Tại diễn đàn kinh doanh “Việt Nam – Cơ hội mới” diễn ra tại TP.HCM giữa tuần qua, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ Điện lạnh REE cho rằng, động lực để phát triển nền kinh tế là khối doanh nghiệp (DN) tư nhân, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.
Ảnh minh họa
Bà Thanh tỏ ra tâm đắc với câu nói của Thủ tướng Đức Angela Markel, rằng 80% nền kinh tế Đức được đóng góp bởi DN nhỏ và vừa; đây là những công ty dân doanh, công ty gia đình, họ liên tục cải tiến sản phẩm và đưa Đức trở thành nước xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lớn nhất châu Âu.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đức, hiện quốc gia này có 3,3 triệu DN nhỏ và vừa, đóng vai trò là xương sống và thúc đẩy nền kinh tế Đức. Cụ thể, khối DN này đóng góp hơn 90% thuế TNDN, tạo ra 70% việc làm cho xã hội, có 75% đến bằng sáng chế và đổi mới.
Trong khi đó, tại Việt Nam, khối DN nhỏ và vừa hằng năm tạo thêm nửa triệu việc làm, sử dụng 51% lao động và đóng góp trên 40% GDP… Đây là lực lượng quan trọng thúc đẩy nền kinh tế, dù Chính phủ có quan tâm nhưng hiện vẫn còn thiếu, tài chính và cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho DN vì đa số DN ở quy mô này không rành luật nên khi xúc tiến kinh doanh sẽ gặp nhiều trở ngại và mất khá nhiều thời gian cho các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.
Trước đó, tại buổi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong vai trò là thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc với DN TP.HCM, ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Việt Hương đã bày tỏ quan điểm: DN nhỏ và vừa đóng vai trò hết sức quan trọng trong chuỗi sản xuất.
Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, nếu không có khối DN này thì không có sản phẩm cuối cùng. Ông Chi đưa ra dẫn chứng, thời kỳ 10 năm đầu sau khi đất nước thống nhất, trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng tại TP.HCM, có lúc chỉ riêng quận 11, giá trị sản xuất của các DN nhỏ và vừa bằng 1/4 thủ đô Hà Nội.
Hơn 25 năm mở cửa và cải cách kinh tế, DN nhỏ và vừa vẫn chưa có được những điều kiện để phát triển toàn diện. Theo đó, khối DN này hiện khó tiếp cận các khoản vay với lãi suất hợp lý, thường cao hơn từ 1 – 3% so với DN lớn.
Một DN vừa và nhỏ ở Việt Nam khi thế chấp để vay tiền, phần lớn ngân hàng chỉ chấp nhận nhà xưởng còn máy móc, thiết bị và sản phẩm làm ra khó được chấp nhận. Như vậy, họ chỉ được giải quyết vốn lưu động, trong khi khoản đầu tư, mua sắm thiết bị, máy móc để đổi mới công nghệ thì không.
Trong khi đó, nhà xưởng của DN nhỏ và vừa có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại được thế chấp đất thuê và nhà xưởng. Đó là một trong những lý do khiến các sản phẩm công nghiệp phụ trợ đều nằm trong tầm kiểm soát của họ. “Tôi kiến nghị, Việt Nam cần có ngân hàng công nghiệp thực sự để hỗ trợ DN nhỏ và vừa”, ông Chi bày tỏ.
Thêm vào đó, trong định nghĩa DN nhỏ và vừa của TP.HCM thì doanh số dưới 20 tỷ đồng/năm mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN là 20%; còn DN FDI dù có vốn 10 triệu USD nhưng vẫn được gọi là xí nghiệp nhỏ và vừa, được vay vốn từ một số quỹ tín dụng quốc tế với lãi suất rất thấp nên xét về lợi thế cạnh tranh giữa DN Việt với DN FDI tương tự như “xe đạp đua xe máy”.
Theo DNSG