, hiện tại mỗi mét khối gỗ cao su tăng thêm 350 – 400 ngàn đồng và gỗ xà cừ trên dưới 500 ngàn đồng. Hiện nay, giá gỗ cao su đang ở mức xấp xỉ 6 triệu đồng/m3, gỗ xà cừ 5,5 triệu đồng/m3. Theo ông Khang: “Mấy năm trước, các Cty cao su khai thác gỗ vườn cao su già để trồng mới khá nhiều nên lượng gỗ dồi dào, đến nay việc khai thác chậm lại. Bên cạnh đó, nhiều TCty cao su đã có các nhà máy chế biến nên một phần họ để lại phục vụ sản xuất. Gỗ xà cừ trên thị trường từ năm 2013 đã thấy giảm mạnh do người dân trồng không nhiều”.
Còn theo Bộ NN-PTNT, nguồn gỗ trong nước ngày càng nhiều nhưng do khai thác sớm, nên đường kính gỗ còn nhỏ, chất lượng thấp, do đó vẫn phải phụ thuộc nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Đây là một nghịch lý, làm cho ngành chế biến gỗ có tính cạnh tranh thấp trên thị trường. Dù không còn phải xuất khẩu tập trung vào 1 nước để tái xuất sang nước thứ 3 như trước, nhưng khi xuất khẩu trực tiếp, hầu hết các DN chưa có mạng lưới phân phối sản phẩm ở nước ngoài, vẫn phải qua những tập đoàn bán lẻ nên bị động về thị trường. Bên cạnh gỗ nguyên liệu nhập khẩu chiếm 35%-40% giá thành, ngành công nghiệp phụ trợ chưa có, đa phần phải nhập khẩu giá cao chiếm 10%, chi phí bán hàng lớn khoảng 14% làm giảm khả năng cạnh tranh nên lợi nhuận của DN chế biến xuất khẩu chỉ còn khoảng 5% giá trị xuất khẩu.
Ở Trung Quốc, ngành chế biến gỗ nhập gỗ nguyên liệu từ Nga, tổ chức cưa xẻ ở Nội Mông sau đó vận chuyển về các nhà máy chế biến tập trung. Tạo được các chuỗi liên kết đó mới giúp phát triển chế biến vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc và là nguồn sinh kế ổn định của người trồng rừng vừa chủ động nguồn nguyên liệu cho DN, nhà máy chế biến lại vừa đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Theo dddn