Việc ba doanh nghiệp (DN) ký kết hợp tác chăn nuôi bò sữa, bò thịt với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng đang tạo sự chú ý cho giới chuyên gia kinh tế, truyền thông và các nhà hoạch định chính sách. Theo đó, đầu ra của các sản phẩm từ dự án “Chăn nuôi bò sữa, bò thịt” của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đầu tư góp vốn sẽ do hai DN là Cty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Cty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đảm trách.
Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, sự kiện ký kết hợp tác giữa 3 DN này là một tín hiệu đáng mừng để tái cơ cấu nền nông nghiệp VN. Bởi, muốn đứng vững và phát triển ổn định trong thời kỳ hội nhập đòi hỏi DN Việt phải liên kết kinh doanh, góp phần tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng nhằm cải thiện sức cạnh tranh. Sự liên kết kinh doanh giữa HAGL, Vissan và Nutifood là một dẫn chứng tích cực để DN Việt “chung lưng đấu cật” tạo nguồn lực trong cuộc chiến thương trường thời hội nhập.
Buổi lễ ký kết hợp tác liên kết của ba DN: HAGL – Vissan và Nutifood
Khai khác từ lợi thế sẵn có
Theo ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Group HAGL, với lợi thế từ quỹ đất trên 100.000ha để phát triển trồng cỏ, HAGL sẽ tận dụng triệt để nguồn thực phẩm sẵn có từ bắp, mía đường… để chế biến làm thức ăn cho bò. HAGL sử dụng công nghệ chăn nuôi cũng như công nghệ quản lý đàn bò, quản lý trang trại nhập từ Israel nên hội đủ điều kiện để phát triển tổng đàn, cung ứng hai loại sản phẩm là sữa bò và bò thịt cho thị trường trong nước. Với cách làm này sẽ giúp VN giảm bớt việc nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước. Đây cũng là điều kiện để hai DN là Vissan và Nutifood thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, ổn định an sinh xã hội theo chủ trương lớn của Chính phủ.
Nói về dự án hợp tác liên kết này, ông Đức cho biết thêm, Vissan và Nutifood là hai thương hiệu mạnh ở VN, trong đó Vissan không chỉ đơn thuần là đơn vị giết mổ, bán thịt tươi mà qua chế biến đã tạo ra nhiều dòng sản phẩm từ thịt bò. Có chuỗi cửa hàng tiện lợi, tiện ích khắp cả nước, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đều lấy hàng từ Vissan để cung cấp cho thị trường. Nutifood cũng là một DN ngành sữa đang phát triển mạnh ở VN, với hai DN này đảm bảo lo đầu ra của dự án. Do vậy, trong mối hợp tác liên kết này, HAGL chỉ hoàn toàn chú tâm vào làm nông nghiệp, chăn nuôi, đảm bảo giá nguyên liệu hợp lý.
Ngày 16/6, lứa bò thịt đầu tiên được nhập từ Thái Lan về VN. Đây là lứa bò đã 17 – 18 tháng tuổi, về trang trại HAGL ở Gia Lai nuôi thêm 7 – 8 tháng nữa, với sức tăng trưởng từ 1 – 1,4 kg thịt/con/ngày. Dự định 7 tháng sau ngày nhập về, tức quãng đầu tháng 2/2015, bò thịt HAGL sẽ cung ứng cho Vissan để đưa ra thị trường cả hai dạng thịt bò tươi và thịt bò qua chế biến. Còn đối với bò sữa, quy trình có phần phức tạp hơn, đến tháng 10 tới chúng tôi mới nhập lứa đầu tiên. Hơn nữa, còn phải chờ NutiFood xây dựng nhà máy, dự kiến kéo dài khoảng 13 tháng. Như vậy, khoảng đầu quý 3.2015, sản phẩm sữa tươi của trang trại HAGL qua cung cấp cho Nutifood mới có mặt trên thị trường. Ông Đức tiết lộ.
Một trong hai đối tác liên kết hợp tác của HAGL, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nhận định, hiện giá bò hơi Vissan nhập từ Úc về là 3,2USD/kg, trong khi đó, với lợi thế của mình trong nông nghiệp và chăn nuôi, giá thành của HAGL chỉ hơn 1 USD/kg. Do đó, giá cả nhất định sẽ giảm hơn ở mức cạnh tranh được. Hiện chúng tôi cũng đang xây dựng dự án cụm công nghiệp thực phẩm chế biến Vissan tại Long An có công suất 100.000 tấn/năm sẽ tiêu thụ toàn bộ lượng thịt bò do HAGL cung cấp. Còn đối tác Nutifood, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Nutifood cũng cho biết, dự án nhà máy chế biến sữa do NutiFood đầu tư sẽ khởi công vào tháng 9/2014, với số vốn 5.000 tỉ đồng tại Khu Công nghiệp Trà Đa – Gia Lai được triển khai làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2014 – 2015 có số vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, quy mô sản xuất là 290 triệu lít sữa tươi/năm. Giai đoạn 2 được thực hiện trong các năm tiếp theo với số vốn đầu tư là 1.500 tỉ đồng nâng công suất nhà máy lên 500 triệu lít sữa tươi/năm. Dự kiến đầu năm 2016, sản phẩm sữa từ nhà máy này sẽ cung ứng ra thị trường.
