Ngày 17/4 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Sản xuất sạch hơn và những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp”.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, từ đó nêu ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình sản xuất sạch hơn tại Việt Nam hiện nay. Các nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau, nó mang lại hiệu quả về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.
Hội thảo “Sản xuất sạch hơn và những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp”
Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Cụ thể, đối với quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. Đối với sản phẩm, sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn đối với dịch vụ, sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, sản xuất sạch hơn giúp nâng cao hiệu quả tài nguyên, năng lượng; cung cấp các cơ hội giảm chi phí nhờ giảm tổn thất, tăng cường tuần hoàn và tái sử dụng. Đồng thời, góp phần cải thiện môi trường làm việc; góp phần giảm tải lượng dòng thải và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Sản xuất sạch hơn có thể áp dụng cho mọi quy mô doanh nghiệp không đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền. Bên cạnh đó, sản xuất sạch cũng không khó thực hiện chỉ cần doanh nghiệp cam kết quyết tâm và sự tham gia của mọi cấp, mọi bộ phận và mọi người trong doanh nghiệp; gắn hoạt động sản xuất sạch hơn với công tác điều hành tác nghiệp trong doanh nghiệp.
Thảo luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững (VCCI) kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) nhấn mạnh thêm, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp đó sẽ có thể mở ra nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.
Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ví dụ như ISO14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái. Thực hiện đánh giá sản xuất sạch hơn sẽ giúp cho việc thực hiện hệ thống quản lý môi trường như ISO 14001 dễ dàng hơn.
Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã đánh giá một số khó khăn trong quá trình sản xuất sạch hơn tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, khó khăn trước tiên là về mặt nhận thức. Nhiều doanh nghiệp nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất sạch hơn, họ cho rằng sản xuất sạch hơn là hoạt động bảo vệ môi trường thuần túy nên ngại tham gia. Ngoài ra, có một nghịch lý là khi đã thực sự hiểu về sản xuất sạch hơn và các lợi ích mà sản xuất sạch hơn có thể mang lại thì các doanh nghiệp lại trông chờ vào các nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước. Suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm bởi vì thực tế đã chứng minh không nhất thiết phải có tiền mới có thể áp dụng sản xuất sạch hơn.
Để khắc phục những khó khăn trên nhiều đại biểu nhận định, về mặt chính sách, Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích phù hợp như cấp chứng nhận cho các doanh nghiệp áp dụng tốt sản xuất sạch hơn, đồng thời xây dựng các tiêu chuẩn sản phẩm sạch/thân thiện môi trường hay hỗ trợ về mặt thông tin.
Về tài chính, hiện nay đã hình thành một số quỹ thương mại ưu đãi tín dụng cho việc áp dụng sản xuất sạch hơn. Về hỗ trợ kỹ thuật, đây có lẽ là hoạt động cần ưu tiên thúc đẩy nhất. Doanh nghiệp thường nêu lý do thiếu vốn để thực hiện sản xuất sạch hơn, vì vậy việc hỗ trợ kỹ thuật thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn (hỗ trợ mềm) sẽ góp phần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo dddn