Việt Nam: Kinh doanh tài chính tiêu dùng vẫn đang kiên nhẫn “buông lưới”

Được đánh giá như một thị trường tiềm năng, nơi nhiều tổ chức tín dụng, Cty tài chính (CTTC) đã và đang tập trung khai thác (chưa kể những tổ chức kinh doanh phi chính thức, như tiệm cầm đồ), nhưng lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng không dễ dàng cứ ra khơi, buông lưới là trúng cá…

Ảnh: giao dịch tại VPBank. Biểu đồ: Tỉ lệ tăng trưởng cho vay tiêu dùng từ tháng 12/2007 đến tháng 12/2013

Với một thị trường 90 triệu dân và có 51,6% là dân số trẻ đang độ tuổi lao động, các nhà kinh doanh tài chính tiêu dùng – cũng như bất kì lĩnh vực nào khác – đều nhìn vào lợi thế đầu tiên này của Việt Nam hiện nay, để tính toán đầu tư.
Ngân hàng sắm thuyền to
Từ cách đây hàng chục năm, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã được khai phá. Nhưng chưa khi nào thị trường này được quan tâm như hiện nay. Đặc biệt, khi các ngân hàng đang đi vào giai đoạn tái cấu trúc, nhiều ngân hàng chuyển hướng chiến lược và các tổ chức CTTC trên thị trường cũng không trượt khỏi khu vực cải tổ lại.
Một số các ngân hàng thức thời, tranh thủ “một công đôi việc”, vừa tái cấu trúc vừa chuyển hướng phát triển mũi nhọn ngân hàng bán lẻ – phù hợp với nhu cầu thị trường và xu thế tất yếu khi mô hình ngân hàng bán buôn đang gặp khó. Có thể tạm lấy hai ngân hàng để làm ví dụ cho các câu chuyện này.
Ví dụ thứ nhất, VPBank – một NH khỏe không thuộc nhóm bắt buộc tái cấu trúc, kể từ năm 2012 đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Thay đổi này khởi nguồn từ thay đổi định hướng hoạt động, xác định con đường trở thành “một trong ba ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam tới 2017” mà VPBank đã đặt ra từ năm 2010, đến thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu (2012), đổi CEO (2012), thay đổi và khai trương một loạt các phòng giao dịch mới, các sản phẩm thẻ (2012) và đặc biệt thay đổi cơ cấu chủ sở hữu (2012- 2013); mà trong đó, lớn nhất là sự chuyển đổi chủ sở hữu vốn từ đối tác Oversea Chinese Banking Corporation Ltd (OCBC) cho những cá nhân nhà đầu tư trong nước mua lại vốn (được cho là đại diện của một đối tác mới đến từ Mỹ nhưng đến tận thời điểm hiện nay VPBank vẫn chưa công bố). Nhìn lại một chặng đường thay đổi định hướng chiến lược khoảng 3 năm, sẽ thấy kết quả hoạt động năm gần nhất 2013 đã xác thực VPBank đang phát triển đúng định hướng ở lĩnh vực kinh doanh tài chính tiêu dùng.
Báo cáo lần đầu về Thị trường Tài chính tiêu dùng vừa phát hành năm 2014 của Stox Plus cho biết tính đến cuối năm 2013, mặc dù có nhiều NH TMCP đã tăng đáng kể danh mục cho vay tiêu dùng, nhưng trong số đó đáng chú ý nhất vẫn là VPBank. Ngân hàng này đã tăng tổng dư nợ hơn 30% so với 2012, trong đó, hơn 51% là các khoản cho vay cá nhân – một trong những tỷ lệ cao nhất trong số các NHTM. VPBank cũng nhận nhận được giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ sáng tạo nhất Việt Nam năm 2013” của Global Banking & Finance Review, GBAF. Cũng năm 2013, VPBank mở rộng mạng lưới của mình tới 2.000 POS, tuyển 2.500 nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp các sản phẩm tài chính tiêu dùng. Từ chỗ có 150.000 khách hàng trong năm 2012, VPBank phát triển lên con số gần gấp đôi và trở thành ngân hàng top đầu trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, đặc biệt cho vay mua mua xe máy 45% với thị phần và ngoài ra, thu hút đáng kể một lượng khách hàng lớn tới các sản phẩm tài trợ cho vay mua sắm thiết bị điện tử. Cách “sắm thuyền to” của VPBank, theo Stox Plus, có thể ví như một hình ảnh ngân hàng phát triển chiến lược tài chính tiêu dùng (Consumer Finacial) dưới thương hiệu tín dụng tiêu dùng (FE Credit) khá tiêu biểu.
