Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo về Kinh tế vĩ mô – Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 8/2014 “Tăng trưởng tín dụng và lạm phát”.
HSBC dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm nay sẽ ở mức 10%
Bản báo cáo đánh giá, tại Việt Nam, trong năm 2013, tổng dư nợ của nền kinh tế chiếm khoảng 97% GDP. Dù đây đã là một con số lớn theo nhiều thước đo, thì tổng dư nợ của nền kinh tế đã giảm đáng kể từ năm 2010 khi mà con số này đạt đỉnh điểm là chiếm 115% của GDP quốc gia. Điều này do nhiều thập kỷ tăng trưởng nhanh bằng đòn bẩy tài chính, khi mà tăng trưởng cho vay trung bình mỗi năm đạt đến mức 31% từ năm 1991 đến 2010. Sau đó tín dụng tăng trưởng ít hơn, ở mức trung bình 12% mỗi năm. Trong năm 2014 cho đến nay, tín dụng tăng 3,6% từ cuối năm 2013 và khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm nay từ 12%-14% và dự báo của HSBC là 10%.
Các chuyên gia của HSBC đã thu thập dữ liệu về mức tăng trưởng tín dụng hàng tháng theo thời gian để phân tích tính mùa vụ và tập quán vay mượn cũng như mối liên hệ giữa nó và GDP, lạm phát và các lựa chọn đầu tư khác. “Dù điều này có vẻ hơi cảm tính nhưng chúng tôi nhận thấy vòng quay của đòn bẩy tài chính này sẽ khả quan cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn” – nhận định được đưa ra trong báo cáo.
Kể từ khi tư nhân hóa bắt đầu năm 1992, tỉ lệ đầu tư bằng vốn nhà nước đã tăng mạnh, đạt đỉnh điểm ở mức 60% vào năm 2011. Khi nền kinh tế phát triển trên vòng quay sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính thì các doanh nghiệp nhà nước được hưởng lợi từ nguồn tín dụng dễ dãi thì đa phần lại không đầu tư vào những nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất. Năm 2011, chính phủ quyết định giảm các đòn bẩy tài chính, làm bộc lộ sự yếu kém ở khu vực kinh tế nhà nước và gia tăng các khoản nợ xấu. Việt Nam đã tự do hoá nền kinh tế nhưng nhà nước vẫn còn nắm quyền kiểm soát, điều này cho thấy sự tăng trưởng của nền kinh tế được kiểm soát ở một mức sàn nhất định và chính phủ sẽ có những biện pháp thích hợp để kiểm soát, thúc đẩy sự tăng trưởng, dẫn đến sự thay đổi về các dữ liệu kinh tế.
Trong nhiều năm sau, Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng các đòn bẩy tài chính. Trong thời gian này, Việt Nam sẽ tiến hành các cải cách để cải thiện tính hiệu quả của hệ thống ngân hàng và đầu tư nhà nước. Do khối nhà nước chiếm tỉ trọng lớn của nền kinh tế, sự sụt giảm của khối này sẽ có nhiều tác động đến tiêu dùng, đầu tư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kéo sự tăng trưởng nói chung đi xuống. Xuất khẩu giúp hỗ trợ nền kinh tế , tăng trưởng 14,1% tính từ đầu năm đến tháng 7. Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc trong năm dù có vài giai đoạn suy giảm. Từ tháng 12, chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất Việt Nam luôn ở trên mức 50. Với tăng trưởng tín dụng thấp, lạm phát sẽ được kiểm soát. HSBC dự kiến NHNN sẽ giữ lãi suất thị trường mở (OMO) ổn định ở mức 5% cho đến hết năm.
Tăng trưởng tín dụng, cầu nội địa và lạm phát
HSBC giải thích nghịch lý về tăng trưởng GDP vẫn còn khá tốt của Việt Nam dù tăng trưởng tín dụng thấp. Ngành sản xuất là một trong những nguyên nhân giúp nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 5% đến 5,5% trong những năm gần đây. Bảng 1 cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất HSBC tăng trưởng vững mạnh từ tháng 12 năm 2013. Sản lượng, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tăng trưởng khá vững.
