Đề xuất 5 giải pháp thoái vốn

Bộ Tài chính vừa xây dựng xong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đến năm 2015. Trong đó, Bộ đã đề xuất, kiến nghị 5 giải pháp lớn. 

(Ảnh minh họa)
Thứ nhất: Về việc doanh nghiệp được phép thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư, nội dung trong dự thảo cơ bản phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định doanh nghiệp được phép thoái vốn dưới mệnh giá. 
Thứ hai: DNNN được chào bán ra công chúng số cổ phần đã đầu tư tại các công ty đại chúng có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định. 
Thứ ba: Để tạo nguồn lực triển khai các dự án trọng điểm cũng như hỗ trợ tái cơ cấu các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đến năm 2015 trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn khó khăn thì phương án thoái vốn Nhà nước sẽ theo một số nguyên tắc sau: Duy trì tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ ở mức không thấp hơn 65% vốn điều lệ đối với các Ngân hàng Thương mại cổ phần và Tập đoàn Bảo Việt; các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, DNNN khác (trừ các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng).
Thứ tư: Về trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước, DNNN không thực hiện được tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì lãnh đạo doanh nghiệp được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.
Thứ năm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường chứng khoán, thị trường tài chính phát triển, qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DNNN.

Theo dddn