Việc Viettel bất ngờ xin giảm giá cước ngoại mạng không chỉ tác động đến riêng nhà mạng này mà có thể khiến cả thị trường viễn thông Việt Nam đứng trước cuộc cách mạng. Nhưng cũng không ngoại trừ đó là một toan tính khôn ngoan của nhà mạng này.
Ảnh minh họa
Tại các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… cước dịch vụ viễn thông di động chủ yếu tính cho cước dữ liệu 3G, 4G, dịch vụ thoại gần như miễn phí. Tuy nhiên, có lẽ Việt Nam phải đến năm 2020 mới bắt kịp được xu hướng đang diễn ra tại các quốc gia phát triển này. (Ảnh: Sim và giá cước khuyến mãi của các nhà mạng vẫn tồn tại dù đã bị điều chỉnh bởi TT 14)
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có trên 130 triệu thuê bao di động, trong đó Viettel là nhà mạng dẫn đầu về số lượng thuê bao với 54 triệu, chiếm gần 50% trong tổng số thuê bao của cả nước. Tiếp đến là MobiFone với 40 triệu thuê bao và VinaPhone với hơn 21 triệu thuê bao.
Kích thích tiêu dùng
Theo tính toán của Viettel, hiện nay đơn giá thoại nội mạng của thuê bao trả trước là 1.466 đồng/phút và liên mạng là 1.651đồng/phút. Tương tự, giá cước gọi nội mạng của trả sau là 990 đồng/phút và ngoại mạng là 1.200 đồng/phút. Như vậy, nếu đưa giá cước ngoại mạng về bằng nội mạng thì giá cước di động sẽ giảm khoảng 12,6%. Xét ở góc độ người tiêu dùng, rõ ràng lợi ích đã hiển hiện. Tuy nhiên, việc Viettel đưa ra đề xuất thống nhất cước nội mạng và ngoại mạng không phải là chính sách mới ở Việt Nam bởi trước đó cả Gtel và Vietnamobile đã áp dụng chính sách này cho khách hàng của mình từ lâu. Thế nhưng, số thuê bao của hai mạng Gtel và Vietnamobile quá nhỏ nên mức độ ảnh hưởng đối với xã hội đối với chính sách này không lớn. Trong khi đó Viettel đang có trong tay khoảng 54 triệu thuê bao di độngvà chiếm khoảng 50% tổng số thuê bao di động của Việt Nam. Điều này cũng lý giải vì sao một chính sách của Viettel tuy ra sau nhưng lập tức lại nóng trên truyền thông và thu hút được rất nhiều người quan tâm như vậy.
Đặc biệt, việc Viettel áp dụng mức cước này không chỉ tác động đến riêng nhà mạng này mà có thể khiến cả thị trường viễn thông Việt Nam đứng trước cuộc cách mạng. Viettel đồng nhất giá cước tất yếu sẽ dẫn tới việc các nhà mạng khác buộc phải làm theo. Như vậy, không chỉ 54 triệu người dùng của Viettel được hưởng lợi mà hơn 121 triệu thuê bao (tính đến tháng 5/2014) cũng sẽ được hưởng mức giá này. Thế nhưng, phản ứng của các nhà mạng trước đề xuất của Viettel hiện còn khá thận trọng. Rõ ràng, Viettel đang giữ thị phần lớn nên việc điều chỉnh của họ chắc chắn sẽ tác động tới những nhà mạng khác. VinaPhone, MobiFone và các nhà mạng nhỏ sẽ phải điều chỉnh theo hướng giống Viettel nếu không muốn mất khách hàng.
Trước đó, Phó tổng giám đốc Viettel – ông Hoàng Sơn cho biết, nhà mạng này có thể tổn thất tới 80 tỷ/tháng nếu đề xuất này được thông qua. Tuy vậy, đứng ở góc độ của Viettel thì thiệt hại 1.000 tỷ đồng mỗi năm không phải là chuyện quá khó khăn, bởi chỉ riêng trong 6 tháng, doanh thu của DN này đã lên tới 90.000 tỷ đồng. Lượng người dùng và lưu lượng có thể tăng lên khi áp dụng chính sách này là một hiệu ứng khác. Viettel giảm cước sẽ khiến thị trường di động có một cú hích mới sau thời gian dài bình lặng. Việc cú hích này có tạo ra sự thay đổi về chất của các mạng di động hay không thì cần thời gian mới có câu trả lời. Tuy nhiên, điều có thể thấy trong trường hợp này, trước mắt, người tiêu dùng có lợi nhất.
