Nông dân gánh 80% rủi ro, hưởng 20% giá trị lợi nhuận

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, trong khi người nông dân một nắng hai sương, chịu rủi ro 70-80%, tức là đóng góp 70-80% trong chuỗi giá trị sản xuất thì ngược lại họ chỉ được chia có 20% lợi nhuận.

Gần đây, nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và chuyên gia nông nghiệp (NN) đang cổ vũ cho việc phát triển chuỗi liên kết theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong NN. Về cơ bản đây là nguyên lý đúng. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi ai là người dẫn dắt chuỗi giá trị ấy? Ai là người quyết định tỷ lệ chia sẻ lợi nhuận cho các bên tham gia? Người nông dân (ND) được hưởng lợi gì khi tham gia chuỗi ấy? Câu trả lời nhận được vẫn chưa rõ ràng và thỏa đáng.
“Nếu chúng ta đặt người ND là trung tâm thì sau tất cả những cái hay ho ta vừa bàn thì chia lại lợi ích cho ND có hài hòa không?” Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Huy Đông đặt vấn đề khi tham gia Hội thảo “Tầm nhìn nông nghiệp đến năm 2020: Hợp tác và đổi mới vì sự phát triển nông nghiệp bền vững” vừa diễn ra sáng nay, 01/7, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông
Thứ trưởng Đông trích một nghiên cứu mới đây do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn (Ipsard) và Tổ chức Oxfam tiến hành thí điểm trên 2 nhóm sản phẩm là lúa gạo và con cá tra cho thấy, trong khi người ND một nắng hai sương chịu rủi ro đến 70-80%, tức là đóng góp 70-80% trong chuỗi giá trị ấy, nhưng ngược lại họ chỉ được chia có 20% lợi nhuận.
Có một nguyên tắc rõ ràng trong hợp tác là thì phải chia sẻ rủi ro cho bên nào kiểm soát rủi ro ấy tốt nhất và chia sẻ lợi ích phải tương xứng với mức chia sẻ rủi ro, nhưng ví dụ trên cho thấy có sự bất công bằng giữa việc chỉa sẻ lợi nhuận và chia sẻ rủi ro với người ND.
“Muốn nâng cao giá trị sản phẩm thì phải tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sản xuất nhưng cuối cùng thì ai là người được hưởng lợi? Cần phát hiện các sản chủ lực của quốc gia và tạo ra giá trị bền vững bằng cách xây dựng các chuỗi lên kết trong đó các bên tham gia đều cảm thấy thỏa mãn. Không thể lấy hết đất của người ND cho doanh nghiệp (DN), đẩy người ND bơ vơ thì xã hội sẽ không bền vững và phát triển cũng không bền vững. Muốn liên kết bền vững thì phải chia đều lợi nhuận,” Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Tham gia đóng góp ý kiến tại hổi thảo, đại diện của Ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần phải thay đổi tư duy về NN. “Chúng ta cho rằng NN chỉ đóng góp 18% trong GDP nhưng thực ra NN – nông thôn chiếm 80% diện tích đất tự nhiên, 67% người dân sống ở nông thôn, 47% lực lượng lao động ở thôn. Do đó, đầu tư phát triển NN – nông thôn phải là nền tảng để các ngành khác phát triển kinh tế quốc dân. Phát triển NN phải là nền tảng phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, đảm bảo dân sinh và chuyển dịch lao động trong nông thôn.”
Ông cũng cho rằng đầu tư cho NN cần tập trung vào các ngành hàng chủ lực để tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu trên thế giới. Năng suất nhiều loại cây trồng của Việt Nam tương đối cao như hồ tiêu, cà phê… nhưng vấn đề hiện nay là phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu thế giới để tạo bước đột phá và nâng cao giá trị gia tăng.
Mặc dù NN có nhiều lợi thế phát triển nhưng thu hút đầu tư tư nhân nhất là đầu tư nước ngoài vào NN còn thấp, chỉ chiếm 0,6% năm 2013 so với hơn 3% vài năm nước. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hậu quả của việc thiếu quy hoạch chiến lược cho phát triển NN, việc chọn ngành ưu tiên chưa rõ ràng, chưa xác định được phân khúc thị trường nào là quan trọng, chưa nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và người ND có tâm lý “làm tất ăn cả” – thiếu sự liên kết giữa ND với nhau.
Vì bản thân người ND không muốn liên kết với nhau nên họ cũng ngại liên kết với DN. Hiện nay các DN phải đi ký hợp đồng hợp tác với từng hộ ND, và trong quan hệ này thì người ND không có lợi. Để liên kết giữa DN với ND tốt tốt thì phải tạo cho người ND liên kết với nhau, các DN, nhà khoa học và nhà nước cùng tham gia chuỗi liên kết thì phải đảm bảo mối quan hệ này rõ ràng về lợi ích.
Hy sinh nông nghiệp cho công nghiệp hóa, đô thị hóa với “giá cánh kéo”
TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng đầu tư PPP là phối hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để hấp dẫn các DN tham gia đầu tư vào NN đem lại giá trị cao hơn. Để hấp dẫn được DN cần có lợi thế về quy mô bằng cách tích tụ đất đai, đưa KHCN vào SX, xây dựng kết cấu ha tầng cho NN, và giá cả phải phản ánh đúng nguồn lực.
“Lâu nay chúng ta đã hy sinh NN quá nhiều cho CNH, đô thị hóa với “giá cánh kéo”, điều này đã tạo nhiều bất lợi cho phát triển NN,” TS Võ Trí Thành nhận định.
TS Võ Trí Thành cho rằng khi phát triển liên kết PPP cần tuân thủ 2 nguyên tắc đó là: Chia sẻ lợi nhuận và rủi ro giữa nhà nước và tư nhân; và không bao giờ được quên quyền mặc cả, tiếng nói, vai trò và lợi ích của ND.
Trong khi đó, bà Dinicola Natalie, Giám đốc Hợp tác và Phát triển bền vững toàn cầu, Tập đoàn Monsanto cho rằng liên kết PPP đóng vai trò quan trọng trong phát triển NN hiện nay. Tuy nhiên, việc thực hiện không đơn giản vì nó đòi hỏi cam kết thực sự của các bên tham gia.
Điều quan trọng là phải đặt người ND làm trung tâm trong chuỗi liên kết này và xây dựng các yếu tố khác xung quanh. Liên kết này cũng cần phát huy tối đa sức mạnh của các bên tham gia và bảm bảo lợi ích hài hoàn giữa các bên. Nó phải đảm bảo tầm nhìn của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu của khối tư nhân, nhất là người ND. Phải làm sao để cho các bên tham gia cảm thấy họ muốn là một phần của chuỗi liên kết này.

Một câu ngạn ngữ của châu Phi nói rằng: Muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Điều này không có nghĩa là chúng ta cứ đi thong thả mà cần tăng cường hợp tác để cùng phát triển, bà khẳng định.

Theo dân trí