Chuyện “nhạc trưởng” ở miền Trung

Tiềm năng nhiều, lợi thế cũng lắm, chính sách ưu đãi của nhà nước cũng không thiếu nhưng trong suốt thời gian qua, kinh tế miền Trung vẫn phát triển rất ì ạch.
Ảnh minh họa
Khu vực miền Trung có đến 13 cảng biển, tuy nhiên, các cảng biển lạichưa phát huy được lợi thế của mình khi chi phí xuất khẩu hàng hóa tại các cảng miền Trung vẫn cao hơn so với các cảng tại khu vực phía Bắc và phía Nam từ 100 – 200USD/container. Theo các chuyên gia đây chính là hậu quả của việc các cảng biển phát triển manh mún, thiếu quy hoạch, năng lực hạn chế, thiếu kết nối, phân công, xác lập chức năng cảng nội địa, cảng quốc tế chưa rõ.
Mạnh ai nấy làm
Không chỉ chuyện cảng biển, mà ngay cả câu chuyện phát triển du lịch, KCN hay sân bay, các tỉnh miền Trung cũng dường như đang rơi vào tình cảnh buộc phải “bằng chị, bằng em” địa phương bạn có gì thì ta phải có nấy. Mà nguyên nhân của nó xuất phát từ việc miền Trung đang thiếu một nhạc trưởng…
Trao đổi bên lề Diễn đàn kinh tế miền Trung vừa diễn ra tại Đà Nẵng, khi nói về liên kết phát triển kinh tế tại khu vực này, Giám đốc một Cty Du lịch (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: Chỉ riêng câu chuyện tổ chức các lễ hội đã cho thấy sự không nhất quán, mạnh ai nấy làm của các địa phương nơi đây. Ông dẫn chứng với trường hợp của Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương liền kề nhau, Đà Nẵng tổ chức lễ hội pháo hoa vào cuối tháng 4 thì Quảng Nam tiếp tục tổ chức festival di sản vào trung tuần tháng 6. Theo vị này, đành rằng, mỗi địa phương có một kế hoạch riêng, một đặc thù riêng nhưng tổ chức quá gần nhau thì rất khó khăn trong việc thu hút du khách. Đó là chưa kể nội dung các chương trình năm nào cũng giống như năm nào, rất lãng phí. “Nếu lãnh đạo Đà Nẵng và Quảng Nam ngồi lại với nhau, tổ chức song song hai sự kiện này, để du khách có thể vừa thưởng thức pháo hoa, vừa tham quan các di sản thì hiệu quả của các hoạt động này sẽ tăng lên rất nhiều lần, lại chống lãng phí rất lớn” – ông nhấn mạnh.
Từ câu chuyện cảng biển và lễ hội du lịch, theo các chuyên gia, vai trò của một “nhạc trưởng” là hết sức cần thiết. Theo đó, vị “nhạc trưởng” phải là người chỉ đạo, có thể không nghiên cứu giỏi về một lĩnh vực nào, kiểu như nhạc công chơi giỏi một loại nhạc cụ nhất định, nhưng phải hiểu cả một dàn nhạc – từng cái riêng của mỗi tỉnh trong một cái chung của miền Trung – để có thể kết nối các nền kinh tế riêng lẻ của mỗi tỉnh thành thành một hệ thống. Và theo các chuyên gia, đó là chuyện của một cơ quan nhà nước lớn, chứ không thể một tổ chức hay cá nhân nào đó – vừa không có sức, vừa không đủ kinh phí.
Cần ngay một nhạc trưởng
Nhìn rộng ra cả nước, hiện nay có 3 ban chỉ đạo là Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thế nhưng tại miền Trung – nói như Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế VN là khu vực với vị trí và chiều dài tạo thành “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước” mà vùng này chưa “cất cánh” thì cả nước, với hai động lực phát triển hai đầu – Bắc Bộ và Nam Bộ, dù có Hà Nội và TP HCM, là “đầu tàu” mạnh, cũng chưa thể “bay” lên thật sự. Hiện nay mới chỉ có một tổ chức mang tên là Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung với thành viên là lãnh đạo các tỉnh miền Trung với nhiệm vụ chủ yếu là trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng các chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung về Liên kết Vùng đã ký kết nhằm tăng cường sự liên kết và hợp tác hiệu quả phát triển trong toàn vùng duyên hải miền Trung, đồng thời tạo cơ sở để các tỉnh, TP hoạch định chính sách phát triển của từng địa phương và toàn vùng.
Nhìn vào cơ cấu tổ chức của Ban trên có thể thấy rằng, so với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thì tổ chức này vẫn thiếu một “trụ cột” chính và vẫn mang tính địa phương nên mặc dù nhiều hội thảo đã được diễn ra, nhiều hoạt động đã được tổ chức nhưng kinh tế vùng tại khu vực này vẫn mang tính “địa phương”, mạnh ai nấy làm mà thiếu đi tầm bao quát thực sự để từ đó có thể “cất cánh”.
Có lẽ đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả mà chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Lê Viết Chữ trăn trở: do có tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, về tiềm năng trong phát triển công nghiệp, kinh tế biển và du lịch dịch vụ nên các tỉnh thành tại khu vực này đang cạnh tranh về chính sách thu hút đầu tư bằng cách hạ giá, tăng thời hạn thuê đất, ưu đãi về thuế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật gây bất lợi cho lợi ích chung của vùng cũng như cho từng tỉnh.
Cần thể chế liên kết phát triển vùng dựa trên các nguyên tắc mang tính thiết chế nhà nước chính danh thay vì một tổ chức phát triển “tự nguyện liên kết”.
Theo TS Trần Đình Thiên, để miền Trung phát triển tương xứng với tiềm năng của mình, bên cạnh các điều kiện khác thì Vấn đề thể chế vùng cho phát triển là vô cùng quan trọng. Đó là một thể chế phải bảo đảm thoát khỏi các lợi ích cục bộ địa phương nhỏ hẹp, đang gây trở ngại phát triển mạnh mẽ, để đạt tới một tầm nhìn lớn rộng hơn, xây dựng quy hoạch phát triển hợp lý hơn; Là một thể chế liên kết phát triển dựa trên các nguyên tắc mang tính thiết chế nhà nước chính danh thay vì một tổ chức phát triển “tự nguyện liên kết”, mang tính “phối hợp dân sự” không có quyền lực điều hành với cơ chế khuyến khích và cưỡng chế nhà nước chính thức.

