Cơ hội từ ITTO

Sau một thời gian dài hoàn thành các thủ tục cần thiết, ngày 24/6/2014, Bộ NN -PTNT công bố Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 69 của Tổ chức Gỗ nhiệt đới quốc tế (ITTO). 

Ảnh minh họa
Ngành gỗ và sản phẩm gỗ đã vươn lên là một trong 10 ngành hàng có kim ngạch XK lớn nhất Việt Nam. Kim ngạch XK tăng cao trong suốt 10 năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25 – 30%. Năm 2013, mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, kim ngạch XK đồ gỗ vẫn đạt tới 5,5 tỷ USD, chiếm 4% thị phần thế giới và đứng thứ hai châu Á.
Theo ông Collins Ahadome, Trợ lý Tổng Giám đốc ITTO, mục tiêu hoạt động của ITTO là thúc đẩy quản lý rừng bền vững và thương mại quốc tế về gỗ nhiệt đới được sản xuất và khai thác hợp pháp. Trong ITTO có 2 nhóm thành viên là “nhóm sản xuất” chủ yếu là các nước đang phát triển ở vùng nhiệt đới và các thành viên thuộc nhóm “nước tiêu dùng” chủ yếu là các nước phát triển nằm ở vùng ôn đới. Tất cả các chính sách liên quan đến quản lý rừng và thương mại gỗ nhiệt đới toàn cầu sẽ do 2 nhóm này thảo luận và đi đến quyết định trong hội đồng của ITTO.
Việt Nam gia nhập ITTO trong bối cảnh XK gỗ có nhiều tín hiệu sáng sủa. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thị trường đồ gỗ gần đây có sự chuyển dịch, các nước châu Âu đã chuyển hướng đặt hàng Việt Nam làm gỗ ngoài trời (thay vì đặt hàng Trung Quốc) và tiến tới sẽ đặt hàng gỗ trong nhà cho các DN Việt Nam sản xuất.
Thị trường XK lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, kế đến là châu Âu. Thời gian tới, ngành gỗ còn có nhiều cơ hội phát triển như: Hiệp định thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang được Việt Nam tích cực đàm phán, một cơ hội rất lớn cho ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam mở rộng thị trường XK. Việc gia nhập ITTO cũng là mong đợi của DN Việt Nam nhiều năm nay. ITTO là tổ chức quốc tế lớn nhất và có uy tín nhất về sản xuất, thương mại gỗ nhiệt đới, đại diện 80% rừng nhiệt đới và chiếm 90% thương mại gỗ thế giới.
Khi tham gia ITTO, nước ta có thể được nhận hỗ trợ các dự án và phi dự án từ ITTO và các nhà tài trợ cho ITTO.
Bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ KHCN và HTQT, Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết: cái lợi của ngành gỗ Việt Nam khi Việt Nam tham gia ITTO không đo được bằng tiền mà danh tiếng ngành gỗ sẽ đi lên.
Các DN ngành gỗ sẽ được tiếp cận nguồn thông tin thị trường đồ gỗ của ITTO, với hệ thống MIS, là hệ thống cơ sở dữ liệu về giá cả, khối lượng giao dịch của từng quốc gia, khuynh hướng thị trường, dự báo cho tất cả các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ trong toàn cầu.
MIS được chuyên gia thương mại gỗ hàng đầu thế giới cập nhật và báo cáo 2 tuần/lần. Các nước thành viên được tiếp cận với hệ thống báo cáo này miễn phí – điều mà trước kia không thể có. Để có thông tin thị trường, rất nhiều DN Việt Nam đã từng phải đi đường vòng, mua báo cáo về thị trường gỗ thế giới với giá rất cao.
Khi tham gia ITTO, nước ta có thể được nhận hỗ trợ các dự án và phi dự án từ ITTO và các nhà tài trợ cho ITTO. Hiện nay nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tham gia ITTO từ trước đang thụ hưởng nhiều dự án. Như, Thái Lan hưởng 4 dự án với vốn tài trợ 4 triệu USD. Indonesia đang hưởng 5 dự án với vốn tài trợ hơn 3,3 triệu USD.

Theo dddn