Nhãn hiệu mới, sức sống mới ! ( Phần 2)

Các nhà tiếp thị thành công luôn biết cách phát triển nhãn hiệu sản phẩm, dịch vụ vào mọi thời điểm và đảm bảo nó có liên quan tới những gì họ mong muốn biểu lộ cho khách hàng. Anaezi Modu, thành viên sáng lập ReBrand, một diễn đàn trực tuyến chuyên bàn về các cách thức hiệu quả để tái xây dựng nhãn hiệu trong kinh doanh, đã đúc kết một số sai lầm cơ bản:

1. Quá trung thành với lịch sử nhãn hiệu
Thành công trong việc tái xây dựng nhãn hiệu luôn đòi hỏi tính có liên quan. Bạn cần nhớ rằng những nhìn nhận trước đây về nhãn hiệu cũ có thể không còn đúng nữa. Nhiệm vụ của bạn là tìm hiểu các cơ hội khác nhau cho sự mở rộng, khuyếch trương hình ảnh nhãn hiệu mới, chẳng hạn như quảng cáo trực tuyến.

2. Nghĩ rằng nhãn hiệu bị giới hạn trong phạm vi logo, màu sắc công ty và văn bản giấy tờ.
Nhãn hiệu bao gồm tất cả mọi thứ từ nhận thức và trải nghiệm mua sắm của khách hàng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, sự quan sát và suy nghĩ, chăm sóc khách hàng, môi trường bán lẻ và web, giọng điệu và phong cách giao tiếp…

3. Tiến hành mà không có một kế hoạch cụ thể
Hoạt động tái xây dựng nhãn hiệu thành công luôn phụ thuộc vào một kế hoạch rõ ràng và sáng tạo, giữ cho những người thực thi có một định hướng tốt cùng một sự tập trung xuyên suốt. Bạn cần xây dựng một kế hoạch bao gồm các phân tích, đánh giá, mục tiêu vạch ra, thị trường, lịch trình thời gian và các phương pháp đánh giá kết quả.

4. Không nhìn nhận mọi thứ từ quan điểm, suy nghĩ của các khách hàng.
Việc đơn giản gọi điện thoại đến số điện thoại của chính công ty bạn, gặp gỡ nhân viên tiếp tân sẽ có thể hé mở nhiều điều về những khó khăn mà khách hàng phải đối mặt và đem lại cho bạn nhiều thông tin quý báu cho các chiến lược tái xây dựng nhãn hiệu. Hãy dành thời gian để tự mình “thám hiểm” trang web của công ty, mua các sản phẩm dịch vụ của công ty. Hơn tất cả, bạn nên đề nghị bạn bè hay người thân của bạn làm như vậy và tìm hiểu những trải nghiệm mua sắm sẽ như thế nào.

5. Nhìn nhận rằng việc tái xây dựng nhãn hiệu sẽ rất tốn kém.
Những lời tư vấn và sự trợ giúp hiệu quả không nhất thiết đến từ những khoản tiền công trị giá hàng triệu USD. Bạn hoàn toàn có thể có được những lời tư vấn tốt và một chiến lược mạnh mẽ từ những công ty tư vấn nhãn hiệu nhỏ, các nhà tư vấn độc lập có chuyên môn. Một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí đó là nhờ sự giúp đỡ của các sinh viên đại học hay các công ty nhỏ.

6. Bỏ qua những vấn đề cơ bản.
Giá trị của môi trường kinh doanh hoàn hảo, các dữ liệu marketing, trang web… sẽ suy giảm đáng kể nếu các khách hàng không cảm thấy thoái mái với chúng, họ phải chờ đợi quá lâu, tốn kém nhiều thời gian quý báu. Nếu các hóa đơn và hợp đồng của bạn được soạn thảo không theo những chuẩn mực, nhận thức nhãn hiệu sẽ sụt giảm. Hãy quan tâm tới mọi điểm tiếp xúc với khách hàng khi tái xây dựng nhãn hiệu.

Và việc tìm kiếm một cái tên mới tuyệt vời chưa bao giờ dễ dàng và ít tốn kém cả.
“Thậm chí cả khi có trong tay một cái tên hoàn hảo, chỉ có khoảng 90% cơ hội cho sự thành công”, Tipping cho biết. Vẫn còn không ít công việc cần làm và một trong số đó là đăng ký bảo hộ. Đây là một hoạt động khá tốn kém – cả về thời gian và tiền bạc. Thông thường bạn sẽ nhờ một công ty tư vấn sở hữu trí tuệ giúp bạn thực hiện công việc này.
Quy trình đăng ký và xin bảo hộ mất khá nhiều thời gian. Khi Lois Shore, phó chủ tịch phụ trách bán hàng, tiếp thị và PR cho hãng Ensemble Travel Group, bắt đầu quy trình thay đổi tên công ty của bà vào tháng 5 năm 2003, bà không biết rằng phải đến cuối năm 2006 các thủ tục giấy tờ mới hoàn tất. Nhìn chung, tùy thuộc vào pháp luật của từng quốc gia, quy trình pháp lý sẽ khác nhau, song trung bình mất tối thiểu từ 6 tháng đến 1 năm. “Đó quả là một nỗ lực lớn lao, song nếu bạn thực sự muốn hoạt động tái xây dựng nhãn hiệu được thành công, bạn không thể bỏ qua chúng”, Shore cho biết. Và mặc dù mất rất nhiều thời gian và công sức để Shore thay đổi tên công ty, bà cho rằng nó hoàn toàn xứng đáng bởi chất lượng và tuổi thọ lâu bền của nhãn hiệu mới xây dựng. “Chúng tôi phải xây dựng một nhãn hiệu mà chúng tôi có thể sở hữu, sử dụng và bảo vệ bền vững với thời gian”, Shore nói.
Song, cho dù khó khăn thực tế có là gì chăng nữa, “nghệ thuật tái xây dựng nhãn hiệu và đem lại sức sống mới cho công ty của bạn thực ra không có gì phức tạp cả, nó có thể đơn giản như việc thay đổi đôi chút tên gọi và màu sắc logo”, Anaezi Modu, cho biết. Theo ông, chìa khóa tùy thuộc vào đặc điểm và thực tế kinh doanh của công ty bạn.
“Có những lúc một màu sắc mới cũng là tất cả những gì bạn cần”, Anaezi nói, “Tuy nhiên, một cách thường xuyên, khi tìm kiếm những giải pháp tái xây dựng nhãn hiệu nhằm tăng trưởng doanh số bán hàng, bạn cần quan tâm đến một sự thay đổi trọn vẹn với những kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng”.

Theo dntbinhduong