Biểu đồ 1 cho thấy chỉ số việc làm và chỉ số phụ về đơn hàng xuất khẩu mới khá đồng bộ với các tháng tăng trưởng chậm lại. Chỉ số việc làm là chỉ số chỉ dẫn cho thấy các công ty sản xuất nhận định về nhu cầu bên ngoài như thế nào trong hai đến ba tháng kế tiếp. Chỉ số tạo việc làm có tăng trưởng trong thời gian gần đây cho thấy kỳ vọng của các nhà sản xuất về sự hồi phục của thị trường Mỹ và Trung Quốc để thúc đẩy lực cầu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Biểu đồ 2 cho thấy chỉ số chỉ định về tình hình sản xuất trong tương lai sau khi đã tính toán lượng sản phẩm tồn kho và nhu cầu hiện tại. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng sẽ chậm hơn nữa trong tháng tới. Tuy nhiên, sự hồi phục của lực cầu bên ngoài, đặc biệt là trong quý 4 năm 2014 sẽ thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng cao hơn. HSBC dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục trong năm 2015, khi các dự án đầu tư FDI mới bắt đầu hoạt động cũng như sự hồi phục của môi trường kinh tế toàn cầu.
Rõ ràng, những gì đang cản trở Việt Nam không đạt mức tăng trưởng trên 7% là những yếu tố bên trong của nền kinh tế. Cải cách, đặc biệt là cải cách khu vực ngân hàng, đang được thực hiện ở tốc độ chậm chạp, chưa đủ để tạo ấn tượng về một tương lai phía trước tươi sáng hơn. Kết quả là, sức tiêu thụ tiếp tục chậm lại.
Biểu đồ 4 cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa tăng trưởng tín dụng và phần trăm tăng trưởng GDP danh nghĩa (tương đương đường màu đen và màu nâu trong biểu đồ), với sự tăng trưởng chậm lại trong khoảng thời gian chín tháng. Khi chính phủ nỗ lực đưa Việt Nam thoát khỏi nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng, tăng trưởng có thể sẽ chậm lại trong quá trình thay đổi này. Đường màu đỏ cho thấy Việt Nam vẫn đang trong quá trình giảm lượng nợ xấu tích lũy cao từ những năm 1990. Chúng tôi mong đợi quá trình này sẽ tiếp tục đến năm 2016. Biểu đồ 5 cho thấy tăng trưởng tín dụng chậm lại ở mức 12% kể từ năm 2011, so sánh trên cơ sở so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng cho vay chịu ảnh hưởng điều chỉnh nếu quý 1 tốc độ tăng trưởng qua thấp so với chỉ tiêu thì việc cho vay sẽ được đẩy mạnh vào nửa cuối năm. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng được điều chỉnh chậm lại trong nửa cuối năm nếu nửa đầu năm phát đã phát triển quá mạnh.
Biểu đồ 6 cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa lạm phát toàn phần và tăng trưởng tín dụng theo năm. HSBC tính toán dữ liệu tăng trưởng tín dụng tháng theo thời gian dựa trên việc thu thập chỉ số tăng trưởng tính dụng tính từ đầu năm đến thời điểm công bố từ các buổi họp báo khác nhau cũng như từ các báo cáo truyền thông. Phân tích của chúng tôi cho thấy áp lực giá sẽ dịu lại khi không có lượng lớn tín dụng được bơm vào nền kinh tế. Chúng tôi không trông đợi tín dụng sẽ tăng mạnh trong hai năm tới khi chính phủ nỗ lực chấm dứt những đầu tư lãng phí đối với những khu vực hoạt động không hiệu quả nhất. Theo đó, lạm phát, sau khi loại trừ những yếu tố dao động theo mùa khi giá dịch vụ tăng và yếu tố thời tiết ảnh hưởng lên nguồn cung thực phẩm và giá dầu thế giới, cũng sẽ giữ trong khoảng từ 4,5% đến 6,5%.
Theo dddn