Ô tô Việt Nam: “Học thầy không tày học bạn”

Mới đây ông Bùi Ngọc Huyên – Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Ô-tô Xuân Kiên (Vinaxuki), gửi một bức tâm thư tới Thủ tướng Chính phủ. Nội dung chính đề xuất một số giải pháp phát triển và giãi bày những khó khăn mà các doanh nghiệ ôtô trong nước như Vinaxuki đang vấp phải, đặc biệt về vốn.

Ông Kiên bên mô hình một mẫu xe du lịch do Vinaxuki chế tạo
Mặc dù trong thư ông Huyên cho rằng, nếu quy hoạch sát thực tế, chính sách hỗ trợ tốt và bản thân các DN đầu tư đúng hướng thì hoàn toàn có thể phát triển được công nghiệp ôtô, xe sản xuất có tỷ lệ nội địa hóa cao mà không cần phải “dựa hơi” các tập đoàn ôtô nước ngoài. Nhưng thực trạng cho thấy “Vinaxuki đang thực sự khó khăn, nhiều ngân hàng muốn cho chúng tôi vay vốn song tài sản của chúng tôi đã được cầm cố tại các ngân hàng của VN, số tài sản đó nếu bình thường có thể thế chấp vay thêm được 400 tỷ đồng. Chúng tôi phải thế chấp 2.800 tấn khuôn với giá 8.400 đồng/kg như giá sắt vụn… Chúng tôi sau 1,5 năm chờ đợi việc tái cơ cấu vốn của ngân hàng và đến nay đang chào bán và CPH một số tài sản để có thêm vốn sản xuất nhưng mọi việc đang chậm trễ, do giai đoạn này các công ty VN chẳng ai mua, còn các công ty nước ngoài lại chờ chiến lược của Chính phủ”- ông Huyên chia sẻ
Một trong những vấn đề mà ông Huyên “thiết tha” nhất chính là tháo gỡ tình cảnh đói vốn của các DN tư doanh. Đến nay Vinaxuki đã đầu tư và hầu như hoàn thiện 10 công trình quan trọng, từ nhà máy luyện và đúc hợp kim, dây chuyền chế tạo mẫu đúc, xưởng chế tạo khuôn, xưởng láp ráp xe con và xe tải nhẹ bán tự động công suất 50.000 xe/năm…Chính sự đầu tư được cho là bài bản và tốn kém này đã góp phần đẩy Vinaxuki rơi vào tình trạng đói vốn trầm trọng. Bài toán lấy ngắn nuôi nuôi dài, qua đó nuôi dưỡng hoài bão sản xuất ô tô thương hiệu Việt dường như không còn phát huy tác dụng và không đủ để giúp theo kịp quá trình đầu tư thực sự tốn kém cho “chiến lược” phát triển công nghiệp ô tô thực thụ.
Những năm đầu sản xuất và có mặt trên thị trường, Vinaxuki là một trong những điển hình của ngành công nghiệp ôtô nội địa với sản lượng bán hàng thường xuyên đạt trên mốc 1.000 xe/tháng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế rơi vào khó khăn, thị trường suy giảm mạnh thì với tiềm lực tài chính hạn chế, các DN này gặp không ít khó khăn. Có vẻ như không chỉ DN mà các nhà quản lý hoạch định chính sách cũng đang lúng túng trong bối cảnh áp lực hàng rào thuế quan đang bị gỡ bỏ.
Chưa có hồi âm chính thức về bức tâm thư của ông Huyên nhưng một điều khiến các nhà sản xuất, các nhà quản lý các nhà hoạch định sẽ phải suy nghĩ đó là việc trong lúc DN ô tô trong nước liên tục kêu khó thì Campuchia đã gây ngạc nhiên khi cho ra đời xe hơi mang tên Angkor EV 2014, chạy hoàn toàn bằng điện và điều khiển được qua điện thoại thông minh.
Đây là chiếc ô tô chạy điện đầu tiên của Campuchia, do Cty Heng phát triển và sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Kandal. Tổng giá trị dự án 20 triệu USD. Mẫu xe này lấy tên ngôi đền cổ Angkor và do nhà sáng chế địa phương Nhean Phaloek thiết kế, có thể được điều khiển bằng điện thoại thông minh và thẻ căn cước tần số rađiô (RFID) có trang bị hệ thống GPS, có vận tốc tối đa 60km/giờ. Đây không chỉ được xem là thành tựu lớn của Campuchia, đất nước vốn có ngành công nghiệp chế tạo non trẻ và vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, mà còn gây bất ngờ với rất nhiều người.
Người xưa có câu “Học thày không tày học bạn”. Liệu có thể coi thành công bước đầucủa Campuchia trong lĩnh vực sản xuất ô- tô như một bài học phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô thực thụ cho VN?

Theo dddn