Tại buổi họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê sáng 27/6, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh đến tình hình cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc.
Hình minh họa
Tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) đã có trả lời xung quanh câu hỏi về liên quan đến thực tế Việt Nam vẫn nhập siêu mạnh từ Trung Quốc mặc dù hình xuất nhập khẩu hàng hóa trong những năm gần đây có sự cải thiện.
Bà Lê Thị Minh Thuỷ cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 13,1 tỷ USD.
Đối với nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam nhập nguyên chủ yếu là các máy móc thiết bị, chiếm khoảng 40-43%, nguyên vật liệu chiếm 40-46% tổng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Vì nhập khẩu của Việt Nam để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguyên phụ liệu sản xuất nên trong một thời gian không thể nói giảm nhập khẩu là giảm ngay được”, bà Thủy nói.
Thêm vào đó, trong khoảng 3 năm gần đầy, nhập khẩu linh kiện điện thoại máy móc của Trung Quốc rất lớn, chiếm 70%.
Trong khi đó, đối với hàng xuất khẩu của chúng ta sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, khoáng sản, đó là một trong những yếu tố góp phần dẫn đến sự chênh lệch trong cán cân thương mại.
Gần đây việc Trung Quốc trúng thầu nhiều công trình lớn ở Việt Nam, các nhà thầu sau khi trúng thầu tiến hành nhập khẩu máy móc thiết bị từ chính nước họ khiến con số tăng trưởng nhập khẩu từ thị trường này tăng đáng kể, bà Thủy nói.
Kim ngạch thương mại Việt-Trung giảm chưa đáng kể
Cũng tại buổi họp báo, bà Lê Thị Minh Thủy cho biết: Theo quan sát trong tháng 5 và tháng 6/2014, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc có giảm nhẹ sau sự kiện Biển Đông.
Bà Thủy lý giải mức giảm nhập khẩu chưa đáng kể vì mới chỉ trong vòng hơn 1 tháng và khẳng định muốn thống kê chính xác được con số ảnh hưởng thì cần theo dõi trong thời gian tới đây.
Trong khi đó, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, du lịch là một trong những ngày chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự kiện Biển Đông với số khách Trung Quốc đến Việt Nam giảm mạnh trong tháng 5 và tháng 6, khách quốc tế đến Việt Nam qua cửa khẩu Trung Quốc cũng giảm đến 50%.
“Ngành du lịch giảm kéo theo các ngành khác như tăng trưởng vận tải, khách sạn nhà hàng, bán lẻ… giảm theo”, ông Tuyến nói.
Cùng với đó là tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc trong các lĩnh vực như nguyên vật liệu dệt may, máy móc, thiết bị điện tử, xây dựng chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng, nhất là trong quý II và quý III năm 2014. Điều này càng gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Dù vậy, theo các nhà thống kê, họ vẫn hoàn toàn tỏ ra lạc quan trước những thách thức mà nền kinh tế gặp phải trước sự kiện giàn khoan.
“Sự kiện Biển Đông có ảnh hưởng tới nền kinh tế nhưng sự ảnh hưởng này là nhỏ và không đáng kể. Chính phủ đã và đang có những biện pháp quyết liệt để tái cơ cấu nền kinh tế, và nếu cả nước cùng hướng về một mục tiêu chung, hành động kịp thời thì rất có thể Việt Nam sẽ đạt được những bước nhảy vọt không chỉ trong 6 tháng cuối năm”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra cái kết tại buổi họp báo.
Theo Bizlive