“Thế lực” bán lẻ mới

Metro Cash&Carry dưới sự dẫn dắt của chủ mới sẽ đi theo hướng nào? Quan trọng hơn, nhà đầu tư Thái chọn thời điểm 2014 để đầu tư gần cả tỷ USD vào Metro Việt Nam đang nói lên điều gì…

Đầu tư vào Metro Việt Nam chính là bước đi trước của ông Charoen Sirivadhanabhakdi trong cuộc cạnh tranh giành thị trường bên ngoài nước Thái với Central Retail

Sau cú đổi chủ trị giá 879 triệu USD, nhiều người cho rằng Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan- chủ mới của Metro Việt Nam – sẽ thay mới toàn bộ mô hình hoạt động của hệ thống bán sỉ xuất xứ từ Metro Group. Một nguyên do là sự thua lỗ (trên giấy tờ) suốt 12 năm của Metro Việt Nam đã chứng minh mô hình bán sỉ ở 19 trung tâm Metro trên cả đất nước hình chữ S chưa phát huy được hiệu quả như nguyên gốc.
Mô hình đa tầng bán lẻ
Chưa biết thông tin này liệu có thể trở thành dự đoán đúng với tương lai, nhưng thực tế theo một nguồn tin riêng của DĐDN cho biết, hiện đã có một DN từ Singapore đến VN đặt vấn đề xây dựng một trung tâm siêu thị bán buôn. Nếu siêu thị này làm đúng và rút được các kinh nghiệm từ Metro, đặc biệt xây dựng văn hóa bán buôn có quan tâm đến tâm lí và thị hiếu người mua hàng VN (gần với văn hóa Thái và Singapore cùng trong khu vực Châu Á), rất có thể mô hình bán buôn tại VN sẽ sống lại.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa Metro dưới tay chủ mới sẽ tiếp tục duy trì hoạt động bán buôn đúng nghĩa, cho dù giấy phép hiện tại là như vậy. Nhiều chuyên gia cho rằng BJC mua Metro vì số lượng sản phẩm/nhãn hàng đã vào được Metro; quan trọng hơn và nói “trắng ra”, là vì vị thế các mặt bằng bán lẻ – điều mà các nhà đầu tư đến sau sẽ khó có thể tìm kiếm và phát triển được trong bối cảnh những địa điểm đẹp, rộng, gần trung tâm ở các đô thị lớn như các điểm thuộc chuỗi Metro, đều đã bị “đóng chiếm”. Ông Charoen Sirivadhanabhakdi, chủ mới của Metro VN, với xuất xứ là một nhà đầu tư bất động sản và đồ uống, hơn ai hết hẳn sẽ quan tâm và biết định giá đúng, đủ cho giá trị của yếu tố tiên quyết đối với phát triển bán lẻ là địa ốc.
Bản thân ông Charoen Sirivadhanabhakdi trong lịch sử kinh doanh của mình cũng đã định hướng theo con đường phân phối – bán lẻ. Ông đã xây dựng trung tâm thương mại Aslatique Rivefront và từng lên các dự án tương tự nhưng về sau phải hoãn do nền kinh tế của “đất nước nụ cười” trở nên bất ổn. Như vậy, tham vọng của tỷ phú giàu thứ ba nước Thái gần như đang có điểm tương đồng với con đường mà gia đình Chirathivat, tỷ phú đang đứng đầu những người giàu ở Thái với Central Retail – Tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái – đã đi.
