Xây dựng 999 siêu thị: Hà Nội vượt mặt Bộ Công thương?

Con số 999 siêu thị mà Hà Nội dự kiến xây dựng trong 6 năm tới khiến rất nhiều người hồ nghi và cho đó là nhiệm vụ bất khả thi bởi nó còn cao hơn cả mục tiêu mà Bộ Công thương đặt ra cho cả nước.

Ảnh minh họa
Theo quy hoạch của TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội cần đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại; 42 trung tâm thương mại; 595 chợ dân sinh. Trong đó, bao gồm 23 siêu thị hạng một, 111 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba. Đồng thời, cần đầu tư thêm 10 trung tâm thương mại (TTTM) hạng một; 7 TTTM hạng hai; 16 TTTM hạng ba và 9 TTTM cấp vùng.
999 siêu thị
Nếu đặt con số 999 siêu thị các loại đến năm 2020 bên cạnh hiện trạng bức tranh phân phối, bán lẻ của TP Hà Nội đã làm được trong những năm qua có thể thấy đây là một kỳ vọng quá lớn. Thống kê của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, hệ thống bán lẻ hiện có trên địa bàn thành phố mới chỉ có 135 siêu thị và 24 trung tâm thương mại.
Nhìn rộng hơn, theo quy hoạch của Bộ Công Thương, đến năm 2020 cả nước có khoảng 1.200 – 1.300 siêu thị (hiện tại có khoảng 700 siêu thị) 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm, và các điểm mua bán hiện đại này trở thành kênh bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Hồng có thêm 15 – 24 siêu thị loại 1, 60 – 66 siêu thị loại 2 và 100 – 115 siêu thị loại 3 để đưa tổng số siêu thị ở khu vực này lên mức 372 – 403. Hà Nội là địa phương được quy hoạch số siêu thị nhiều nhất với 188 – 200 điểm. Như vậy, để thực hiện mục tiêu trên, cả nước sẽ cần thêm 500-600 siêu thị. Nếu đối chiếu quy hoạch của Bộ Công thương với quy hoạch của TP Hà Nội thì rõ ràng con số siêu thị của Hà Nội theo quy hoạch nhiều gần gấp đôi.
Câu hỏi được đặt ra là với một mục tiêu “cao vời vợi” như vậy Hà Nội có đảm bảo được mục tiêu quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị? Cần nhắc lại rằng trong khoảng 20 năm qua, Hà Nội mới chỉ có 135 siêu thị. Và cơ sở nào để TP Hà Nội có thể đạt được 999 siêu thị trong vòng 6 năm tới? Bởi nó không chỉ đơn thuần là những con số mà còn liên quan đến vấn đề quy hoach, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực phân phối bán lẻ.
Ông Vũ Vinh Phú- nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: Con số 999 là điều bất khả thi, nếu là 100 siêu thị thì còn có thể kỳ vọng. Bởi, chỉ cần trả lời 3 câu hỏi sẽ có thể khẳng định kế hoạch nói trên chắc chắn sẽ thất bại. Một là, đất ở đâu ra để xây từng ấy siêu thị? Thứ hai là làm thế nào để thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay bởi trung bình mỗi siêu thị tầm trung cũng phải đầu tư hàng triệu USD. Thứ ba, giả sử nếu xây được 1.000 siêu thị nữa, tổng cộng cả Hà Nội sẽ có khoảng 1.100 siêu thị, sẽ có bao nhiêu người thường xuyên sử dụng kênh phân phối này? Trước khi đi đến một quyết định xây dựng các TTTM, siêu thị, nhà làm quản lý cần có một cái nhìn tổng thể về mạng lưới bán lẻ, cần phải xem việc xây dựng đó có hiệu quả ra sao đối với người dân, thuận tiện cho mua sắm hay không, giao thông thế nào…?

