Khai thác tiềm năng nông nghiệp từ công nghệ cao

ông nghiệp VN đang bước vào giai đoạn mới, phát triển theo chiều sâu với quy mô lớn hơn để hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu về ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả, khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày một đa dạng của người tiêu dùng.


Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp Thái Bình thăm giống lúa khảo nghiệm của TSC

Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ đã đạt được nhiều thành tựu, đóng góp to lớn cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nhiều vùng chuyên canh được quy hoạch với quy mô lớn, chất lượng cao. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, các sản phẩm nông nghiệp đã cho năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ. Đặc biệt, khả năng cạnh tranh của nông sản VN trên thị trường thế giới được nâng cao với các sản phẩm chủ lực như gạo, gỗ, cà phê, hạt điều, thủy sản.

Từ mô hình thành công của TSC

Nền kinh tế VN đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, tích cực tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại khu vực và thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm chất lượng cao và trình độ quản lý hiện đại sẽ cạnh tranh quyết liệt với chúng ta ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, trình độ của chúng ta còn nhiều hạn chế, sản phẩm ít có tính cạnh tranh, do đó đòi hỏi DN VN phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh và để tồn tại và phát triển.

Từ nhận thức như vậy, Cty CP Tổng Cty giống cây trồng Thái Bình (TSC) đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên ba trụ cột chính là “Trí tuệ – Công nghệ – Quan hệ”. Trong chiến lược này, ứng dụng khoa học công nghệ trong DN là lĩnh vực then chốt.

Tổ chức nghiên cứu khoa học được coi là hướng mũi nhọn trong hoạt động KHCN của TSC. Năm 2002, TSC đã thành lập Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (SPM) và đến năm 2007 đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (TTNC) do TGĐ trực tiếp làm Giám đốc Trung tâm. Đây là TTNC trực thuộc DN đầu tiên trong ngành giống cây trồng VN nói chung và khối DN Thái Bình nói riêng được thành lập. TSC đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho nghiên cứu. Hiện nay TSC được Bộ NN – PTNT đánh giá là đơn vị có cơ sở vật chất cho nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kiểm tra chất lượng tốt nhất trong hệ thống giống cây trồng VN.

Trong 12 năm qua, TSC đã chủ trì và tham gia thực hiện hơn 20 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và DN. Trong đó có những đề tài tiêu biểu mà kết quả có ý nghĩa và hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn như “Nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng mới” phục vụ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế nông nghiệp Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung. Trong 10 năm 2003 – 2013 TSC đã tổ chức nghiên cứu, lai tạo hàng trăm cặp lai mới, thu thập và bảo tồn hàng nghìn vật liệu quý, khảo nghiệm hàng nghìn giống cây trồng mới từ khắp nơi trên thế giới và trong nước gửi đến. Đặc biệt, đã được công nhận 9 giống cây trồng quốc gia, đó là các giống lúa TBR-1, TBR36, TBR45, TBR225, BC15, Dưu 527, CNR36, Thái Xuyên 111 và giống lạc TB25. Những giống mới của TSC không những cho năng suất cao mà còn có thích ứng rộng, chất lượng tốt, sau khi công nhận đã nhanh chóng được đưa vào sản xuất đại trà góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các địa phương trong cả nước. Giá trị gia tăng từ những giống này mỗi năm mang lại cho nông dân cả nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây chính là những đóng góp rất lớn của TSC cho nền nông nghiệp VN; góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh xã hội ở nông thôn; chủ động hoàn toàn về giống cho sản xuất nông nghiệp, không phụ thuộc vào nước ngoài; tiết kiệm nhiều ngoại tệ cho đất nước. Hiện nay TSC đang tiếp tục gửi đi khảo nghiệm quốc gia và đề nghị công nhận nhiều giống cây trồng mới, trong đó có những giống sẽ là sản phẩm chủ lực trong ngành sản xuất lúa gạo của VN.

