Thời của phần mềm đám mây chuyên dụng

Salesforce.com Inc. là doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực phần mềm đám mây với mức vốn hóa thị trường xấp xỉ 40 tỉ USD. Thế nhưng, vị thế của Salesforce.com cũng như các công ty chuyên cung cấp phần mềm đám mây khác như IBM, Oracle đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của làn sóng đám mây thứ hai – các công ty sản xuất phần mềm đám mây chuyên dụng. Đó là những công ty nhắm đến những ngành nghề, lĩnh vực cụ thể như sức khỏe, dịch vụ nhà hàng/khách sạn hoặc quản lý dự án và marketing.

Giá cổ phiếu của công ty sản xuất phần mềm hỗ trợ tổ chức sự kiện Cvent được giao dịch gấp gần 400 lần lợi nhuận dự kiến.

Những công ty đám mây chuyên dụng như Veeva Systems Inc., DocuSign Inc chưa có được độ phủ sóng của IBM hay Salesforce.com nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi. Bryan Schreier, một đối tác tại công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ Sequoia Capital, nhận xét: “Những công ty này sẽ còn một quãng đường tăng trưởng dài”.
Trong một báo cáo gần đây, chuyên gia phân tích Jason Maynard của Wells Fargo Securities cũng đưa “đám mây ngành” này vào trong top 10 xu hướng phần mềm của năm 2014.
Trước đây, các nhà đầu tư không mấy hứng thú với việc đầu tư vào các công ty sản xuất phần mềm nhắm đến các thị trường ngách này. Họ cho rằng những thị trường đó quá nhỏ. Thế nhưng, những năm gần đây, các công ty phần mềm chuyên dụng tăng trưởng rất nhanh nhờ công nghệ đã ngày càng trở nên rẻ hơn và dễ sử dụng hơn, dịch vụ internet băng thông rộng trở nên phổ biến và người tiêu dùng đã cởi mở hơn với việc sử dụng phần mềm đám mây. Các mô hình kinh doanh của chúng cũng trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư khi yêu cầu khách hàng phải trả một khoản phí hằng tháng để sử dụng dịch vụ.
Năm ngoái, có hơn 10 công ty phần mềm đám mây như Veeva Systems (sản xuất phần mềm phục vụ ngành dược và công nghệ sinh học) và Cvent (sản xuất phần mềm hỗ trợ tổ chức sự kiện) đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), công bố đạt mức lợi nhuận trung bình khoảng 50%, theo Renaissance Capital, công ty tư vấn đầu tư IPO.
Giá cổ phiếu của những công ty này đang được giao dịch ở mức cao ngất ngưỡng. Giá cổ phiếu của Veeva Systems, hiện có mức vốn hóa thị trường hơn 4 tỉ USD, đang được giao dịch cao gấp 158 lần so với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) ước tính năm 2015. Giá Cvent thì được giao dịch cao gấp gần 400 lần. Trong khi đó, Salesforce chỉ khoảng 90 lần EPS ước tính.
Sắp tới, sẽ có nhiều công ty phần mềm đám mây tiến hành IPO trong đó có nhà sản xuất phần mềm xử lý bảng lương Paylocity Corp., nhà cung cấp phần mềm dịch vụ ngân hàng Q2 Holdings Inc. và nhà sản xuất phần mềm giao dịch thương mại toàn cầu Amber Road inc. Một công ty khác là DocuSign, chuyên sản xuất phần mềm chữ ký điện tử, đã huy động được 85 triệu USD, định giá Công ty ở mức khoảng 1,6 tỉ USD.
Điều đáng chú ý là trong khi Salesforce.com và Workday Inc. – chuyên cung cấp phần mềm đám mây “tất cả trong một” (tức một phần mềm có thể sử dụng trong nhiều ngành khác nhau, xử lý nhiều thao tác, nhiệm vụ khác nhau) – làm ăn thua lỗ thì một số công ty cung cấp phần mềm chuyên dụng lại làm ăn có lãi và có biên lợi nhuận cao hơn. Một lý do là những công ty này bỏ ra rất ít chi phí cho khâu bán hàng và marketing.
