Tin tức - Sự kiện Chọn trường cho con tuổi “nổi loạn”

Chọn trường cho con tuổi “nổi loạn”

12

Khi con 14 – 15 tuổi – cái tuổi “nổi loạn” đầy phức tạp cũng là lúc cha mẹ đau đầu với câu hỏi chọn trường THPT. Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố điểm thi của các thí sinh, các trường cũng sẽ đưa ra mức điểm chuẩn vào 10.


Là đỗ hay là trượt, quyết định vào trường nào khi con có nhiều sự lựa chọn, nếu chẳng may trượt Nguyện vọng 1 thì phải làm gì? Biết chọn môi trường học tập nào để giúp con chuẩn bị cả kiến thức và kỹ năng vững chắc cho tương lai?

Mất ăn mất ngủ chuyện trường lớp cấp 3 cho con

Lựa chọn luôn là những quyết định khó khăn, nhất là khi nó liên quan tới con cái – những “báu vật” đối với cha mẹ. Chọn trường cấp 3 cho con học lại càng khó khăn, vì 3 năm học này cũng chính là khoảng thời gian trẻ ở tuổi “ẩm ương”, có những biến đổi mạnh mẽ, phức tạp về tâm sinh lý, thích tìm hiểu những thứ mới lạ và khẳng định cái “Tôi” cá nhân.

Tuy nhiên nhiều phụ huynh quan tâm, đề cao đến giai đoạn này như một bước đệm trước khi vào đại học, đi du học nhiều hơn là quãng thời gian rèn luyện nhân cách, học cách làm người, khám phá năng lực, đam mê của con.

“Con ham chơi lười học lúc này là coi như “vứt” công học hành 12 năm; con đua đòi theo chúng bạn hư hỏng, chơi bời thì lại càng nguy hiểm, vì giờ nó chẳng còn bé bỏng gì để mình có thể dễ dàng kiềm tỏa, uốn nắn, nghiêm khắc quá thì con sẽ chống đối lại, mà nới lỏng thì con lại mải chơi” – anh Thái Dũng (Ba Đình – Hà Nội) chia sẻ.

Anh Dũng tâm sự, anh luôn đau đầu với việc học hành của con. Lúc nào người cha cũng phải thúc ép con mới chịu ngồi vào bàn học. Dù bận rộn, anh và vợ luôn phải sắp xếp thời gian đưa đón con đi học thêm. Buổi tối, anh phải ngồi kiểm tra xem con đã làm bài chưa, có ghi chép đầy đủ không. Cậu con trai bướng bỉnh, tìm mọi cách để “lách” bố, trốn học đi chơi.

“Kì thi chuyển cấp quan trọng thế nhưng nó vẫn bình chân như vại, trong khi bố mẹ sốt ruột, mất ăn mất ngủ. Chọn trường nào cho con để nó có thể học hành yên ổn 3 năm cuối cấp, vào được đại học thật sự khó khăn” – anh Dũng nói.


Học sinh cấp 2 hối hả vừa ăn vừa chạy đến lớp học thêm 
và có lẽ cảnh tượng quen thuộc ấy sẽ vẫn còn tiếp tục khi con vào cấp 3
(Ảnh minh họa)

Chị Nguyễn Thị Hồng (Lò Đúc, Hà Nội) cũng chung cảnh ngộ “ngồi trên đống lửa” khi có con gái chuẩn bị chuyển cấp, đứng trước quá nhiều lựa chọn, và lời khuyên về các trường cho con. Liệu con có thi đỗ được vào trường chuyên mà mình đã “nhắm”? Liệu con có vào được trường công gần nhà, nơi tỉ lệ chọi cao chót vót? Liệu con có hứng thứ với ngôi trường quốc tế mà mình đã rày công tìm hiểu, sẵn sàng đầu tư để con theo học?

“15 tuổi là lứa tuổi chẳng thể biết trước được con sẽ hư hỏng hay nên người? Nhưng tôi tin rằng nếu cho cháu học ở một trường điểm, bố mẹ luôn theo sát bảo vệ, kèm cặp thì con gái sẽ học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn, vâng lời”.

Cho con lựa chọn của tình yêu và sự thấu hiểu

Thực tế, học hành là một chặng đường rất dài và con trẻ cần sự đồng hành, thấu hiểu của cha mẹ từ tấm bé. Nếu không đủ quan tâm, đủ kiên nhẫn, nhiều cha mẹ dễ rơi vào cảnh khổ: Lúc nhỏ “thả” con, không thật sự hiểu con về năng lực, sở thích.

Họ chỉ chăm chăm nhìn vào điểm số, thành tích để đánh giá con giỏi hay không giỏi. Họ hối hả cho con đi học trường tốt, đi luyện lớp này, trung tâm kia, đốc thúc con học hành… để đảm bảo con mình học đến nơi đến chốn, được vào trường nổi, trường top trên, không thua bạn kém bè. Tất cả dường như một cuộc đua giữa các bậc phụ huynh, mà mỗi kì thi đến, cùng với những bất ổn của nền giáo dục còn có những yếu đuối, sợ hãi và lo lắng của người làm cha mẹ; mệt mỏi, áp lực của con cái.

Không ít bậc phụ huynh đã sớm hiểu được sự thật này. Thay vì thúc ép con học hành, bắt con học theo mong muốn của bố mẹ họ cố gắng hiểu năng lực thật của con, để hướng con tìm kiếm trường theo sở thích, khả năng của mình. Trước những mốc quan trọng như thi cấp 3, thi đại học, họ thường tìm mọi cách để giúp tư vấn cho con có lựa chọn vừa sức, và quan trọng là để con được phát triển cả về trí tuệ lẫn kĩ năng mềm, rèn luyện nhân cách, sớm tự lập trong cuộc sống. Một ngôi trường đảm bảo được cả về giáo dục kiến thức lẫn lối sống để trẻ trưởng thành ở tuổi “nổi loạn” là nơi họ tìm đến.

Theo Dân Trí