Doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam chỉ thật sự thành công nếu biết tung ra những sản phẩm “đặc thù và chân thật”, chứ không phải ra mắt những mặt hàng giá rẻ.
Ảnh minh họa
Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại hội thảo “Cơ hội cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do HAWA tổ chức tại TP.HCM. Ông Dominic Price, nhà tư vấn tài chính và là người sáng lập thương hiệu Dominique Saint Paul, đã đề cập những cơ hội mà các DN ngành TCMN không thể bỏ qua.
Cụ thể, ngành TCMN Việt Nam có lợi thế khi sở hữu một bề dày lịch sử, trong khi các sản phẩm của những nước châu Á khác, chẳng hạn như Singapore, lại không có yếu tố này mà chủ yếu là hàng thương mại. Chính vì lẽ đó, Singapore chỉ biết củng cố thương hiệu quốc gia của mình qua các sản phẩm TCMN mang tính thương mại chứ không khai thác được yếu tố lịch sử như Việt Nam.
“Đối với thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các DN Việt Nam chỉ thật sự thành công nếu biết tung ra những sản phẩm “đặc thù và chân thật”, chứ không phải ra mắt những mặt hàng giá rẻ”, ông Dominic Price nhấn mạnh.
Viện dẫn cho nhận định này, ông Dominic Price cho rằng DN Việt Nam cần phải hiểu biết những dòng sản phẩm đẳng cấp của mình, bằng chứng là có nhiều thương hiệu Việt Nam thành công ở các sản phẩm như cà phê, gốm sứ… Ngoài những hiểu biết về sản phẩm có chất lượng cao, cũng cần đẩy mạnh liên tục các hoạt động như: tạo sản phẩm mới, marketing và phân phối sản phẩm, bởi vì niềm tin và chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của ngành TCMN Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cùng đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, thành công mà tập thể Công ty TNHH Scansia Pacific gặt hái được trong thời gian qua càng chứng minh điều ông Dominic Price chia sẻ là hoàn toàn có cơ sở. Nói rõ hơn về điều này, ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, cho hay, thời gian đầu, Scansia Pacific bị lỗ khi chọn giải pháp làm hàng giá rẻ, chất lượng không thấp.
Scansia Pacific đã mất khoảng 3 triệu USD bù lỗ cho giải pháp làm hàng giá rẻ, nhưng sau đó có lời khi chuyển hướng sản xuất hàng chất lượng cao. “Bí quyết duy nhất để tồn lại là Scansia Pacific đã làm theo những gì mà đối tác yêu cầu và điều quan trọng là chúng tôi tự tin về năng lực của mình”, ông Thắng chia sẻ.
Trong vai trò Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng DN cần phải tự tin đẩy mạnh quảng bá thương hiệu hơn nữa. “Mọi người đừng tiếc kinh phí chi cho các hoạt động marketing và đào tạo đội ngũ bán hàng. Tôi đã từng đến hội chợ đồ gỗ ở Milan (Ý) và nhận thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp qua cách họ trình bày và thiết kế rất bắt mắt, đáng để chúng ta học hỏi.
Trong khi đó, các DN Việt Nam lại đi thu phí mẫu mã chào hàng cho các đối tác nước ngoài mà theo tôi đây là điều không nên làm”, ông Khanh cho biết. Ngoài ra, theo ông Khanh, các DN cũng phải biết kiên nhẫn để đón lấy thời cơ, đồng thời tìm hiểu thị trường trước khi muốn thâm nhập, trong đó phải lường trước được những yếu tố rủi ro, chuẩn bị chiến lược, kế hoạch kinh doanh, nguồn vốn, nhân lực…
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Chad Ovel, Phó tổng giám đốc Mekong Capital, cho rằng, ngành chế biến gỗ và TCMN của Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, là nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong mức kiểm soát, tăng trưởng tín dụng hợp lý, lực lượng lao động mạnh. Do đó, vấn đề còn lại là sự nỗ lực thực sự từ phía các DN cũng như sự đồng hành dài hạn và liên tục từ các cơ quan lãnh đạo nhà nước Việt Nam.
Theo DNSG