Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa (31/3/2014), BTC giải thưởng “EY – Bản lĩnh Doanh nhân Lập nghiệp 2014” sẽ kết thúc thời hạn nhận hồ sơ để chuẩn bị cho vòng đánh giá rà soát hồ sơ và phỏng vấn trực tiếp.
(Ảnh minh họa)
DĐDN đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI, thành viên Hội đồng bình xét giải thưởng EY 2014 xung quanh nội dung này.
– So với lần tổ chức bình xét giải thưởng năm 2011 và năm nay, bối cảnh kinh tế đã có những thay đổi. Điều này sẽ có tác động thế nào đối với sự tham gia của các doanh nhân, thưa bà?
Nói về giải thưởng EY, tôi nhận thấy các doanh nhân rất hào hứng tham gia, bởi đây là giải thưởng có nhiều điểm khác biệt so với các giải thưởng khác. Đặc biệt, thông qua giải thưởng EY, tinh thần kinh doanh của doanh nhân được khích lệ rất rõ ràng. Ở bối cảnh năm 2010, khi lần đầu tổ chức giải thưởng, khủng hoảng kinh tế cũng đang diễn ra. Cho đến năm nay, việc tổ chức Giải thưởng EY lần thứ 2 này sẽ giúp các doanh nhân nhìn nhận, đánh giá rõ hơn về công việc và nỗ lực của mình: càng trong khó khăn càng cần phải có niềm tin, có bản lĩnh kinh doanh, có chiến lược… để vực dậy công việc kinh doanh.
Các tiêu chí mà Giải thưởng EY đưa ra có thể coi là bản “tự đánh giá”. Tôi cho rằng khi các DN có được suy nghĩ như vậy, họ sẽ có điều kiện để nhìn lại mình một cách thực tế hơn, và sự tham gia của doanh nhân vào Giải thưởng EY sẽ đi vào chiều sâu hơn. Ngoài việc được tôn vinh, nêu cao hình ảnh của doanh nhân, tham gia giao lưu, đóng góp cho thương hiệu của DN thì bằng việc tham gia giải thưởng, các doanh nhân sẽ được thực hành một “bài tập” để đánh giá lại mình, xem quá trình kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn, các chiến lược kinh doanh, kế hoạch tài chính, lựa chọn đối tác kinh doanh đã được xây dựng ra sao, những bài học rút ra được là gì… Doanh nhân cũng sẽ định vị được DN của mình đang ở đâu trong cộng đồng kinh doanh.
– Như người ta vẫn nói “lửa thử vàng”, qua khó khăn giai đoạn vừa qua có thể thấy DN nào trụ vững cũng đều xứng đáng là những DN có bản lĩnh, thưa bà?
Đúng là những DN nào đã vượt qua những khó khăn và trải qua một thời kỳ sàng lọc tự nhiên như vừa qua thì đều xứng đáng, nhưng vấn đề là các DN đó đã vượt qua như thế nào mới là điều quan trọng. Có những DN vượt qua nhưng rất nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức, nhưng cũng có những DN vượt qua đầy khó khăn. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến cách thức họ vượt qua, bởi vì kinh doanh cũng là cuộc sống, nhiều người phải đánh đổi nhiều thứ, chịu nhiều mất mát khác để duy trì sự nghiệp kinh doanh của mình, có người lại biết tận dụng cơ hội để tiếp tục duy trì phát triển DN của mình một cách bền vững cho dù khó khăn đến đâu. Khi xem xét tất cả vấn đề đó sẽ thấy nổi lên mấy vấn đề: Thứ nhất là bản lĩnh, thứ hai là tính sáng tạo, tầm nhìn, thứ ba là sự chính trực, liêm chính để vượt lên chứ không phải là vượt lên bằng những “mánh khóe” hay sự “luồn lách”. Trong những thời điểm khó khăn ấy họ vẫn thể hiện được trách nhiệm và tình thương của mình đối với người lao động, đối với cộng đồng.
– Đã từng là thành viên Hội đồng bình xét của nhiều cuộc thi trong và ngoài nước, bà đánh giá thế nào về bản lĩnh kinh doanh của DN VN với DN quốc tế?
Doanh nhân cũng sẽ định vị được DN của mình đang ở đâu trong cộng đồng kinh doanh.
Tôi đã từng tham gia Hội đồng bình xét ở nhiều giải thưởng DN, doanh nhân, như giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN ( ABA), Giải thưởng EY. Có thể nói rằng các giải thưởng này đã giúp kết nối được các DN, doanh nhân VN với các DN thế giới và khu vực. Qua các giải thưởng này, tôi nhận thấy rất rõ một điều là, bản lĩnh, ý chí kinh doanh các DN VN không hề thua kém bất kỳ DN ở khu vực nào trên thế giới. Các DN VN có ý chí vươn lên rất mạnh mẽ, tâm của các DN VN rất sâu, rộng (theo nghĩa quan tâm tới phát triển cộng đồng, tinh thần trách nhiệm xã hội, kinh doanh không chỉ là làm giàu cho bản thân mà chú trọng tới đóng góp cho xã hội…).
Tuy nhiên, tôi thấy các DN VN có một điểm chưa mạnh đó là tính sáng tạo trong kinh doanh, tức là có khi đã tìm được cơ hội kinh doanh nhưng sức sáng tạo chưa đủ để nắm bắt cơ hội đó và dường như chúng ta còn chậm hơn các DN trên thế giới. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh, ở tất cả mọi lĩnh vực: sản xuất, phân phối, tiếp thị… chúng ta còn có những hạn chế nhất định. Khái niệm “công nghệ mới” ở đây được hiểu rộng hơn rất nhiều khái niệm “công nghệ” trong khoa học tự nhiên, kỹ thuật máy móc. Một điểm khác nữa là: với các DN trên thế giới, việc triển khai các chiến lược kinh doanh hoặc thể hiện tầm nhìn kinh doanh bao giờ cũng được thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình kinh doanh. Ví dụ cũng là hoạt động trách nhiệm xã hội, cũng từng ấy chi phí tài chính nhưng trách nhiệm xã hội được thể hiện rất rõ: trong tâm trí của từng người lao động, trong kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính, từ yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng và cách phân bổ lợi nhuận; từ những khẩu hiệu hùng hồn cho đến những tấm danh thiếp sử dụng giấy tái sinh… Nhưng ở VN, nhiều DN đã xây dựng chiến lược kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, nhưng lại chưa được thể hiện một cách xuyên suốt, làm giảm ý nghĩa của các động lực tích cực.
– Điều này sẽ được Hội đồng bình xét giải thưởng năm nay giải quyết như thế nào để các DN VN có thể thông qua đây khắc phục được những điểm yếu đó, thưa bà?
Khi sàng lọc, sẽ có những so sánh và phân tích, Hội đồng bình xét có rất nhiều các chuyên gia có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, báo chí, phát triển cộng đồng, kinh doanh quốc tế… Chúng tôi sẽ có những đánh giá xác định những vấn đề như vậy để thống nhất kết quả bình xét.
– Xin cảm ơn bà !
Theo dddn