Bán lẻ đã và đang trở thành thế mạnh của người Thái trong thời hội nhập và VN là một thị trường bán lẻ béo bở mà ngay cả Central Retail, đối thủ Top 3 những người giàu nước Thái của ông chủ mới Metro, cũng không bỏ qua. Tập đoàn Central hiện đang có những bước phát triển ra thị trường nước ngoài và xuất hiện ở Hà Nội lẫn Trung Quốc. Thậm chí đã lên kế hoạch mở Trung tâm tại TP HCM trong tháng 10/2014. Vì vậy, sẽ không ngoa khi nói rằng đầu tư vào Metro Việt Nam chính là bước đi trước của ông Charoen Sirivadhanabhakdi trong cuộc cạnh tranh giành thị trường bên ngoài nước Thái với Central Retail.
Ngoài Metro, tỷ phú giàu thứ ba của Thái hiện cũng đang sở hữu hơn 1.000 cửa hàng Bsmart – cửa hàng tiện lợi ở các tỉnh thành lớn của VN (trước đây là hệ thống FamilyMart của là Phú Thái (Việt Nam) và hai đối tác FamilyMart và Itochu (Nhật bản), chưa kể 2 Cty phân phối khá mạnh ở 2 đầu Nam – Bắc. Như vậy, có thể hình dung Metro đang được đặt trong tâm điểm “lõi” của chuỗi khép kín bán lẻ đa tầng, từ phân phối đến trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi.
Người Thái đã sẵn sàng tiến vào thị trường bán lẻ 90 triệu dân.
Không chỉ là mặt bằng bán lẻ…
Nếu như số phận của Metro, và trước đó là BSmart đã có sự định đoạt, thì ý đồ của ông chủ Thái Charoen Sirivadhanabhakdi với Vinamilk trong cương vị cổ đông lớn lại khó hình dung hơn.
Song ông chủ mới Metro có lẽ chưa hẳn chỉ muốn đầu tư Vinamilk ở cương vị nhà đầu tư tài chính. Có một điểm đáng chú ý đầu tiên khi ông bỏ vốn sở hữu 11,04% cổ phần Vinamilk, là tính về hạng mục đầu tư, Vinamilk được xếp vào danh mục thực phẩm – đồ uống, một trong những hạng mục ông trùm ngành bia Thái rất thông thuộc. Cho dù thời gian gần đây, Chang Beer thuộc Thai Beverage của ông Charoen Sirivadhanabhakdi có sút giảm thị phần, thì sự tham gia của ông trong lĩnh vực quen tay này và đặc biệt thông qua Cty trực tiếp sở hữu cổ phần Vinamilk là Fraser & Neave Dairy Investments Pte Ltd (F&N) sẽ càng có ý nghĩa.
Một điểm quan trọng khác là giá trị của thương vụ đầu tư cổ phần. Để sở hữu 15 triệu cổ phiếu tính theo thị giá chốt ngày 21/8/2014, ông chủ mới Metro đã chi tương đương 591 triệu USD. Đây là một thương vụ đầu tư chỉ “bé hơn chút đỉnh” so với vụ mua lại Metro và cần lưu ý, nó khá lớn, nhỉnh hơn cả vụ đầu tư của Mizuho trong công cuộc làm đối tác chiến lược tại Vietcombank. Trong khi đó F&N lại không hề rình rang kí kết đối tác chiến lược gì với Vinamilk mà chỉ hiện diện đơn giản trong vai trò cổ đông lớn.
Ông Nguyễn Lê – một chuyên gia đầu tư cho rằng với tỷ lệ sở hữu cổ phần này, tỷ phú Thái tới đây sẽ có thể có chân trong Hội đồng quản trị Vinamilk. Và theo đó, F&N của ông sẽ dễ dàng đàm phán giá với Vinamilk ở mức tốt nhất để đưa sản phẩm vào cả hệ thống Metro và BSmart trong tương lai. Nói cách khác, ngoài cát cứ kênh phân phối truyền thống lẫn hiện đại, từ Vinamilk và trong tương lai, có khả năng sẽ còn nhiều DN sản xuất nội địa có thị phần và thương hiệu lớn tầm cỡ xấp xỉ hoặc đặc biệt như Vinamilk (đếm trên đầu ngón tay) rơi vào tầm ngắm đầu tư của ông chủ Thái, mà mục tiêu sau cùng sẽ là mua tận gốc, bán tận ngọn.

Theo dddn