Trong chuyến thị sát thực địa ngày 24/7/2014 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đánh giá cao tinh thần làm việc và tiến độ thi công dự án giao thông hầm đường bộ qua Đèo Cả (DA Đèo Cả) và đã chấp thuận về mặt chủ trương cho phép Cty Cổ Phần Đầu tư Đèo Cả (DCIC) chủ đầu tư DA Đèo Cả tiếp tục nghiên cứu đầu tư DA hầm đường bộ qua đèo Cù Mông.
Bộ trưởng bộ GTVT Đinh La Thăng, ông Hồ Minh Hoàng – Tổng giám đốc DCIC và các nhà thầu đi thực tế tại DA Đèo Cả
TS Nghiêm Sỹ Minh – Chủ tịch HĐQT Cty DCIC đã cho biết, lễ khởi công DA Đèo Cả diễn ra vào cuối năm 2012, nhưng thực tế thi công tính đến nay được khoảng 10 tháng. Những phần việc cơ bản về cơ sở hạ tầng của DA như: GPMB, di dân đến nơi ở mới, làm đường công vụ, xây dựng nhà điều hành ngay sát chân công trình,… ngay từ đầu đã rốt ráo thi công và đưa vào sử dụng, phục vụ hiệu quả cho DA.
Quyết liệt và minh bạch…
Đặc biệt chính những cơ sở hạ tầng này đã giúp giảm rất nhiều chi phí đầu tư mà không ảnh hưởng đến quy mô, kết cấu cũng như hiệu quả sử dụng của công trình. Những công trình này nhanh chóng được hoàn thiện là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Bộ trưởng Đinh La Thăng, sau khi đi thị sát công trình lần đầu và sự quyết tâm cao của ban quản lý DA Đèo Cả, TS Minh chia sẻ.
Chúng tôi cũng đã nhiều lần đến công trường và chứng kiến không khí làm việc nơi đây. Tất cả đều khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị. Mặc dù giữa cái nắng miền trung ngột ngạt, cộng thêm hơi nóng bốc lên từ đá, bụi, mịt mù từ những xe ủi đất, tiếng nổ mìn phá đá chát chúa tất cả hòa lẫn đến ngột thở…, nhưng tất cả vẫn hạ quyết tâm hoàn thành nhanh tiến độ thi công để đưa DA trọng điểm quốc gia về đích đúng thời gian.
Tuy nhiên, để DA Đèo Cả về đích đúng thời gian hay không, phần việc chính là -các nhà thầu. Vì thế, ngay từ đầu ban quản lý đã xây dựng qui định quản lý đối với nhà thầu, thưởng phạt nghiêm minh, mạnh tay khi chậm tiến độ và có thể thay thế nhà thầu mới. Đồng thời ban điều hành đã đưa ra qui trình thực hiện việc giải ngân và kiểm soát dòng tiền nhằm đảm bảo cấp đủ vốn cho nhà thầu triển khai công việc, cũng như đảm bảo không thất thoát vốn, TS Minh cho biết.
Hiện tại trên công trường có trên 40 nhà thầu chính, các nhà thầu sau khi ký hợp đồng với DCIC đều được quyền tạm ứng đến 45% giá trị gói thầu nhưng nếu không thực hiện giải ngân đảm bảo theo kế hoạch cam kết sẽ chịu trả lãi, quá niên độ tài chính chủ đầu tư sẽ thu hồi và phải bồi thường hợp đồng…
Theo đánh giá của tiến sĩ Lê Quỳnh Mai – Giám đốc Ban quản lý DA, cho tới thời điểm này, tiến độ các gói thầu đang được đảm bảo. Tuy cũng xuất hiện một vài gói thầu có dấu hiệu chậm so với yêu cầu, nhưng chưa phát sinh vấn đề lớn. Chúng tôi cũng đã kịp thời nhắc nhở và nhà thầu đã có phương án điều chỉnh các phát sinh. Các nhà thầu chính như Sông Đà 10, Lũng Lô… đã nỗ lực triển khai phần việc của mình đạt hiệu quả cao, có sáng kiến trong thi công, có đầu tư phương tiện làm việc…
Đến nay, các nhà thầu đang nỗ lực thi công, đặc biệt là Cty Sông Đà 10 và Lũng Lô thi công đường hầm chính đã huy động mọi nguồn lực, ca, kíp làm ngày, làm đêm. Riêng gói thầu hầm Cổ Mã đã đào được mỗi bên trên 70 m. Các gói thầu hầm chính, các nhà thầu đang tập kết thiết bị, tiến hành gia cố cửa hầm để phục vụ cho việc đào hầm… Mục tiêu, đến cuối năm 2014 sẽ thông phần đường dẫn đến cửa hầm; đồng thời các nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến, thông hầm Cổ Mã và hoàn thành 100m đầu tiên của hầm chính.