Và kết quả đã được khẳng định. Vụ mùa 2013 cơ cấu các giống TBR-1, TBR36, TBR45 và BC15 tại Thái Bình chiếm 85-90%, riêng giống BC15 tại Thái Bình khoảng 60% diện tích, tương đương 50.000 ha. Năng suất BC15 cao hơn các giống khác từ 1-2 tấn/ha, giá cao hơn 1000-1500đ/kg. Giá trị gia tăng của một giống này, ở một vụ tại Thái Bình đã là khoảng 700 tỷ đồng. Trong khi đó lượng giống mà TSC cung cấp tại Thái Bình chỉ hết 9,6%. Như vậy, chỉ trong một vụ sản xuất, giống lúa của TSC đã mang lại giá trị gia tăng hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông dân cả nước. Ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), liên tiếp trong 5 năm gần đây đã gieo cấy 98% giống lúa BC15 của TSC với diện tích 517 ha, năng suất bình quân cả năm 15 tấn/ha (vụ xuân năng suất 82 tạ/ha, vụ mùa 68 tạ/ha). Giá trị gia tăng mang lại cho An Mỹ là 11.416.600.000 đồng, bình quân một ha nông dân đã có lợi hơn các giống khác 22.742.231 đồng.

Đặc biệt, trong những năm qua, TSC rất chú trọng đến việc ứng dụng KHCN mới vào hoạt động của mình, trong đó nổi bật là lĩnh vực lai tạo giống mới, chế biến, bảo quản và cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình sản xuất được lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá Thái Bình là tỉnh đầu tiên công nghiệp hóa trong ngành giống cây trồng ở VN. Không chỉ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất mà còn cả trong quản lý. Năm 2003 TSC đã xây dựng và triển khai thực hiện đề tài “Chiến lược phát triển sản phẩm mới”. Năm 2001 TSC đã thực hiện nối mạng và năm 2002 đã triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng quốc tế vào hoạt động của DN. Đến nay TSC đã áp dụng 2 hệ thống quản lý ISO và hệ thống quản lý tổng hợp TQM của Nhật.

Để nhanh chóng tiếp thu được tiến bộ KHCN mới, TSC đồng thời tiến hành đổi mới nguồn nhân lực và thiết lập các mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay TSC đã hoàn thành cơ cấu và đào tạo lại nguồn nhân lực với 45% người lao động có trình độ đại học và trên đại học. Đồng thời, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác để có cơ hội tiếp cận được nguồn gen và giống mới của các nước trong khu vực cũng như các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của cả nước, kết hợp với đào tạo cán bộ. Hiện nay TSC là thành viên của Hiệp hội giống Châu Á Thái Bình Dương (APSA) và có quan hệ với rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học và các DN trong và ngoài nước.

Kết quả của quá trình ứng dụng KHCN và đổi mới quản lý trong 5 năm qua đã giúp cho TSC có tốc độ tăng trưởng bình quân 50%/năm, đặc biệt ba năm 2011-2013 TSC được bình chọn là một trong 500 DN phát triển nhanh nhất VN và vươn lên trở thành một trong những Cty giống cây trồng hàng đầu VN, có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường cả nước và có uy tín trong thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Cụ thể hóa chính sách KHCN trong nông nghiệp

Khả năng cạnh tranh của nông sản VN trên thị trường thế giới được nâng cao với các sản phẩm chủ lực như gạo, gỗ, cà phê, hạt điều, thủy sản

Hiện nay, TSC đã xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược phát triển 2011-2015 và tầm nhìn 2020. Trong đó, KHCN vẫn được coi là nền tảng cho chiến lược của TSC trong giai đoạn tới. Song việc xã hội hoá nghiên cứu KHCN là một xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là nghiên cứu ứng dụng của các DN, hướng tới tạo ra sản phẩm hàng hoá chất lượng cao, sản phẩm mới phù hợp với điều kiện và thế mạnh của mỗi doanh nghiệp, của mỗi ngành sản xuất và mỗi vùng sinh thái khác nhau để tạo ra sản phẩm khác biệt có đủ sức cạnh tranh. Nếu như vậy sẽ khai thác được nguồn lực của xã hội và các đề tài nghiên cứu sẽ có hiệu quả hơn. Điều này cho thấy, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN nghiên cứu khoa học để tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội. Cần xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích và phổ cập áp dụng công nghệ tiên tiến theo mô hình liên kết công – tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp.
Quá trình nghiên cứu tạo ra sản phẩm KHCN mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và phải có tâm huyết mới thành công, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và khen thưởng cho những tập thể và cá nhân tạo ra được những sản phẩm mới đã góp phần phát triển KTXH của đất nước. Cũng như tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước để phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.

Mặt khác, chính sách đối với DN KHCN cần được cụ thể hoá, thực thi một cách có hiệu quả và khuyến khích các DN một cách thoả đáng giúp DN có điều kiện ứng dụng, nghiên cứu và phát triển SXKD, góp phần phát triển KTXH của đất nước.

Theo Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty TSC/dddn