Theo ông Thiên, cho đến nay, dù 9 tỉnh Duyên hải miền Trung đã “tự nguyện liên kết” với nhau, đã làm được khá nhiều việc theo hướng liên kết với nhau để tạo sức mạnh phát triển, tăng cường năng lực hội nhập quốc tế, song cũng như cả nước, miền Trung vẫn chưa có một thể chế chính thức, chính danh nhà nước để tổ chức, điều hành quá trình liên kết phát triển vùng một cách hiệu quả, trên cơ sở một Quy hoạch phát triển vùng tốt – theo nghĩa có tầm nhìn chiến lược (xa và tổng thể) và bảo đảm kết hợp tối ưu lợi ích phát triển của các chủ thể tham gia.
“Cho dù Ban Chỉ đạo liên kết phát triển vùng hay Tổ tư vấn phát triển vùng của Duyên hải miền Trung đã hoạt động khá hiệu quả thì phải nói rằng hãy còn xa các thể chế đó đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng đặt ra cho chúng. Cao nhất thì chúng cũng chỉ mới cung cấp một mẫu hình mang tính gợi ý về Thể chế phát triển Vùng – cần phải được nghiên cứu, sáng tạo để bổ sung và hoàn thiện. Vấn đề này đang đặt ra một cách cấp bách, cần phải đặt ra chính thức với Chính phủ, để được giải quyết một cách hệ thống, bài bản, không phải cho cho miền Trung mà cho một thể chế phát triển đang rất cần cho cả nước trong giai đoạn phát triển tới đây” – ông Thiên nhấn mạnh.

Theo dddn