Xuất nhập khẩu một số ngành kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào Trung Quốc

Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nhập siêu liên tục tăng cao.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan Đó là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại Hội thảo Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau diễn ra vào sáng 3/7, tại VCCI.
Theo bà, nhìn chung quan hệ Việt Nam với thế giới về xuất nhập khẩu có 3 đối tác chính là nhóm các nước RCEP trong đó tỷ trọng thương mại với Trung Quốc rất lớn; nhóm các nước NAFTA, EU.
Trong bối cảnh hiện nay, bà Lan tập trung vào phân tích thương mại Việt Nam và Trung Quốc. Trong thời gian qua, xuất nhập khẩu với Trung Quốc thay đổi nhanh. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 1,5 tỷ USD vào năm 2000 lên 3,1 tỷ năm 2006; 13,3 tỷ năm 2013. Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng nhanh và đạt quy mô lớn, từ 1,4 tỷ USD năm 2000 lên 7,4 tỷ năm 2006 và xấp xỉ 37 tỷ năm 2013.
Cán cân thương mại đảo chiều nhanh chóng, từ thặng dư khoảng 135 triệu USD năm 2000 thành thâm hụt 4,3 tỷ năm 2006; 23,7 tỷ năm 2013. Tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu của Việt Nam tăng từ mức 15,9% năm 2001 lên 84,5% năm 2006; 136,0% năm 2011.
Trung Quốc chiếm 20% tổng thương mại của Việt Nam (24% của Hàn Quốc, 40% của Đài Loan). Trung Quốc là thị trường 25% nhập khẩu, 10% xuất khẩu của Việt Nam.
Theo bà Lan, sản xuất của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc do: 70% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc; nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu cây – con giống, phân bón, thức ăn gia súc; một số sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc với tỷ trọng cao (gạo, cao su, trái cây); nhiều dự án lớn do Trung Quốc làm tổng thầu, cung cấp từ A-Z; buôn lậu quy mô lớn, nhiều hoạt động chui của người Trung Quốc ở Việt Nam không kiểm soát được.
Hàng trung gian là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất, hàng tiêu dùng có giá trị xuất khẩu tăng nhanh. Nhóm hàng xăng dầu có giá trị lớn nhất, tăng từ 834 triệu USD năm 2000 lên hơn 2,2 tỷ năm 2012. Về các nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhóm hàng trung gian cung là nhóm hàng lớn nhất, giá trị tăng mạnh từ gần 5,0 tỷ USD năm 2006 lên 19,5 tỷ năm 2012. Hàng hóa vốn là nhóm nhập khẩu lớn thứ hai. Tổng tỷ trọng của hàng hóa vốn và hàng hóa trung gian trong nhập khẩu từ Trung Quốc biến động hàng năm, nhưng luôn vượt mức 80% kể từ năm 2006. Việt Nam dựa khá nhiều vào máy móc, công nghệ và đầu tư vào Trung Quốc…
“Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong một số lĩnh vực, nhập siêu liên tục tăng cao” – bà Lan khẳng định – “Lợi ích thương mại rơi phần lớn vào tay Trung Quốc, kể cả trong xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới”.
Bà cũng cho biết, cơ cấu thương mại và sản xuất của Việt Nam ít thay đổi, tụt hậu so với các nước, vị thế yếu trên thị trường và lệ thuộc sâu hơn. Nhiều ngành sản xuất của Việt Nam bị chèn lấn, khó phát triển. Các doanh nghiệp Việt Nam và FDI mất động lực đầu tư vào công nghiệp phụ trợ, phát triển các sản phẩm trung gian do khó cạnh tranh với Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo bà, quan hệ với Trung Quốc nuôi dưỡng nhiều tiêu cực như buôn lậu, gian lận, hàng giả, nhái, chất lượng sản phẩm thấp, phương thức kinh doanh không bài bản, hiệu lực quản lý Nhà nước và doanh nghiệp thấp.

Nguyên nhân thâm hụt thương mại với Trung Quốc được đưa ra là do cơ cấu công nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn mà không quan tâm tới các ngành sản xuất sản phẩm trung gian – là ngành có dung lượng thị trường lớn, tạo được nhiều giá trị gia tăng và là bước đi cần thiết trước khi phát triển tới trình đó công nghệ, sáng tạo hơn. Cấu trúc xuất nhập khẩu của Việt Nam về chiến lược, chính sách xuất nhập khẩu chú trọng tăng kim ngạch và khối lượng hàng xuất khẩu, ít chú trọng phát triển năng lực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, mang lại giá trị thực cho nền kinh tế. Cách thức tham gia hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu dựa trên các hợp đồng ngắn hạn, chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu dựa trên các hợp đồng dài hạn và năng lực được liên tục nâng cao về trình độ chuyên môn, năng suất loa động và giá trị gia tăng… Sự tham gia của Trung Quốc làm EFC trong nhiều dự án lớn thể hiện n hư ODA Trung Quốc 417 triệu USD (0,7% vốn vay Chính phủ), vay thương mại 1,92 tỷ USD, điện mua 1,5% sản lượng kế hoạch năm 2014 (2,46 tỷ KWh).

Theo dddn