Thêm vào đó, VPBank cũng đã nâng cấp “thuyền” của mình thêm một cấp mới, bổ sung “thuyền phụ” là Cty tài chính Than – Khoáng sản Việt Nam mà ngân hàng này vừa mua lại. Như vậy, hoạt động FC Credit của VPBank dường như đang đi dần về hướng triệt để cho dù, song song đó, ngân hàng vẫn mở hàng loạt Trung tâm Tư vấn DN SMEs và xác định “DN SMEs là một phân khúc khách hàng quan trọng đối với sự tăng trưởng chiến lược dài hạn của ngân hàng”. Nhưng lưu ý rằng ngay cả với những trung tâm này, ngoài cấp vốn tín dụng DN, VPBank cũng phát triển sản phẩm, dịch vụ tài chính tiêu dùng (theo gói DN) cho khách hàng.
Tương tự VPBank, HDBank đã thực thi chiến lược M&A tới 2 thương vụ để tăng quy mô tổng tài sản, tăng hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch, mạng lưới khách hàng cũng như nhân lực, tập trung cho tầm nhìn “Trở thành tập đoàn tài chính hoạt động hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam”, mà một trong những định hướng là “Triển khai hoạt động ngân hàng Bán lẻ”. Điểm khác của HDBank, so với VPBank là nếu như VPBank thực thi tín dụng tiêu dùng khá triệt để, thì HDBank lại thúc đẩy song song cả ngân hàng đầu tư lẫn ngân hàng bán lẻ, và CTTC Việt Société Générale (SGVF), đổi tên thành HDFinance trong Tập đoàn Tài chính này, lại không đóng vai trò “thuyền phụ” mà là đóng “cặp đôi” với ngân hàng để triển khai bán chéo sản phẩm tài chính, tiêu dùng cho ngân hàng – CTTC lẫn các đơn vị trong Tập đoàn. “Sử dụng kênh tài chính tiêu dùng để bán chéo sản phẩm và gia tăng giá trị từ dịch vụ của ngân hàng có thể giúp HDFinance tiếp tục theo đuổi tham vọng trong thị trường tiêu dùng của mình, và là lợi thế của ngân hàng” – chuyên viên Stox Plus nhận xét.
Sau HDBank, VPBank, đã đang có nhiều ngân hàng vừa triển khai mô hình ngân hàng Bán lẻ, vừa xúc tiến mua lại CTTC như SHB. Nhưng có thể xu hướng ngân hàng “đóng thuyền to”- đẩy mạnh tài chính tiêu dùng trong bán lẻ như một chiến lược quan trọng, hoặc phát triển “thuyền phụ”, “thuyền cặp” là CTTC, sẽ vẫn còn tiếp tục cao trào ở phía trước.
Mô hình ngân hàng tài chính tiêu dùng tập trung
Một hướng đi ngược lại có thể xảy đến trong tương lai, là thay vì đầu tư mua CTTC, mở CTTC hay chuyển hướng vừa đầu tư vừa đa năng, bán lẻ, sẽ có nhiều NH tới đây, được định hướng trở thành ngân hàng Tài chính Tiêu dùng tập trung. Định hướng này cần được thúc đẩy bởi các động lực và nhà đầu tư tài chính có định hướng tận dụng kênh phân phối của các ngân hàng. Xu hướng này tuy đã bắt đầu manh nha nhưng đang có rất nhiều điều kiện để phát triển.