Hợp sức nâng cao chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi
Qua trao đổi với báo DĐDN, theo ông Mười, chúng ta đã có cam kết cắt giảm thuế quan xuống bằng 0% theo lộ trình đối với các sản phẩm hàng hóa nói chung và nông nghiệp nói riêng với các nước thành viên đàm phán TPP. Tuy nhiên, trong TPP, Hoa Kỳ, Australia và New Zealand là 3 đối tác đáng lo ngại nhất khi đàm phán và thực hiện cam kết về mở cửa hàng nông sản, đặc biệt với các sản phẩm chăn nuôi. Bởi khả năng cạnh tranh của nước ta trong ngành này tương đối thấp, năng lực sản xuất và công nghệ hạn chế và phải đối mặt thường xuyên với các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trong khi đó, chăn nuôi đang là ngành tạo công ăn việc làm cho nông dân, nhóm này chiếm tới trên 80% dân số, có thu nhập thấp, không ổn định và trước nay vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình mở cửa hội nhập thị trường. Do vậy, sự kiện này được xem là một bước ngoặt lớn của ngành nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng với chương trình hợp tác này, chúng ta sẽ hóa giải mối lo lớn nhất của ngành chăn nuôi VN trong thời gian qua là thiếu nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là thức ăn cho bò sữa và bò thịt.
Ông Mười cho biết thêm, hiện nay nhu cầu tiêu thụ thịt bò tại VN cần khoảng 3.000 con một ngày, riêng tại TP.HCM tiêu thụ 600 con. Do nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nên đa phần thịt bò trên thị trường phải nhập khẩu ở hai dạng chính thức và biên mậu. Do vậy, với mô hình chăn nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm 70% chi phí thức ăn do tận dụng được nguồn phụ phẩm từ cây mía, bắp, cọ dầu…, cùng với các giải pháp công nghệ tiên tiến, một sự thành công có ý nghĩa dẫn đường cho một ngành chăn nuôi công nghiệp về bò chất lượng cao, giống mới tiên tiến. Người tiêu dùng trong nước hy vọng sẽ có thể mua được 2 nhu yếu phẩm hàng ngày là thịt bò và sữa bò với giá rẻ trong thời gian tới khi ba DN lớn trong ngành nông nghiệp của VN là HAGL, NutiFood và Vissan ký thỏa thuận hợp tác phát triển đàn bò thịt, bò sữa và hai nhà máy chế biến sữa và nhà máy thực phẩm chế biến Vissan.
Khá tự tin, ông Hải khẳng định, NutiFood hợp tác với HAGL nhằm phát triển bò sữa tăng nguồn cung sữa nguyên liệu trong nước, hướng đến việc không phụ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài. Từ dự án này, NutiFood mong muốn tạo ra nguồn sữa tươi 100% từ nguyên liệu trong nước để tạo ra những sản phẩm sữa chất lượng với giá hợp lý, góp phần vào mục tiêu nâng cao thể chất người Việt. Bởi theo ông Hải, tại VN, 30% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do không nhận được nguồn dinh dưỡng đầy đủ, trong đó việc trẻ không được uống sữa là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, giá sữa cao khiến trẻ em VN không có điều kiện được uống lượng sữa cần thiết. Đây là lý do mà cả ba DN chúng tôi kỳ vọng liên doanh này sẽ thành công và mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng VN trong thời gian tới.
Theo đánh giá của ông Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, việc hợp tác giữa HAGL, Vissan và NutiFood thì đây là một mô hình tổng hợp sức mạnh nội lực của các DN Việt, hình thành chuỗi giá trị khép kín, nâng cao giá trị gia tăng rất lớn từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, lấy sữa, lấy thịt, tức là chúng ta tận dụng hết các khâu để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm do các DN Việt sản xuất khó có thể tìm một sản phẩm “nội địa hóa” 100%. Việc thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các DN với nhau vô hình đã đưa thị trường trong nước trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các DN nước ngoài “áp đảo” và làm chủ thị trường. Và câu chuyện con cá tra, hạt gạo, mía đường…là một minh chứng cụ thể nhất, yếu kém nhất trong liên kết để cùng bại lụi ngay trên sân nhà. Ông Ngân bộc bạch.
Theo dddn