Nếu ai đi qua cụm công nghiệp Tân Hồng (Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương) là được ”tận hưởng” mùi khét lẹt của việc đốt rác theo công nghệ xử lý rác thải của Cty CP Môi trường Tình Thương (Tráng Liệt). Việc này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều hộ dân ở đây.
Rác thải bề bộn trước cổng Cty Tình Thương
Khi đi sâu vào tìm hiểu, PV báo DĐDN nhận thấy không riêng gì Cty Tình Thương gây ô nhiễm môi trường mà còn có nhiều Cty khác cũng đang đồng thời “gây họa” cho môi trường nơi đây.
Khổ vì khói …
Cty CP Môi trường Tình Thương chính thức đi vào hoạt động trên từ tháng 2/2009, chuyên xử lý các loại chất thải và tái chế rác thải thành nhiên liệu. Hiện nay, Cty đang thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của xã Tráng Liệt, thị trấn Kẻ Sặt và rác thải công nghiệp từ nhiều nơi khác. Nhưng đến tháng 4/2014, theo thông báo danh sách của C49 (Bộ Công an) thì, Cty CP Môi trường Tình Thương đã chôn lấp chất thải rắn thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường với khối lượng 50 mét khối.
Tuy không nằm trên địa bàn xã Tân Hồng, nhưng khói đốt rác của Cty lại ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ dân của xã Tân hồng. Ông Vũ Văn Tắp- Trưởng thôn My Cầu cho biết: “Năm nào tại các cuộc tiếp xúc cử tri của huyện, tỉnh tôi cũng đại diện cho người dân trong thôn kiến nghị về việc các Cty xả khói gây ô nhiễm môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. Mỗi khi Cty tình Thương đốt rác thì không khí ở đây rất ngột ngạt, khói thì đặc quánh… Đêm đến, chúng tôi phải đóng kín cửa nhưng vẫn ngửi thấy mùi khét. Không phải ngày nào Cty cũng đốt rác, có khi một tuần một mẻ thậm chí Cty còn đốt trộm”.
Toàn thôn có hơn 460 hộ dân thì có tới gần 200 hộ ở xóm Tây thôn My Cầu đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khói đốt rác thải của Cty CP Môi trường Tình Thương. Nhận được phản ánh của người dân, PV báo DĐDN có mặt tại khu vực tập kết rác thải của Cty CP Môi trường Tình Thương. Các loại rác thải ni-lông, phế phẩm sản xuất giày da, may mặc đổ tràn lan trước khu vực cổng Cty, có những chỗ rác thải chất đống cao hơn 1m và bốc mùi nồng nặc. Bên trong Cty, các loại rác thải này cũng không được che chắn và bốc mùi xú uế.
Ô nhiễm tứ phía
Khi tiến hành tìm hiểu, chúng tôi phát hiện tại khu vực xã Tân Hồng không chỉ có một Cty CP môi trường Tình Thương xả khói gây ô nhiễm môi trường mà còn nhiều Cty khác. Ông Dương Công Các – cán bộ địa chính, xây dựng, môi trường xã Tân Hồng cho biết: “Trên địa bàn xã Tân Hồng có 3 Cty tái chế nhựa: Cty CP Tiến Long; Cty CP DFG; Cty TNHH Lục Lam, 2 Cty xấy gỗ là Cty gỗ Mạnh Tuyên; Cty gỗ Tiến Lâm và một Cty mạ nhôm Cty CP sản xuất kinh doanh Phú Thiên Long. Đặc biệt, Cty gỗ Mạnh Tuyên dùng chất diêm sinh xấy gỗ lên buổi sáng. Phía UBND xã chỉ có thể yêu cầu các Cty xử lý chất thải đúng quy trình và đúng cam kết. Đồng thời, đề nghị UBND huyện xem xét giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý”.
Cty CP Tiến Long hoạt động thu gom, xử lý chất thải công nghiệp và tái chế nhựa từ bao bì nhưng nước thải sản xuất được thu gom vào bể lắng và thải trực tiếp ra ngoài môi trường. Cty CP sản xuất kinh doanh Phú Thiên Long hoạt động sơn tĩnh điện các sản phẩm nhôm có nước thải chưa qua xử lý triệt để, chưa đăng ký khai thác nước ngầm và xả thải theo quy định. Cty TNHH Lục Lam hoạt động tái chế sản xuất hạt nhựa từ các bao bì PE (polyetylen), PP (Polypropylence) phế liệu. Hiện tại, Cty đang ngừng hoạt động và có ý định chuyển sang lĩnh vực khác là sản xuất máy nông nghiệp và cơ khí.
Ông Phạm Duy Tuấn – Quản lý kinh doanh của Cty Lục Lam cho biết: “Cty đang tạm dừng sản xuất hạt nhựa để làm các thủ tục về môi trường, nếu đảm bảo được môi trường Cty sẽ tiến hành sản xuất. Và hiện tại Cty đang tiến hành sản xuất máy nông nghiệp, cơ khí”.
Một xã có diện tích đất tự nhiên 703ha, với rất nhiều Cty đang ngày đêm hoạt động và thi nhau xả khói. Hiện, người dân xã Tân Hồng đang hàng ngày phải “sống chung” với khói. Liệu đến bao giờ môi trường nơi đây mới được cải thiện, câu hỏi và câu trả lời dành cho các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương.
Theo dddn