Vượt qua những biên ải trùng trùng khó khăn do khủng hoảng tài chính tác động, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẵn sàng lao ra biển lớn. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia tư vấn Đỗ Thanh Năm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win-Win, về thách thức đã qua, cơ hội đang đến và chiến lược nắm bắt hiệu quả.
Khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua giai đoạn nguy kịch. Giới nghiên cứu kinh tế và doanh nghiệp (DN) đang ngồi lại cùng nhau để bàn về lợi thế của doanh nghiệp hậu suy thoái kinh tế. Theo ông DN Việt Nam được hưởng lợi gì?
Trí tuệ con người được hình thành trong bão táp. Khó khăn của nền kinh tế trong thời gian vừa qua rèn luyện trí tuệ và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam. Nó giúp DN Việt Nam soi xét lại mình, nhận ra những yếu kém thật sự của mình, từ đó thay đổi tư duy điều hành, tìm ra một hướng đi mới phù hợp với xu thế toàn cầu. Việc nhanh nhạy trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản lý trong thời gian vừa qua đã giúp DN tối thiểu hóa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng đối đầu với những thách thức mới. Đây là một dấu hiệu cho thấy DN Việt Nam đã từng bước trưởng thành.
Để tận dụng, đón đầu những những cơ hội, DN cần phải chuẩn bị những gì thưa ông?
Khó khăn trong thời gian qua đã làm lộ ra nhiều “căn bệnh” của DN. Để tăng cường sức vóc, đủ sức cạnh tranh, đón đầu cơ hội, doanh nghiệp phải tìm ra nguyên nhân, hướng chữa trị bệnh hiệu quả.
Căn bệnh phổ biến nhất của các DN Việt Nam là hầu hết có thói quen “làm việc tới đâu, xả rác tới đó”. Khi DN phát triển đến một quy mô nhất định nào đó, chính những “đống rác” này kìm hãm sự phát triển của DN và còn phải tốn thêm chi phí “đổ rác”.
Thêm vào đó, một số DN chưa xây dựng được chiến lược phát triển đúng cho mình nên gặp rất nhiều khó khăn khi suy thoái kinh tế xảy ra. Một số đã xây dựng định hướng phát triển đúng, nhưng kế hoạch thực hiện chưa rõ ràng, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chưa có sự hỗ trợ tích cực giữa các bộ phận, nhất là chỉ tập trung xây dựng quy trình kiểm soát mà chưa tập trung vào hệ thống kiểm soát và cơ cấu trách nhiệm.
Ngoài ra, cơ cấu tổ chức trong DN vẫn còn nặng “thưa”, “bẩm”, “báo”, “trình”, tập trung vào chức vụ, quyền hạn nhiều hơn là trách nhiệm, chưa thật sự dựa trên giá trị gia tăng mang lại cho khách hàng và thị trường. Điều này hạn chế sự năng động, sáng tạo, khả năng nắm bắt và thỏa mãn nhu cầu của thị trường. Bản mô tả công việc của mỗi nhân viên trong công ty không rõ ràng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo lên nhau.
Hơn nữa, phần lớn DN chọn cách lãnh đạo theo mô hình “đầu tàu”, chỉ dựa vào khả năng thực sự của một số ít người nên khi những thành phần chủ chốt của DN vắng mặt đột xuất thì mọi hoạt động của DN bị đình trệ.
Một điều đáng lưu ý nữa là phần lớn DN Việt Nam hiện nay đều quan tâm đến “tài sản con người”, luôn tìm cách thu hút và giữ chân người giỏi, tuy nhiên lại chưa đánh giá được chính xác năng lực của người giỏi (việc đánh giá chưa thực sự dựa trên giá trị gia tăng mang đến cho thị trường, khách hàng, đồng nghiệp và cấp dưới). DN cũng chưa tạo ra “chất keo” kết nối nhân viên thành một khối đoàn kết, hiệp lực, cùng khát vọng vươn đến mục tiêu chung.
Trong thời điểm hiện nay, DN nên ưu tiên xây dựng chiến lược đúng ở trạng thái động, đưa ra nhiều kịch bản, mô hình quản lý hiệu quả, đội ngũ nhân sự tinh và gọn. Cụ thể, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, tăng chi tiêu cho một số lĩnh vực để sẵn sàng đạt các mục tiêu tối trọng, ứng dụng sức mạnh của Internet và thương mại điện tử vào chiến lược kinh doanh.
Vậy, làm thế nào để xây dựng mô hình quản lý hiệu quả, hỗ trợ triển khai một chiến lược thành công, thưa ông?
Hiện tại, cơ cấu tổ chức của DN phần lớn theo nguyên tắc kim tự tháp, đáy là toàn thể công nhân gánh toàn bộ cơ cấu trên vai, và các cấp bậc kiểm soát chồng chất lên nhau cho đến đỉnh. Dù hệ thống tổ chức có logic tới đâu thì vẫn ẩn chứa mầm mống của bệnh quan liêu. Toàn bộ hệ thống cấp bậc, bức vách ngăn, cấu trúc phức tạp về quản trị này đã hạn chế sự nhạy bén của DN với thị trường. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai một chiến lược thành công. Để thành công trong việc xây dựng và triển khai một chiến lược động, DN phải xây dựng mô hình quản lý hướng về thị trường và phản ứng rất nhanh với những biến đổi từ bên ngoài. Muốn làm được điều này, DN nên xây dựng tiến trình tổ chức theo chiều ngang để mọi thông tin phải được thông suốt, mọi ý kiến từ thị trường đến được ban lãnh đạo DN một cách nhanh nhất. DN cần xây dựng bộ máy tinh gọn, hướng tới việc nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc.
Cuối cùng, nhân ngày 13/10, ông có điều gì gửi gắm giới doanh nhân?
Các Mác (Karl Marx) nói với con gái mình: “Khi con sinh ra, mọi người cười, riêng con lại khóc. Vậy con phải sống sao để khi chết đi, mọi người phải khóc, mà con mỉm cười”. Tôi nghĩ, doanh nhân Việt Nam nên đề cao giá trị này trở thành bản sắc văn hóa của doanh nghiệp mình, tạo cho doanh nghiệp những luồn sinh khí mới, tràn đầy sức sống, qui tụ những người vừa có tâm, vừa có tầm, chung sức, chung lòng thực hiện mục tiêu chung đã định.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Theo tuvanchienluoc.vn