Vỡ quy hoạch?
Thực ra, mục tiêu phát triển nhanh hệ thống siêu thị của TP Hà Nội không phải không có cơ sở bởi trong lĩnh vực bán lẻ của VN nói chung, tỷ trọng của kênh thương mại hiện đại mới chỉ khoảng 20%. Hà Nội dù cao hơn một chút nhưng cũng chỉ trên 30%. Điều đó tạo nhiều cơ hội cho phát triển thương mại hiện đại. Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy, VN có tốc độ tăng trưởng rất nhanh và mặc dù không nằm trong danh sách Top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới (theo đánh giá của A.T Kearney) nhưng đây vẫn là một thị trường nhiều tiềm năng với mức tăng 23%, vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%). 
Điều này cũng lý giải về “cuộc đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới… tại Hà Nội nói riêng và VN nói chung trong thời gian gần đây. Tuy nhiên nhìn lại thị trường bán lẻ, có thể thấy VN đã có hàng loạt siêu thị của các thương hiệu bán lẻ lớn như Big C, Metro Cash & Carry, Giant, Lotte Mart, Daiso… Thậm chí sự xuất hiện của các tập đoàn phân phối bán lẻ nước ngoài đang tạo áp lực rất lớn lên các DN phân phối bán lẻ trong nước.
Hiện nay sức mua của thị trường bán lẻ tại Hà Nội đang có xu hướng suy giảm, trong quý 2/2014 thị trường này chỉ tăng trưởng khoảng hơn 8%.
Còn nhớ cách đây 2 năm, khi khai trương hệ thống siêu thị Hiway, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT Hiway Supercenter từng kỳ vọng trong 5 năm từ năm 2012 đến năm 2016, Hiway VN sẽ triển khai 20 hệ thống siêu thị bán lẻ hiện đại, kết hợp với các khu tổ hợp vui chơi mua sắm tiện ích ở những chốt quan trọng của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên do nhiều lý do, trong đó có mặt bằng và thị trường, hiện tại Hiway cũng mới chỉ đạt được 10% mục tiêu đề ra.

Ngay cả với các DN có thương hiệu và tạo được chỗ đứng trên thị trường thì trước sức ép từ làn sóng đầu tư đại siêu thị từ các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia, các DN bán lẻ trong nước buộc phải thay đổi phương thức kinh doanh. Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op từng phát biểu với báo chí rằng: Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ đang diễn ra rất quyết liệt, không chỉ trong việc mở rộng mạng lưới mà còn ở việc đa dạng mô hình kinh doanh để khai thác mọi phân khúc khách hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì vậy, tùy theo từng mô hình mà Saigon Co.op sẽ quyết định tự phát triển hay liên kết với các đối tác nước ngoài.
Những dẫn chứng ở trên phần nào cho thấy thị trường bán lẻ đang là một cuộc cạnh tranh rất gay gắt và nó cũng không phải là lĩnh vực đầu tư quá hấp dẫn để có thể phát triển một cách nhảy vọt, đột biến đến mức có thể xây dựng mới 999 siêu thị tại Hà Nội trong vòng 6 năm.
Quy hoạch treo, phá vỡ quy hoạch là câu chuyện mà chúng ta đã phải trả giá rất đắt nhưng vẫn thường thấy trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực phân phối bán lẻ cũng vậy, rất nhiều chuyên gia và các DN trong lĩnh vực này cho rằng, việc để các đại siêu thị trong lòng thành phố về cơ bản đã phá vỡ quy hoạch và khiến cho các siêu thị nhỏ khó có thể cạnh tranh và phát triển và làm nhụt chí nhà đầu tư.
Hà Nội hiện có gần 7 triệu dân, nếu thực hiện đúng theo quy hoạch thì đến năm 2020 trung bình 7.000 dân sẽ có 1 siêu thị. Việc xây dựng kênh thương mại hiện đại nói chung và hệ thống siêu thị nói riêng cần phải căn cứ vào quy mô dân số, nhu cầu có khả năng thanh toán của người dân, chính sách, khả năng thu hút đầu tư của các DN. Gắn quy hoạch phát triển với thực tiễn không chỉ đảm tính thực thi mà còn tránh lãng phí nguồn lực.

Theo dddn