Áp chuẩn quốc tế với ngân hàng Việt: Nhìn từ những bước đầu tiên

Để chuẩn bị lộ trình tới 2018, hệ thống ngân hàng đạt chuẩn Basel II, mới đây, NHNN đã nâng độ “khó” cho Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB trong quản trị rủi ro.
​Cùng với việc công khai danh tính những ngân hàng yếu kém thì một loạt văn bản quy định về quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục đưa ra thời gian qua. 
Chẳng hạn, Chỉ thị số 04/CT-NHNN của Thống đốc từ ngày 17/9/2013 và Văn bản số 8986/NHNN-TTGSNH của NHNN ngày 29/11/2013 về việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, không chia cổ tức nếu chưa dự phòng đủ. Thông tư 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 có hiệu lực từ 01/6/2014 quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014 siết chặt các điều kiện cơ cấu nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN của NHNN ngày 23/4/2012 và việc cơ cấu nợ sẽ hết hạn vào cuối quý 1/2015. Thông tư số 14/TT-NHNN ngày 20/5/2014 sửa đổi một số điều của Quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD ban hành theo Quyết định số 493/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005.
Gần đây nhất, cơ quan điều hành tiền tệ quốc gia đã ban hành Công văn số 1601 ngày 17/3/2014 của NHNN yêu cầu các ngân hàng triển khai Basel II ở mức độ tiêu chuẩn trừ 10 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank, Techcombank, VIB, Maritime Bank, MB, Sacombank, ACB ở mức độ cao hơn.
VIB nằm trong số 10 ngân hàng được yêu cầu phải triển khai Basel II mức cao hơn.
Dù vậy, để đảm bảo tính an toàn cho nhà băng vào tạo lập, củng cố niềm tin cho người gửi tiền, thị trường cần những ngân hàng tiên phong đi trước. Bởi, tuy mục tiêu của NHNN là áp dụng Basel II vào năm 2018 nhưng rõ ràng, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn cần có một lộ trình để theo kịp quốc tế, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
Trao đổi với PV, ông Loic Faussier, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Khối Quản trị rủi ro Ngân hàng Quốc tế (VIB) đánh giá, việc áp dụng Basel II là bước tiến quan trọng và tích cực trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam và phù hợp với các quy định của NHNN về quản trị rủi ro. 
Là 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên được yêu cầu triển khai tuân thủ Basel II, đại diện VIB cho rằng, điều này sẽ mang lại cho VIB một khung quản trị rủi ro tương đương với các ngân hàng quốc tế. Điều này gia tăng tính minh bạch và giúp VIB có thể cạnh tranh với các ngân hàng quốc tế. Việc áp dụng tuân thủ Basel II cũng được kỳ vọng sẽ đưa VIB trở thành ngân hàng lành mạnh và an toàn hơn. 
“Basel II cũng mang lại những giá trị nhất định cho tất cả cổ đông, khách hàng, đối tác của VIB. Người gửi tiết kiệm có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng dịch vụ tại ngân hàng được quản trị tốt dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế; khách hàng vay tiền được cung cấp và tư vấn những giải pháp tài chính ưu việt để giảm thiểu rủi ro; cũng như cán bộ nhân viên ngân hàng nhận được cơ hội phát triển sự nghiệp tuyệt vời khi được tiếp cận hệ thống thực hành quốc tế tốt nhất này”, theo ông Loic, “Chúng tôi đánh giá đây là bước tiến đáng kể đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam”.
Tất nhiên, để tham gia sớm Basel II, lợi thế của VIB so với các ngân hàng khác trong hệ thống là có sự hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm với cổ đông chiến lược CBA – một trong 10 ngân hàng lớn nhất thế giới về vốn hóa thị trường. 
CBA cũng là ngân hàng đầu tiên trên thế giới áp dụng tuân thủ Basel II, III và được các TCTD đánh giá là một trong những ngân hàng an toàn nhất thế giới. Việc hợp tác chặt chẽ với CBA trong việc triển khai Basel II giúp VIB tiếp cận những thế mạnh, kiến thức và kỹ năng của một ngân hàng đã triển khai mô hình này.
Ông Loic Faussier cũng cho biết, thuận lợi của VIB là đang sở hữu một nền tảng tài chính lành mạnh, chiến lược quản trị rủi ro và và chính sách trích lập dự phòng thận trọng cũng như nền tảng công nghệ vững chắc, tất cả là tiền đề cần thiết cho việc ứng dụng tuân thủ Basel II. Tất nhiên, với dự án này VIB cũng gặp một số thách thức vì Basel II tương đối mới ở Việt Nam và hiện tại chỉ có số ít đội ngũ nhân lực có thể đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và kỹ năng về Basel II.
Về chi phí ước tính để triển khai Basel II, lãnh đạo VIB cho biết, triển khai trong nhiều năm, dự án này sẽ thay đổi một cách cơ bản cách rủi ro được quản lý, tính toán và báo cáo, tuy nhiên, ngân hàng vẫn chưa thể đưa ra một dự toán cuối cùng trong giai đoạn này. Dự kiến, Basel II sẽ yêu cầu các ngân hàng phải đầu tư đáng kể cho hoạt động triển khai cũng như hoạt động gia tăng sau triển khai.

Theo dân trí