“Mở cửa” độc quyền?
Nếu được thông qua, đề xuất của Viettel sẽ khiến cước di động giảm xuống khoảng 12,6% và hơn 120 triệu thuê bao tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích này.
Tuy nhiên, việc giảm giá cước của Viettel trên thực tế không hoàn toàn chỉ vì khách hàng mà đó còn mang những toan tính riêng của nhà mạng này. Việc Viettel đưa ra đề xuất trong bối cảnh cả MobiFone, VinaPhone và tất cả các mạng nhỏ khác đều đang gặp khó khăn, thực chất là một “đòn đánh” trực diện vào cả những DN lớn và cả DN nhỏ. Đặc biệt, trong lúc MobiFone, VinaPhone đang bộn bề với công cuộc tái cơ cấu sau chia tách, cơ hội “độc chiếm ngôi vương” của Vietel sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu làm một phép toán chi tiết về lưu lượng cuộc gọi ngoại mạng và nội mạng giữa 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone thì không khó để nhận thấy, số cuộc gọi ngoại mạng từ 56 triệu thuê bao Viettel là thấp nhất trong số 3 ông lớn. Do đó, doanh thu khi giá cước ngoại mạng giảm sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của hãng. Trong khi đó, VinaPhone với 21 triệu thuê bao và MobiFone 40 triệu thuê bao sẽ phải chịu giảm một khoản doanh thu không nhỏ. Những DN nhỏ như Gtel và Vietnamobile còn “thê thảm” hơn. Các gói cước “tỷ phú”, 10 phút nội mạng miễn phí… sẽ đương nhiên bị khai tử.
Còn nhớ năm 2013, chứng kiến sự can thiệp rất sâu và cũng rất quyết liệt của Nhà nước vào lĩnh vực viễn thông di động với việc Thông tư số 14/2012/TT-BTTTT bắt đầu có hiệu lực và Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Viễn thông. Điểm mấu chốt là Nghị định 25 và Thông tư 14 ra đời, siết chặt chuyện sim khuyến mãi và giá cước. Bản chất của câu chuyện loại bỏ sim khuyến mại hay giới hạn tổng giá trị khuyến mãi, nói một cách đơn giản là cước viễn thông không được quá thấp. Điều này làm tê liệt khả năng cạnh tranh của hai nhà mãng Sfone hay Beeline trong cuộc đua khuyến mại, giảm giá mà chính nhà mạng VNPT và Viettel là người khơi mào với những gói khuyến mãi khủng. Và cái kết ai cũng biết, hai nhà mạng này “tức tưởi” rời thị trường.
Vậy, câu hỏi đặt ra, đó là chuyện cạnh tranh của DN và “kẻ” nào mạnh sẽ thắng có thể xem là chuyện bình thường? Nhưng ở góc độ phản biện, sẽ không bình thường ở chỗ nếu DN sau khi làm suy yếu đối thủ, không còn ai cạnh tranh sẽ “một mình một chợ”, từ đó có thể quyết định thị trường, chẳng hạn như quay trở lại tăng giá dịch vụ, gây thiệt hại cho khách hàng. Thực tế đã diễn ra, sau khi sáp nhập EVN Telecom về Viettel cuối năm 2011, thì đến giữa năm 2012 khi thị trường thuê kênh chỉ còn hai “ông lớn” VNPT, Viettel đã cùng nhau tăng giá thuê dịch vụ này (200%) khiến một loạt DN viễn thông FPT, CMC, Hanoi Telecom, VTC phải kêu cứu đến Bộ Thông tin – truyền thông.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chỉ cần mức cước Viettel đưa ra không dưới giá thành và gửi báo cáo lên thì Bộ sẽ xem xét việc điều chỉnh giá cước này bởi đề xuất giá là do DN tự chủ động. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, Bộ Thông tin và Truyền thông cần cân nhắc kỹ trước khi xem xét phương án đề xuất giảm cước như trên.
Theo dddn