Đây là xu hướng từng được hiện thực hóa với hiện tượng Fullerton Financial Holdings, một tổ chức thuộc Temasek Holdings (Singapore), đầu tư ngân hàng Mê Kông (MDB) với 20% vốn và dần dần biến ngân hàng này thành một ngân hàng kinh doanh tài chính tiêu dùng tập trung. Với sự tham gia của Fullerton Financial Holdings, từ một ngân hàng địa phương nhỏ, MDB đã lột xác để đạt tổng dư nợ cho vay trong tài chính tiêu dùng ở mức đỉnh điểm là 23 triệu USD, trong đó có đến 94% dư nợ cho vay là xe máy. Điều đáng tiếc là mô hình tiên phong này lại có thể bị biến mất khi MDB tới đây sẽ sáp nhập với Maritime Bank và bản thân Maritime Bank lại có một tham vọng khác: Mở CTTC tiêu dùng thuộc NH.
Một nguồn tin cho biết Fullerton Financial Holdings có khả năng sẽ thoái vốn khỏi MDB nếu thương vụ sáp nhập hoàn tất. Song cho dù thoái vốn thì sự khởi sắc của MDB nhờ có hơi thở của Fullerton Financial Holdings trong thời gian vừa qua vẫn được thị trường công nhận, và có thể sẽ là hướng đi mà nhiều tổ chức khác muốn theo đuổi.
Quan trọng hơn là thị trường hiện nay cũng đang có những động lực lớn sẽ tác động cơ bản lên bức tranh tài chính tiêu dùng, và thúc đẩy hướng đi phát triển các ngân hàng kinh doanh tài chính tiêu dùng tập trung theo kiểu MDB. Trong đó, việc mở rộng room sở hữu vốn ngoại tại các tổ chức tín dụng lên 30% là một thuận lợi. Ngay cả việc các DN Nhà nước phải thoái vốn ngoài ngành cũng là sự bắt buộc nhường sân cho lĩnh vực bán lẻ của tài chính tiêu dùng mà trong đó các CTTC sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Nguồn tin của StoxPlus cho biết, một số các Cty này sẽ tìm kiếm đối tác mua lại để tiếp nhận kinh doanh của họ. Tuy nhiên, rất ít các Cty tài chính nội có thể đàm phán M&A với các nhà đầu tư ngoại do họ không có nhiều lợi thế trong kinh doanh ngoại trừ giấy phép, vì vậy có thể các nhà đầu tư ngoại sẽ chọn hướng tham gia thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thông qua đầu tư chiến lược tại ngân hàng, từ đó giới thiệu các sản phẩm tài chính tiêu dùng của họ. “Mua một ngân hàng xấu và biến nó thành tài chính tiêu dùng là một lựa chọn khôn ngoan” – báo cáo của Stox Plus nhận định.
Gần đây, việc các ngân hàng kết hợp với các Tập đoàn Bảo hiểm quốc tế để bán báo hiểm qua kênh ngân hàng đang đánh tín hiệu cho thấy rất có thể các đối tác chiến lược của các ngân hàng sẽ khởi đi từ những mỗi quan hệ này. Việc NHNN và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho DN bảo hiểm nhân thọ quy định các ngân hàng không được đồng thời làm đại lý cho DN bảo hiểm nhân thọ khác, nếu không được chấp thuận bằng văn bản của DN bảo hiểm nhân thọ mà mình đang làm đại lý, sẽ càng gia tăng chất xúc tác để mối quan hệ ngân hàng – Bảo hiểm có thể đi đến một sự gắn kết tập trung hơn.
Tuy nhiên, dù là xu hướng nào thì để đầu tư ở thị trường này, các nhà đầu tư đều phải có sự kiên nhẫn bởi khách hàng Việt Nam cần có thời gian để ngày càng thích ứng và ứng dụng văn hóa vay – mua, cũng như thuần thục sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính tiêu dùng một cách chủ động.

Theo dddn