Tiền có bao nhiêu mới là đủ? Liệu có phải cứ có càng nhiều là càng tốt?
Ảnh minh họa
Thế nào là đủ? Mỗi người trong số chúng ta có định nghĩ của riêng mình, nhưng hiếm khi chúng ta để cho mình cảm nhận điều đó. Bao giờ là lúc chúng ta thấy hạnh phúc trọn vẹn, đâu là nơi chúng ta có mọi thứ chúng ta muốn và cần, không thừa bất cứ thứ gì?
Liệu trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và các nguồn lực, với tư cách cá nhân và cộng đồng, chúng ta có thể rũ bỏ mặc định rằng cái gì càng có nhiều càng tốt? Liệu chúng ta có thể nhận ra rằng tốt hơn không phải nhờ có nhiều hơn, mà nhờ đào sâu hơn cảm giác với những thứ có sẵn? Thay vì định nghĩa trưởng thành bằng những tiêu chí bên ngoài, bằng thu nhập và tích lũy thêm tiền hay tài sản, liệu ta có thể định nghĩa trưởng thành là biết trân trọng những tài sản ta đang nắm trong tay.
Trong câu chuyện dân gian thời hiện đại “Hershel và yêu tinh Hannukah” của Erik Kimmel, một đám yêu tinh độc ác định phá buổi lễ kỷ niệm của một ngôi làng nhỏ, nhưng Hershel khôn ngoan đã lần lượt đánh lừa tất cả. Khi gặp một con yêu tinh tham lam, Hershel đưa cho nó một bình dưa muối, Khi con yêu tinh thò tay vào bình và nắm một nắm đầy, nó tức điên lên vì thấy bàn tay mình đã bị kẹt chặt trong chiếc bình. Quá tức tối vì bị bẫy, nó dồn cơn thịnh nộ vào Hershel. Cuối cùng, anh nói: “Mi có muốn ta chỉ cách phá vỡ lời nguyền không?”.
“Có!” Con yêu tinh hét lên. “Ta không thể chịu được nữa rồi!”
“Hãy thả nắm dưa ra”. Hershel trả lời. “Chính lòng tham của mi là lời nguyền giam cầm mi”.
Sự sợ hãi trước sự thiếu thốn đã khiến chúng ta cố hết sức dang tay ôm chặt càng nhiều càng tốt, và lại tiếp tục níu lấy nhiều hơn nữa. Chừng nào chúng ta còn bám lấy niềm lo sợ ấy, chúng ta vẫn còn bị nó giam hãm, bàn tay đầy của cải, nhưng trái tim đầy sợ hãi và không trọn vẹn. Khi chúng ta từ bỏ nỗi sợ hãi và những cố gắng không điều kiện để tìm kiếm nhiều thêm, chúng ta đã tự giải phóng bản thân khỏi nhà tù. Chúng ta có thể dừng lại để suy xét xem ta đang sống ra sao với những thứ ta có, và liệu tiền có phục vụ những quyết tâm cao nhất của ta hay không.
Khi chúng ta ngừng cố gắng tìm kiếm thêm những thứ ta không thật sự cần, chúng ta cũng tự giải phóng một nguồn năng lượng mạnh mẽ đã bị cầm tù suốt cuộc đua. Chúng ta có thể tập trung và phân phối lại nguồn năng lượng và sự quan tâm của mình để trân trọng những tài sản ta đã có, những thứ đã ở sẵn bên ta, và tạo ra thay đổi bằng những tài nguyên ấy. Không chỉ nhận ra, mà ta còn tạo ra thay đổi bằng những thứ chúng ta đã có. Khi bạn tạo ra thay đổi bằng thứ bạn có, nó sẽ tự mình lớn lên.
Theo “Linh hồn của tiền”