“Cú hích”
Theo số liệu báo cáo sơ kết tại hội nghị các nhà thầu của TS Lê Quỳnh Mai cho thấy những tín hiệu khả quan: Tiến độ DA đã triển khai thực hiện được khoảng 30% khối lượng công việc và giải ngân khoảng 3.401 tỷ đồng cho các gói thầu đang triển khai và sẽ triển khai trong năm 2014. Đặc biệt có thể tiết giảm chi phí DA gần 4.000/15.600.000 tỷ đồng và tất cả đang cố gắng để về đích trong tháng 7/2017…
Tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án Đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được phê duyệt vào khoảng 15.603 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện yêu cầu của Bộ trưởng Đinh La Thăng, DCIC đã nhanh chóng triển khai Dự án, thực hiện mọi biện pháp, nguồn lực để đảm bảo tiến độ, kiểm soát tổng mức đầu tư, không để vượt, lãng phí.
Cụ thể, DCIC tiến hành rà soát lại một số hạng mục và điều chỉnh độ dày vỏ hầm, cầu thép được thay bằng cầu bê tông, tận dụng các tuyến đường lâm sinh của địa phương để làm đường công vụ… Điều này đã giúp giảm rất nhiều chi phí đầu tư mà không ảnh hưởng gì đến quy mô, kết cấu cũng như hiệu quả sử dụng của công trình.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh thi công, rút ngắn thời gian cũng góp phần giảm chi phí và tổng mức đầu tư. Vì vậy, DCIC đã yêu cầu các nhà thầu, đặc biệt là Cty Sông Đà 10 và Lũng Lô thi công hầm chính, tận dụng thời gian, huy động mọi nguồn lực để thi công.
Với những điều chỉnh trên, tổng mức đầu tư tạm tính chỉ còn khoảng 12.000 tỷ đồng, giảm 3.603 tỷ đồng so với tổng mức phê duyệt ban đầu. Đây là thành quả của cả quá trình nghiên cứu, sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giao thông – Vận tải, nỗ lực của các cổ đông và cả các nhà thầu.
Ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank cho biết: tôi đánh giá cao nguồn nhân lực của DCIC. Họ đã qui tụ được nguồn nhân lực cao, có kinh nghiệm điều phối, quản lý DA xuất sắc. DA được chuẩn bị khá chu đáo về nguồn nguyên vật liệu, những qui định nghiêm ngặt đối với nhà thầu về tiến độ và lấy tiến độ làm mốc giao khối lượng thực hiện; Phối hợp với ngân hàng quản lý chặt dòng tiền… Ngoài ra, được sự chỉ đạo sâu sát của các bộ, ngành, chính quyền địa phương… là nguồn động viên tinh thần đã giúp DA Đèo Cả vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đặc biệt, Bộ trưởng đã ghi nhận việc tiết kiệm chi phí đầu tư, nhưng vẫn không thay đổi chất lượng, quy mô công trình và đã có chủ trương cho phép DCIC tiếp tục nghiên cứu đầu tư Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông, nhằm giải quyết triệt để vấn đề ách tắc giao thông trên đoạn đèo nối hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Theo dddn