FPT và tham vọng toàn cầu hóa

Mua lại công ty RWE IT Slovakia – công ty thành viên chuyên cung cấp các giải pháp SAP và “Smart Home” của Tập đoàn RWE, CTCP Tập đoàn FPT đã chính thức có thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa

Ông Bùi Quang Ngọc – Tổng giám đốc FPT – người vừa trở lại với vị trí điều hành tại Tập đoàn sau nhiều năm “ẩn mặt” và cũng là người gắn bó, có kinh nghiệm phong phú với thị trường châu Âu, đã chia sẻ cùng DĐDN về chiến lược toàn cầu hóa và những bước đi của Tập đoàn.
Nuôi dưỡng “nguồn vốn” bền vững
– Ông có thể cho biết vì sao FPT quyết định mua lại Cty con của Tập đoàn nước ngoài?
Có rất nhiều yếu tố quyết định một thương vụ M&A. Với FPT, đó hoặc là vấn đề khách hàng và thị trường, hoặc là vấn đề công nghệ và giải pháp. Ở đây, thương vụ mà FPT vừa thực hiện đều đáp ứng tất cả: Vừa là Cty có trụ sở tại thị trường châu Âu, có số lượng nhân sự không nhỏ khoảng 400 người; vừa là công ty có năng lực và kinh nghiệm triển khai các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP và “Smart Home. Thương vụ này cũng mang lại cho FPT 1 hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể dài hạn trị giá nhiều chục triệu USD với RWE, tập đoàn cung cấp điện và gas hàng đầu châu Âu có doanh thu trên 70 tỷ USD.
– Như vậy là thông qua Cty IT vừa mua, FPT sẽ dấn sâu vào lĩnh vực khai thác thị trường cung cấp CNTT cho nhóm khách hàng điện và nước?
Đúng vậy, đây là ngành đang có nhu cầu rất lớn trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến.
– Dự kiến ở thời điểm nào thì FPT có thể hiện thực kì vọng doanh thu từ nhóm khách hàng lớn hơn trên thị trường châu Âu, với FPT Slovakia, thưa ông?
Thương vụ này làm thay đổi vị thế của FPT tại thị trường châu Âu. Với vị thế mới, FPT sẽ có cơ hội cung cấp dịch vụ cho nhiều khách hàng hơn tại Châu Âu và tăng doanh thu tại thị trường tiềm năng này.
– Tại sao lại là châu Âu, thưa ông? Có thể hình dung đây là bước để FPT tiến đến sẽ phát triển, mở mang hoạt động ở thị trường châu Âu, với 28 quốc gia thành viên của khu vực Eurozones?
Chúng tôi tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty trong lĩnh vực Dịch vụ Công nghệ thông tin có năng lực công nghệ và đội ngũ chuyên gia tư vấn mà FPT còn thiếu hoặc có cơ sở dữ liệu khách hàng phù hợp với mục tiêu của FPT. Thị trường M&A mà chúng tôi nhắm tới là Mỹ, Nhật, Singapore và châu Âu. Và cơ hội đầu tiên đã đến với FPT từ thị trường châu Âu. 
– Ông có thể nói rõ hơn về nhu cầu phát triển sắp tới của FPT?
Chúng tôi đang đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa, và M&A là một trong những bước để thực hiện chiến lược đó, nó sẽ giúp FPT rút ngắn thời gian thâm nhập và tạo vị thế tại thị trường nước ngoài cũng như nhanh chóng tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể cho các khách hàng trên toàn cầu. Đầu tư nhanh, mạnh, dứt khoát sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
– Để đầu tư nhanh và mạnh, ắt hẳn phải có nguồn vốn. Ông suy nghĩ như thế nào về việc điều chuyển dòng vốn trong hoạt động đầu tư, phát triển thị trường của Tập đoàn?
Muốn đầu tư, ắt phải có tiền, có nguồn vốn. Nhưng tôi cho rằng vấn đề đó không quá quan trọng với FPT. “Vốn” lớn nhất của FPT vẫn là nhân lực. Nguồn nhân lực mạnh, lại sẽ mang nguồn tiền mạnh. Chúng tôi thực sự quan tâm yếu tố này, sao cho có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu có thể khai thác được thị trường. Do đó, xây dựng lực lượng nhân sự đã và đang là nhiệm vụ cấp bách của FPT.
– Ở các thị trường ngoài nội địa, việc xây dựng và quản lí nhân lực của FPT có thể chủ động, thưa ông?
Chúng tôi cơ bản duy trì nguồn nhân lực đã phát triển được, kể cả ở Cty vừa mua. Đó là những nhân lực đã có kinh nghiệm, quan hệ, kĩ năng… tiếp cận và cung cấp dịch vụ cho các khách hàng sẵn có. Ngoài ra cũng phải bổ sung nhân lực mới, nâng cấp các yếu tố về quản trị nhân lực sao cho phù hợp, tương thích với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, văn hóa quản trị nhân sự của FPT cũng như giữ lại những tinh hoa văn hóa, nhân lực sống động tạo nên giá trị của Cty chúng tôi vừa mua. Mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao đáp ứng được nhu cầu thị trường, phục vụ khách hàng tốt nhất. Có mục tiêu thì không thể bị động.
– Trước mắt FPT sẽ tập trung cho thị trường nào trên thế giới, thưa ông?
Đối với M&A, chúng tôi sẽ tập trung vào việc tìm kiếm các cơ hội tại thị trường Nhật, Mỹ, Singapore và Tây Âu.
Để tiến đến đích nhắm xa hơn, cao hơn
– FPT có đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh ở các thị trường quốc tế trong ít nhất 2 năm tới, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi đang có doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm khoảng 9% tổng doanh thu của Tập đoàn, chưa bao gồm doanh thu kì vọng từ Cty con mà FPT vừa mua. Trong hai năm tới, mục tiêu sẽ là tăng tỷ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài lên khoảng 20%.
– Và các bước để đạt mục tiêu này sẽ là…?
Vốn” lớn nhất của FPT vẫn là nhân lực. Nguồn nhân lực mạnh sẽ mang lại nguồn tiền mạnh.
Thị trường CNTT hiện nay vô cùng phát triển. Thế giới bùng nổ những thuật ngữ, những công nghệ, giải pháp mới. Ngay cả người Việt Nam hiện cũng đã khá quen thuộc với các CN mới ứng dụng cho điện thoại di động, điện toán đám mây v.v. Do đó, một trong những con đường mà FPT đang dày công thực hiện, không chỉ để phát triển ở thị trường nước ngoài mà ngay cả trong nước, chính là xây dựng các giải pháp pháp/dịch vụ liên quan đến xử lý dữ liệu lớn (Big Data), chỉ có như vậy mới có nền tảng thu hẹp khoảng cách CNTT của Việt Nam và thế giới. Xoay quanh đó, chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào phát triển các giải pháp mới theo xu hướng công nghệ của thế giới. Giải pháp này sẽ hỗ trợ cho dịch vụ bán hàng đồng thời cũng cho ra nhiều dịch vụ mới, đặc biệt, sẽ có thêm nhiều dịch vụ mới từ các thương vụ M&A. Nói cách khác, dịch vụ, giải pháp và M&A là ba lĩnh vực mà FPT sẽ tập trung nhất trong vòng 2 năm tới.