Workday bị lỗ phần lớn là do phải bỏ ra khoảng 40-50% doanh thu vào hoạt động bán hàng và marketing để giành khách hàng. Trong khi đó, các công ty sản xuất phần mềm đám mây chuyên dụng lại bỏ ra chi phí ít hơn vào marketing do họ nhắm đến đối tượng khách hàng cụ thể và nhờ vào quảng cáo kiểu truyền miệng.
RealPage Inc, một nhà sản xuất phần mềm đám mây quản lý bất động sản cho thuê, đã lãi được 21 triệu USD trên mức doanh thu 377 triệu USD năm 2013. Chi phí bán hàng và marketing chỉ chiếm khoảng 25% doanh số bán của Công ty.
Veeva, chuyên bán phần mềm marketing cho các công ty dược và công nghệ sinh học, đã kiếm được 24 triệu USD lợi nhuận trên doanh số bán 210 triệu USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.1.2014. Chi phí bán hàng và marketing chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu của Veeva.
Veeva đang giành được nhiều khách hàng lớn, trong đó có tập đoàn dược phẩm Mỹ Mylan.
Michael Smith, Giám đốc Công nghệ Thông tin của Mylan, cho biết Tập đoàn chọn sử dụng phần mềm của Veeva thay vì các chương trình do Oracle, SAP, Salesforce.com và Microsoft cung cấp là có lý do. Mặc dù các công ty trên đã tồn tại lâu đời và sản xuất phần mềm sử dụng được trong nhiều ngành nghề, có thể xử lý nhiều công việc khác nhau, nhưng phần mềm của họ lại khá bất tiện. Ông cho biết Mylan chỉ mất 18-24 tháng khi giới thiệu phần mềm Veera cho nhân viên trên toàn cầu, trong khi phải mất từ 4-6 năm để các phần mềm trọn gói của Oracle hay Microsoft chạy trên hệ thống máy tính của Tập đoàn.
Vì Veera là phần mềm chuyên dụng trong ngành dược và công nghệ sinh học, nên Công ty có thể phát triển được vô số tính năng chuyên biệt như cho phép các trình dược viên tra cứu nhanh chính sách hoàn trả thuốc của các công ty bảo hiểm, hay cho phép hiển thị các địa phương nào cấm y tá nhận các sản phẩm thuốc mẫu. “Chúng tôi tiếp cận rất sát với khách hàng của mình”, Tổng Giám đốc Peter Gassner của Veeva Systems, cho biết.
Marty Hoski, nhà quản lý toàn cầu hoạt động đi lại và sự kiện của Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (ETS), là một người hâm mô nhiệt thành phần mềm của Cvent. Ông cho biết cách đây vài năm ông không thể nào kiểm soát được khoản chi phí 40 triệu USD mà ETS bỏ ra hằng năm vào các cuộc họp mặt, tổ chức sự kiện (ETS là tổ chức phát triển kỳ thi SAT, một trong những kỳ thi chuẩn dùng để xét tuyển vào các trường đại học của Mỹ và một số nước khác). Các trợ lý phòng hành chính thường ký các hợp đồng thuê địa điểm tổ chức với mức giá rất cao. Trong khi đó, các giấy mời gửi đi thường bị lỗi in ấn và sai ngữ pháp. “Chúng tôi chẳng biết họ (các nhân viên phụ trách khâu tổ chức sự kiện) đang làm cái gì nữa”, ông nói.
Thế nhưng, giờ đây, nhờ sử dụng phần mềm Cvent, các nhân viên phụ trách khâu tổ chức sự kiện của ông Hoski đã có trong tay một mạng lưới nhà cung cấp để lựa chọn, có thể thực hiện hợp đồng và quản lý hoạt động marketing của sự kiện đó, tất cả chỉ qua một trình duyệt web. Ông cho biết, nhờ giám sát được chặt chẽ hoạt động tổ chức sự kiện qua phần mềm Cvent, công ty ông không chỉ đã tiết kiệm được khoảng 8 triệu USD mỗi năm mà còn nâng cao được chất lượng của các sự kiện

Theo WSJ