Doanh nghiệp FDI “nản chí” đầu tư

Thời gian xin giấy phép đầu tư kéo dài, thủ tục rườm rà đã khiến không ít doanh nghiệp (DN) FDI nản chí khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ảnh minh họa
Vốn FDI tại Việt Nam giảm một nửa trong quý đầu năm 2014 là hợp với Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Eurocham trong quý cuối năm 2013.

Vào cuối năm ngoái, chỉ số biểu hiện mức tín nhiệm và sự kỳ vọng của các DN châu Âu tại Việt Nam chỉ đạt mức trung bình: 50 điểm, trong quý thứ ba liên tiếp. Những vấn đề dẫn đến sự đình trệ này bao gồm luật pháp không được thực thi hoặc thực thi không đồng đều, những rắc rối về hành chính và tình trạng thiếu minh bạch.
Tại diễn đàn Đối thoại chính quyền-doanh nghiệp FDI năm 2014 tổ chức tại TP.HCM, rất nhiều DN FDI đã than phiền những vướng mắc về thủ tục cấp phép đầu tư. Ông Han Jae Jin, Trưởng Ban quan hệ đối ngoại của Hiệp hội DN Hàn Quốc (KOCHAM) và ông Yoshida Sakae, Giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết, thời gian làm thủ tục đầu tư tại TP.HCM quá dài, thường phải trên 45 ngày sau khi nộp thủ tục đăng ký đầu tư, cộng thêm khoảng chừng đó ngày nữa để bổ sung hồ sơ…
Thậm chí, có trường hợp DN Nhật Bản hơn 6 tháng mà chưa nhận được giấy phép đầu tư. Đại diện Công ty Prudential cũng cho rằng, luật Việt Nam khó hiểu hơn rất nhiều nước xung quanh, đơn cử một dự án đầu tư DN phải nộp 4 – 5 bộ hồ sơ, sau đó lại bị gọi bổ sung thêm…
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Robert Bosch Việt Nam, cũng cho biết, đang có nhiều mâu thuẫn trong việc làm luật. Cùng một quy định nhưng mỗi luật hoặc văn bản dưới luật lại thể hiện một cách rất khác nhau, nên tạo nhiều lúng túng cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Ông Lư Thanh Phong, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, giải thích: “Hồ sơ cấp giấy phép đầu tư không chỉ nộp cho Sở, UBND thành phố mà còn nộp cho các bộ, ngành liên quan nên có đến 5 – 6 bộ. Có một số trường hợp chậm cấp giấy phép đầu tư như phải hỏi ý kiến các bộ, ngành có liên quan, có khi cùng một dự án nhưng các bộ, ngành lại trả lời khác nhau buộc trao đổi lại nhiều lần”.
Do phải “hỏi ý kiến” của nhiều bộ, ngành liên quan nên thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập, thiếu nhất quán, thậm chí mang tính chủ quan của các cơ quan này. Tình trạng các luật không thống nhất, hoặc chồng chéo đang làm cho các DN FDI bị thiệt hại rất lớn.
Đơn cử, Công ty BC Furniture được Ban Quản lý các KCX-KCN TP.HCM (HEPZA) cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2006. Giấy phép có hiệu lực 34 năm và DN đã đầu tư nhiều triệu USD để xây dựng nhà kho, với khoảng 30 lao động.
Tháng 11/2013, Nghị định 164 của Chính phủ quy định DN chế xuất hoạt động thương mại phải lập chi nhánh riêng bên ngoài KCX. Dù chưa có thông tư hướng dẫn, các chi cục hải quan đã bắt ngừng xuất nhập khẩu, gây thiệt hại lớn cho DN này.
Hoặc mới đây, Công ty CP Victoria Healthcare Mỹ Mỹ (Mỹ Mỹ) đã gửi đơn đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, kiện phía cho thuê nhà số 64 và 65 đường Song Hành, P. An Phú, Q.2, TP.HCM vì không có đủ các giấy tờ cần thiết như đã thỏa thuận để bên Mỹ Mỹ hoàn tất thủ tục xin cấp phép mở phòng khám sức khỏe.
Cụ thể, các giấy tờ cần bổ sung theo yêu cầu của Sở Xây dựng gồm: hồ sơ quy hoạch kiến trúc xây dựng tỷ lệ 1/500 của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, hồ sơ hoàn công công trình, giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy, giấy chứng nhận sự phù hợp chất lượng công trình…
Ngoài những tranh chấp về hợp đồng thuê nhà, vụ kiện này còn cho thấy các khó khăn về giấy phép đầu tư mà các DN FDI như Mỹ Mỹ gặp phải. Cụ thể trước đó, cũng tại căn nhà này, Công ty CP Y tế An Phú Hưng thuê mặt bằng làm phòng khám thì được cấp phép và hoạt động cho tới khi đóng cửa vào năm 2010 mà không hề bị Sở Xây dựng đòi hỏi các giấy tờ trên.
Mặc dù chủ nhà cho thuê cũng chỉ có hợp đồng mua bán nhà xây thô, chưa hoàn tất thủ tục hoàn công, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác… Theo đại diện của Mỹ Mỹ, tổng giá trị mà Mỹ Mỹ đang tranh chấp với bên cho thuê nhà do phát sinh thủ tục cấp phép tạm tính đến thời điểm này là hơn 1 tỷ đồng.
Trước những bất cập mà các DN FDI đang phải đối mặt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận, giấy phép đầu tư là một trong những rào cản đối với DN nước ngoài bởi kèm theo đó là những giấy phép con, các nghị định, thông tư… Thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư.
Tuy nhiên, cùng với đó sẽ là những chế tài quy định riêng để các địa phương vẫn có thể nắm được tình hình đầu tư của các DN nước ngoài.Việc gì thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương tự quyết, không cần phải hỏi bộ, ngành.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng cho biết quan điểm của Bộ là sẽ đơn giản nhất thủ tục cấp phép đầu tư, làm sao chỉ cần những thủ tục tối thiểu nhất để quản lý DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng cho biết sắp xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội bỏ giấy phép đầu tư của DN FDI, trong đó, nghiên cứu giữ lại 4 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, gồm: ngành phải xin cấp phép thành lập (như ngân hàng), liên quan đến đất đai (sử dụng lượng đất đai quá lớn), ô nhiễm môi trường (công nghệ hoạt động gây ô nhiễm môi trường) và DN cần chứng nhận đầu tư để được xem xét ưu đãi.

Theo DNSG