Doanh nghiệp FDI: Việt Nam không còn là điểm đầu tư “ưu ái nhất”

64% trong số 1.609 doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam cho biết họ làm ăn có lãi trong năm 2013.
Ảnh minh họa

Chịu chung tác động tiêu cực của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn khả quan hơn năm 2012. 
Nhìn chung, doanh thu ở mức ổn định và lợi nhuận doanh nghiệp tăng nhẹ.
Cụ thể, trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 đối với 1.609 doanh nghiệp FDI đến từ 49 quốc gia hoạt động trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố, có 64% doanh nghiệp làm ăn có lãi, tăng 4% so với năm 2012, còn lại chỉ có 24% doanh nghiệp báo lỗ. 
Ngoài ra, trong số các công ty cáo báo cáo có lãi, khoảng 10,7% cho biết lợi nhuận của họ lớn hơn 5%. 

64% doanh nghiệp FDI làm ăn có lãi.
Tuy hiệu quả hoạt động được cải thiện đáng kể, nhưng các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thực sự lạc quan về quỹ đạo tăng trưởng của họ với chỉ hơn 28% công ty mở rộng quy mô trong năm 2013, giảm 4,5% so với năm trước và bằng chưa đầy một nửa tỷ lệ năm 2010.

Các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thực sự lạc quan về quỹ đạo tăng trưởng.
Cụ thể trong năm ngoái, chỉ 33% doanh nghiệp tuyển thêm lao động, giảm so với 50% ghi nhận trong năm 2010, số doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư chỉ chạm vỏn vẹn 5%.
 
Số vốn đầu tư trung bình cũng giảm sút xuống còn 1,4 tỷ USD/doanh nghiệp so với mức 1,5 tỷ USD hai năm trước đó.

Theo dự đoán trong báo cái PCI của VCCI, tâm lý này sẽ còn tiếp tục bao trùm trong vòng 2 năm tới.
Đặt trên bàn so sánh với các nước cạnh tranh FDI khác, Việt Nam không còn là điểm đến đầu tư được ưu ái nhất như giai đoạn 2007 – 2010, mà hiện giờ đang phải đối đầu khốc liệt với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia và một số nước mới nổi. 

Lào, Philippines và Myanmar chưa từng là đối thủ cạnh tranh FDI của Việt Nam, nay đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi được hỏi về nguyên nhân đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp FDI đánh giá cao nhất khả năng gặp phải rủi ro bị thu giữ tài sản thấp, ít gặp bất ổn về chính sách, có điều kiện chủ động trong quá trình hoạch định chính sách và thuế thấp hơn các nước cạnh tranh. 

Theo báo cáo PCI, 75% doanh nghiệp cho biết họ ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản hơn khi làm ăn tại Việt Nam so với Trung Quốc. 
Thú vị hơn, có tới 71% doanh nghiệp xếp hạng Việt Nam cao hơn Thái Lan. 
Điều này phần nào phản ánh quan ngại của doanh nghiệp trước những chiến dịch điều tra công ty vốn nước ngoài chính phủ Trung Quốc đang tiến hành, cũng như rủi ro bất ổn chính trị tại Thái Lan. 
Ngoại lệ duy nhất là Đài Loan, địa điểm mà chỉ có 38% doanh nghiệp FDI đánh giá việc sở hữu tài sản nhiều rủi ro hơn ở Việt Nam.

Mức thuế GTGT trung bình là 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 23% (vừa thông qua năm 2013) và 25% năm 2012 tương đối ngang bằng với nhiều đối thủ cạnh tranh. Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đều có mức thuế TNDN trung bình 25%. 

Dù thấp hơn Philippines đôi chút, nhưng thuế Việt Nam lại cao hơn so với Thái Lan, Đài Loan, Singapore và Hong Kong.

So sánh về tính ổn định trong quy định và chính sách cũng cho thấy có nhiều sự khác biệt. Doanh nghiệp FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Lào, nhưng kém hơn so với Indonesia, Malaysia và Đài Loan. 

Các kết quả này rất quan trọng bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng khả năng dự báo chính sách trong tương lai để từ đó xây dựng chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. 
Ngoài ra, đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao, tính ổn định chính sách còn quan trọng hơn nữa bởi tính chất của ngành công nghệ cao là thời gian sinh lợi lâu hơn và rủi ro đầu tư lớn hơn. 
Hiện tại, rõ ràng là Việt Nam đang vượt mặt các đối thủ cạnh tranh ở các ngành sản xuất thấp cấp nhưng lại bị tụt hậu ở những lĩnh vực đầu tư công nghệ cao.
Xét tới các điểm yếu của môi trường cạnh tranh, các chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ hành chính công và chất lượng của cơ sở hạ tầng là những yếu tố khiến các doanh nghiệp FDI chưa hài lòng nhất. 
Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào, song thua xa hai nước này trên bình diện chống tham nhũng và quy định pháp luật thông thoáng. 

Kết quả khảo sát trên cũng đồng nhất với các nghiên cứu quốc tế trước đó. Trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố mới đây, Việt Nam chỉ đứng thứ 98/148 nước về khía cạnh thể chế trong đó đứng thứ 116 về tham nhũng và 106 về gánh nặng hành chính. 

Trên các khía cạnh này, Đài Loan và Malaysia có vẻ là đối thủ cạnh tranh vượt trội của Việt Nam.

Theo baodautu