Ngày 22/7 tới đây, TCty Dệt May VN chính thức IPO ra công chúng. Như vậy, sau nhiều lần trễ hẹn, Vinatex đã lên được thời điểm chính xác tiến hành IPO và đây sẽ là thương vụ lớn nhất từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh hàng loạt DNNN tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động.
Ảnh minh họa
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu thị trường có hấp thu hết lượng cổ phiếu khủng khi Vinatex bơm ra thị trường?
Vốn khủng
Theo phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Vinatex có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tương ứng tổng số cổ phần là 500 triệu cổ phần. Nhà nước nắm giữ 255 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ, bán ưu đãi cho người lao động trong DN 3 triệu cổ phần (chiếm 0,6%) bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần (chiếm 24%); bán đấu giá công khai 122 triệu cổ phần, chiếm 24,4% vốn điều lệ. Đồng thời, nếu có điều kiện thuận lợi Vinatex có thể bán tiếp để giảm tỷ lệ vốn sở hữu Nhà nước xuống dưới 51%.
Sau khi cổ phần hóa, Vinatex tiếp tục được hưởng một số chính sách ưu đãi như chương trình phát triển cây bông vải của VN, chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và các cơ chế tài chính liên quan đến các viện nghiên cứu, trường đào tạo trong ngành dệt may. Tập đoàn cũng được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để tái cấu trúc.
Theo dự kiến, giá khởi điểm để đấu giá cổ phiếu của Vinatex là 11.000 đồng/cổ phần. Ông Lê Tiến Trường – Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, Vinatex có tối đa 3 nhà đầu tư chiến lược, trong đó 1 nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính, tối đa 2 nhà đầu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối.
Dù với lượng cổ phiếu khủng bơm ra thị trường nhưng Ban Lãnh đạo Vinatex rất tự tin và nhận định khả năng cổ phiếu Vinatex bán ra sẽ thành công do hai yếu tố: Viantex đã tìm được nhà đầu tư chiến lược và tỷ lệ cổ phần bán ra phù hợp với năng lực hấp thụ vốn của thị trường.
Bình luận về vấn đề này các chuyên gia trong ngành dệt may cho biết, Vinatex là DNNN có quy mô lớn, có thị trường xuất khẩu và nội địa đóng vai trò hạt nhân, dẫn dắt ngành dệt may VN. Vì thế, nếu bán một phần vốn cho DN trong nước, hay vẫn để cổ phần nhà nước chi phối thì Vinatex khó có thể đạt được sự thay đổi lớn, nhất là việc bứt phá để tiến xa hơn như các Tập đoàn, DNNN đã cổ phần hóa.
Liên kết đón đầu cơ hội TPP
Theo các chuyên gia, dù được đánh giá là ngành có tăng trưởng lớn về kim ngạch xuất khẩu, có cạnh tranh ổn định ở các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng ngành dệt may trong nước vẫn còn quá nhiều vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”, đặc biệt với việc thực hiện chuỗi cung ứng cho mình vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Cho dù mạnh về khâu may nhưng lại rủi ro về phát triển bền vững, hạ tầng nguyên liệu còn thấp. Mà muốn tận dụng hiệu quả cao nhất của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu để hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế – nguyên phụ liệu – may – phân phối.
Một bước đi được xem là rất táo bạo nhưng nhiều rủi ro của Vinatex, đó là quy hoạch các cụm công nghiệp dệt may. Tuy nhiên, việc sắp xếp di dời không dễ dàng bởi Vinatex phải giải quyết bài toán về vốn. Với nguồn vốn dự kiến cho đề án này khoảng 43.000 tỉ đồng gồm vốn vay ngân hàng, vốn huy động từ nước ngoài, vốn từ tiền đền bù giải tỏa cho các DN di dời và vốn tự có của DN. Nhưng trong bốn nguồn vốn này, hiện nay, khả dĩ vẫn là nguồn vốn từ đền bù và phần nhỏ là từ vốn tự có và vốn vay. Thực chất, con số vốn 43.000 tỉ đồng có thể chỉ là ban đầu. Và như thế, nếu không phát huy được nguồn vốn vay và vốn nước ngoài thì đề án này khó mà thực hiện.
Một nhà đầu tư nhận xét, cho dù Vinatex chưa công bố nhà đầu tư chiến lược, song tôi tin rằng các nhà đầu tư ngoại ít mặn mà với ngành dệt may. Trên TTCK cũng vậy cổ phiếu của ngành này kém sôi động không gây được sự chú ý với nhà đầu tư. Ngoài việc Nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối, lợi thế thị trường rộng lớn thì sức hút từ ngành dệt may không có gì đặc biệt, nhất là các yêu cầu khắt khe từ TPP chưa có hồi kết. Trong bối cảnh nguồn vốn “khó như gió vào nhà trống” nên nhiều nhà đầu tư rất ngần ngại khi bỏ khoản tiền lớn đầu tư vào ngành dệt may.
Những hi vọng từ IPO
Năm 2013, Vinatex đạt gần 45.600 tỷ đồng doanh thu, tăng 12%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3 tỷ USD.
Với lợi thế là tập đoàn lâu đời và nhiều cơ hội khi TPP mở ra, đây sẽ là hi vọng lớn cho Tập đoàn Vinatex khi tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, điều này có vẻ chưa đủ để hấp dẫn mạnh đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ông Dominic Scriven – Tổng Gián đốc Quỹ Dargon Capital cho hay, ai cũng muốn mua được cổ phần của một DN mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối”, nhưng điều này chưa đủ. Để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho mình, đã đến lúc Vinatex cần phải kết hợp nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, việc đầu tiên vẫn là phải là mức giá hợp lý.
Thực tế, sau những đợt cổ phần hóa DNNN như TCty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) hay Vietcombank với mức giá trên dưới 100.000 đồng/cổ phiếu, không ít nhà đầu tư, đã phải nếm trái đắng vì cổ phiếu giảm giá sau đó. Rồi trường hợp VietnamAirline, BIDV hoãn IPO, TCty Chăn nuôi (Vilico) IPO bị ế cổ phiếu. Và mới đây các cảng biển lớn được coi là mũi nhọn của nền kinh tế lần lượt IPO và bị ế cổ phần vì các nhà đầu tư chiến lược không mấy mặn mà. Dù giá của giá khởi điểm của Vinatex ở mức từ 11.000 đ/CP, tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, giá này liệu đã là phản ánh giá trị thật của Vinatex hay chưa?
Ông Dominic Scriven nhấn mạnh nếu IPO thành công, tôi tin rằng Vinatex sẽ hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đón cơ hội từ thị trường TPP mở ra. Điều này rất cần thiết cho Vinatex khi mà đầu tư vào ngành dệt và nhuộm là chiến lược quan trọng trong việc hình thành chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của ngành dệt may tại VN, đồng thời cũng nâng cao giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cho ngành.
Trong giai đọan từ nay đến 2015, chỉ tính riêng các dự án trọng điểm phục vụ cho khâu đầu tư của Vinatex đã hút khỏang 20.000 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu cần cho đầu tư từ 7.500 – 8.000 tỉ đồng. Do vậy, lấy tiền ở đâu để thực hiện những tham vọng của mình, có lẽ Vinatex sẽ sớm nhận ra và hy vọng trông chờ vào thời điểm IPO có tính chất quyết định vô cùng quan trọng này.
Theo dddn