Thực phẩm chức năng (TPCN), cũng giống như bất kì lĩnh vực kinh doanh ngành hàng nào khác, một khi đã sinh lợi lớn thì sẽ dễ khiến người kinh doanh có tham vọng kiếm lợi lớn hơn và lớn hơn.
Cái mất của những DN tận dụng tiếp thị truyền miệng để bán hàng không đúng sự thật sẽ để lại hậu quả dài lâu với sự phát triển ngành hàng và với chính DN.
Cách đây 10 năm, từ chỗ chỉ có 13 cơ sở nhập khẩu và phân phối 63 loại sản phẩm, đến nay tại VN đã có gần 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh và phân phối hơn 5.500 sản phẩm TPCN đang được lưu hành trên thị trường.
Trong đó có 58% là sản phẩm nhập khẩu và 42% là sản phẩm sản xuất trong nước. Dù là sản phẩm nhập khẩu hay sản phẩm sản xuất trong nước, các DN kinh doanh ngành hàng TPCN đều có xu hướng “gia công” làm thương hiệu cho sản phẩm qua cách tiếp thị truyền miệng, thông qua mô hình kinh doanh đa cấp (multi-level marketing). Cách kinh doanh đa cấp đó, theo giải thích của Hiệp hội bán hàng đa cấp VN (MLMA), chính là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị. Đương nhiên để tiếp thị như vậy, tất cả các “nhà phân phối” – chuyên viên kinh doanh đa cấp đều “thuộc nằm lòng” các công dụng, chức năng, cách thức sử dụng… thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ được ghi bao bì sản phẩm, để “tư vấn” cho người tiêu dùng.
Những vụ “lùm xùm” bởi các chiêu tiếp thị truyền miệng về công dụng sản phẩm qua những thành viên của Đại gia đình Cty Vision VN, mà thoạt nghe như sản phẩm đó chính là “thần dược”, “thực phẩm thần kì” có thể chữa gần như “bách bệnh”… là điển hình của biến tướng tiếp thị này. Thực chứng nhiều… name card của “Chuyên viên Tư vấn sức khỏe Vision”, người viết đều nhận được thông tin mặt sau chính là Chứng nhận của Vision, với nội dung “Chứng nhân ông/ bà… , được ủy quyền chính thức bởi Cty Vision International People Group thực hiện các nghiên cứu xuyên văn hóa về tình trạng sức khỏe và chất lượng cuộc sống được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua Hiệp ước giữa Vision và WHO được kí vào ngày 31 tháng 3 năm 2012”.
Với nội dung trên, nếu các thành viên của Đại gia đình Vision đều được cấp chứng nhận, rõ ràng chúng ta đã có ít nhất 4.000 chuyên viên bán hàng đa cấp được nâng cấp” thành những chuyên viên nghiên cứu sức khỏe và văn hóa cỡ… WHO.
Trong tiếp thị truyền miệng, nhiều marketer đã chú trọng đến việc tác động tâm trí khách hàng, kích thích nhu cầu của khách hàng bỏ tiền sở hữu sản phẩm. Hơn thế, bản thân những nhà kiến tạo mô hình kinh doanh đa cấp như phương tiện hữu hiệu nhất để kinh doanh TPCN cũng nhuần nhuyễn một bí quyết hàng đầu và phổ biến ở trên mọi cấp độ tháp: Đánh vào khao khát muốn được làm giàu bất cứ người nào đã, đang và chưa từng biết kinh doanh đa cấp.
Công bằng thì TPCN không phải xấu, ngược lại, chỉ những người lợi dụng phát minh của nhân loại để đi ngược sứ mệnh ban đầu của nó là hỗ trợ sức khỏe con người mới xấu. Ngay cả mô hình kinh doanh đa cấp cũng không hoàn toàn xấu và vẫn đang có nhiều tranh cãi khác nhau. PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN VN nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải tuyên truyền để mọi người hiểu rõ giá trị của TPCN cũng như sứ mạnh đã nêu của nó. Song chúng ta là những ai và chúng ta có thể làm được điều đó hay không khi ngay cả những DN lớn hàng đầu, những DN mà Hiệp hội mới đây vừa trao bảng “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng” với lịch sử và tên tuổi lẫy trên thế giới như Amway hay Vision, cũng đều có lúc không tránh được các “vết đen” bị người tiêu dùng “tố” là bán sản phẩm gây hại cho sức khỏe hoặc thừa nhận khó kiểm soát được mạng lưới bán hàng đa cấp rộng lớn hàng ngàn thành viện tại VN.
“Treo đầu voi, bán thịt muỗi” tất nhiên đã và đang đến một thu nhập cho đông đảo người và DN kinh doanh ngành hàng này. Nhưng cái mất của những DN tận dụng tiếp thị truyền miệng để bán hàng không đúng sự thật sẽ để lại hậu quả dài lâu với sự phát triển ngành hàng và với chính DN.
Theo dddn