Kinh doanh tàu cánh ngầm đình trệ

Chỉ vì sự cố cháy tàu Vina Express 01 vừa qua mà toàn bộ hoạt động kinh doanh tàu cánh ngầm tại TP HCM phải ngừng hoạt động khiến các DN trong lĩnh vực tàu cánh ngầm bị thiệt hại nặng nề. Mong muốn lớn nhất của các DN này là sớm được hoạt động để có thể xây dựng lại thương hiệu và lấy lại số vốn đã đầu tư nâng cấp đội tàu…

Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng vụ cháy tàu cánh ngầm (tuyến TP HCM – Vũng Tàu) vào trưa ngày 20/01/2014 đã và đang để lại nhiều hậu quả nặng nề cho các DN kinh doanh tàu cánh ngầm.
Mất khách hàng – mất uy tín
Sau một thời gian hoạt động trên tuyến TP HCM – Vũng Tàu, tàu cánh ngầm đã góp phần chia lửa cho giao thông đường bộ bằng việc giảm tải lưu lượng vận chuyển hành khách qua Quốc lộ 51, góp phần cải tạo bộ mặt giao thông đường thuỷ và giúp đa dạng hóa sắc màu cho bức tranh du lịch.
Tuy nhiên, kinh doanh lĩnh vực tàu cánh ngầm cần đầu tư vốn lớn và thời gian khấu hao dài, trung bình, khấu hao khoảng 10 năm. Sau đó, đầu tư nâng cấp tàu lại phải khấu hao tiếp chứ không chỉ một lần như các ngành khác. Sự đầu tư càng nhiều thì DN càng phải khấu hao.
Theo Lãnh đạo Cty Vina Express, Cty đã đầu tư rất nhiều vào cải tạo đội tàu. Mấy năm trước, tàu chỉ được làm mới phần dưới nước bằng thay lại toàn bộ phần đáy và thay cả khung xương bên trong. Sau khi làm xong phần đáy, Cty đã tiến hành thay máy mới cho toàn bộ 4 chiếc tàu. Với giá một cặp máy mới của Mỹ trị giá gần 5 tỉ đồng, trung bình một năm Cty đã bỏ ra gần 7 tỉ đồng cho việc nâng cấp. Riêng năm 2013, Cty đã đầu tư tới 12 tỉ đồng cho việc nâng cấp, bảo dưỡng.
Ông Trần Quốc Hiệu – PGĐ Cty TNHH Quang Hưng, đơn vị đang sở hữu 4 tàu cánh ngầm hiệu Petro Express nhấn mạnh: “Kinh doanh tàu cánh ngầm hiệu quả thấp hơn so với các loại hình vận tải khác vì chi phí đầu vào khá lớn: Mỗi một lượt đi – về cộng cả chi phí dầu, nhớt, lương trả nhân viên hết khoảng 24 triệu đồng nhưng dù chỉ 10 – 50 khách (công suất tối đa 130 khách/tàu) vẫn phải chạy để đảm bảo đúng lịch trình 30 phút/chuyến. Nói là thế, nhưng DN đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư rồi thì phải cố làm”.
Theo tính toán của ông Bùi Công Trùng – Chủ tịch HĐQT Cty CP Tàu cao tốc Vina (Vina Express), xây dựng đội tàu cánh ngầm là sự đầu tư dài hơi. Với giá vé dao động 200.000 – 250.000 đồng/lượt thì DN phải chịu lỗ vài năm đầu, ít nhất sau 7 – 8 năm mới có thể lấy lại vốn. Hiện, Cty đang bước vào giai đoạn hoạt động có lãi nhưng thực tế lợi nhuận không nhiều vì phải trừ đi chi phí nâng cấp, bảo dưỡng khá lớn. Bây giờ gặp sự cố, DN chịu rất nhiều tổn thất, chưa kể việc mất mát về tài sản, tốn chi phí khắc phục sự cố, chỉ riêng đợt Tết vừa rồi, Cty đã phải trả lại hơn 1.700 vé trị giá hơn 300 triệu đồng cho khách hàng. Bên cạnh đó, toàn bộ tàu phải nằm “đắp chiếu” đã 1,5 tháng nay (từ ngày 21/1/2014) trong khi DN vẫn phải tốn hơn 100 triệu đồng tiền trả lương cho nhân viên, tiền bảo dưỡng. 
Mặc dù các cơ quan quản lý vẫn chưa biết nguyên nhân về sự cố nhưng việc bị ngừng hoạt động đã và đang khiến các DN điêu đứng: Không chỉ thiệt hại nặng nề về tài sản, mất khách hàng mà quan trọng hơn là DN bị mất uy tín nghiêm trọng đối với thương hiệu đã được họ gây dựng trong gần 20 năm qua.
Và kiến nghị của DN
Ông Trùng nhìn nhận: “Không phải tới bây giờ mà trước đó DN đã tập trung cho việc nâng cấp đội tàu. Khi các hãng sửa chữa yêu cầu thay bộ phận nào là Cty thay ngay, tuy nhiên đôi khi cũng có vấn đề mà DN chưa thấy được. Đồng thời, qua quá trình kiểm tra, DN sẽ tiếp thu ý kiến của đoàn kiểm tra để hoàn thiện tốt hơn. DN cũng mong muốn các cơ quan nhà nước có sự sẻ chia cùng DN”.
Mặc dù các cơ quan quản lý vẫn chưa biết nguyên nhân về sự cố nhưng việc bị ngừng hoạt động đã và đang khiến các DN điêu đứng.
Còn theo ý kiến của ông Hiệu: “Đúng ra việc kiểm tra các DN đang kinh doanh tàu cánh ngầm phải giao cho Cục Đăng kiểm, chứ đằng này, đoàn kiểm tra của Bộ GTVT bao gồm nhiều phía, trong đó có người có chuyên môn, người không có chuyên môn nên góp ý quá nhiều ý kiến khiến DN không biết nghe theo thế nào”.
Bên cạnh đó, điều mà các DN băn khoăn là kể từ khi xảy ra sự cố và ngừng hoạt động tàu cánh ngầm tới nay, DN chưa nhận được bất kỳ một văn bản hay quyết định đình chỉ hoạt động tàu. Lý do duy nhất là Bộ GTVT chỉ đạo cho Cục Đường sông không làm thủ tục xuất bến nên DN phải ngừng chạy tàu.
“Hy vọng, đoàn kiểm tra sẽ làm nhanh và sớm báo cáo kết quả lên cấp trên để DN nhanh được hoạt động trở lại. Cự ly tuyến TP HCM – Vũng tàu khá ngắn, chỉ khoảng 70km, lại được kiểm soát ở 2 đầu bến thì chắc chắn chất lượng tàu sẽ được đảm bảo. Vậy nên, đối với chiếc tàu nào đủ điều kiện thì nên cho DN kinh doanh. Chứ chỉ vì tai nạn của một DN mà ngừng toàn bộ hoạt động của các DN khác thì bất lợi cho DN quá!” ông Hiệu kiến nghị.
Tổng cộng 3 DN kinh doanh tàu cánh ngầm ở TP HCM trong những năm qua đã vận chuyển hơn 15 triệu lượt khách, trong đó Cty Vina Express chiếm 40% tổng lượng khách trên. Sự cố xảy ra vào dịp Tết là cao điểm phục vụ. Lượng khách dịp Tết của Cty Vina Express khoảng 30.000 khách, bằng ¼ lượng khách vận chuyển của cả năm, nên coi như đó là một cái Tết buồn với DN.

Theo dddn