– Với tư cách “người trong cuộc”, theo ông cơ hội để FPT nói riêng, DN và thị trường CNTT của Việt Nam nói chung có thể bắt nhịp, tham gia vào thị trường CNTT thế giới có thực lớn?
Xét về CNTT, Việt Nam cũng được xếp vào hàng thị trường mới nổi. Cơ cấu dân số trẻ và 50% đang độ tuổi lao động là một thế mạnh của Việt Nam. Đây chính là nền tảng để dịch vụ CNTT trong thị trường nội địa ngày càng mở rộng và phát triển. Thực tế thì doanh thu của thị trường CNTT đạt hàng nghìn tỷ đồng/ năm cũng đã chứng minh điều này. Trong khi đó, đối với nhân lực, người lao động ở các quốc gia phát triển, phần lớn họ không mặn mà với công việc trong lĩnh vực CNTT, do đó mà doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển thường outsour (thuê ngoài) với các quốc gia đang phát triển, để khai thác nguồn nhân lực nơi đây nhằm thực hiện các dịch vụ khác. Trước đây, các quốc gia phát triển ưa chuộng outsourcing với Ấn Độ, và đó là một trong những động lực khiến Ấn Độ nhanh chóng phát triển mạnh mẽ về CNTT. Ngày nay, khi Ấn Độ đã quá phát triển thì chi phí thuê ngoài cũng bị đẩy lên cao, đổi lại với Việt Nam, chi phí trở thành thế mạnh cạnh tranh. Chi phí lao động trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam hiện chỉ bằng ½ Ấn Độ và bằng 2/3 Trung Quốc. Vì vậy nếu chúng ta thực sự và định hướng quyết tâm thúc đẩy định hướng này, khai thác nhân sự, năng lực con người một cách hiệu quả thì hoàn toàn có khả năng hòa nhập và đi theo con đường phát triển của thị trường CNTT thế giới.
– Ông có thể cho ví dụ để thấy rằng chúng ta có những tấm gương và động lực rất đáng lạc quan?
Công ty TCS (Ấn Độ) có doanh thu năm 2013 đạt 13,4 tỷ USD, với hơn 300.000 kỹ sư. Chúng ta có thể học theo Ấn Độ hay không? Có, nếu chúng ta như đã nói quyết tâm và có định hướng tốt. Đừng nói là CNTT mà công nghệ viễn thông nói chung, với những đặc thù và lợi thế cạnh tranh như đã nêu, đều cùng là cơ hội lớn của Việt Nam. Trong công nghệ viễn thông, Viettel là một minh chứng sống cho sự phát triển vươn xa và không thua kém DN quốc tế khi đã có mặt tại 8 quốc gia. FPT càng không muốn chậm chân hay thay đổi chiến lược. Ngoài ba thị trường quốc tế lớn Mỹ, Nhật và Tây Âu, FPT thực tế cũng đang nhắm đến cung cấp sản phẩm và giải pháp đã được FPT triển khai tốt ở VN cho những nước đang phát triển như Myanmar, Indonesia, Philippine hay Bangladesh. Bên cạnh đó, một thị trường vô cùng quan trọng của FPT, chính là Việt Nam. Trong các năm tới FPT mong muốn duy trì một tốc độ tăng trưởng tại VN là 11%, từ 2014-2016, trong khi kế hoạch cho tốc độ tăng doanh thu ở ngoài Việt Nam là khoảng 40%.
– Xin chúc ông sẽ đạt được mọi mục tiêu điều hành!

Theo dddn