Trong khi các công ty nước ngoài luôn tìm cách để thâm nhập thị trường Việt, khoảng hơn 2/3 công ty trong nước lại đang bỏ rơi chính sân nhà của mình với quy mô lên tới 90 triệu dân.
Cà phê là hàng hóa hiếm hoi doanh nghiệp Việt làm chủ sân nhà. Ảnh minh họa
Chỉ cần gõ mấy cụm từ “doanh nghiệp Việt”, “hụt hơi”, “sân nhà” trên trang tìm kiếm google, chỉ trong 0,28 giây đã có hơn 628.000 kết quả tìm kiếm được hiển thị.
Rõ ràng, từ kết quả trên cho thấy, việc doanh nghiệp Việt đang ngày càng mất đi ưu thế vốn có so với doanh nghiệp nước ngoài đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Không những thế, các kết quả tìm kiếm về lĩnh vực cũng thể hiện sự “phong phú” không kém với hầu hết các lĩnh vực đã/đang hoặc sẽ nhường lại thế chủ động ở thị trường trong nước cho các doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên, đã có không ít chương trình nghị sự, hội nghị, hội thảo được tổ chức cả trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm giải pháp nhưng có vẻ vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho 2 câu hỏi: “Vì sao?” và “Làm thế nào để không mất sân nhà?”.
Do đó, các nhà quản lý cũng như cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục “loay hoay” đi tìm giải pháp khả thi cho thực trạng trên.
“Bỏ rơi sân nhà”
Nghiên cứu của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vừa công bố mới đây cho thấy, ở Việt Nam, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khác nhau chủ yếu về định hướng thị trường.
Theo thống kê của UNIDO, có tới 76,6% doanh nghiệp trong nước không xuất khẩu và tập trung vào thị trường nội địa.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, khoảng 67,6% các công ty nước ngoài luôn có xu hướng tìm đến các thị trường mới trên thế giới.
Nhìn vào cán cân thương mại của Việt Nam, những kết quả nghiên cứu của UNIDO hoàn toàn có cơ sở để những ai quan tâm đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam phải lo ngại.
Theo đó, báo cáo tình hình xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến hết ngày 15/06/2014, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 64,54 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng hơn 8,61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp FDI đạt hơn 39,78 tỷ USD, tăng 17,7% (tương tứng tăng gần 5,98 tỷ USD) và chiếm gần 61,6% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Tương tự, về nhập khẩu, cũng tính đến hết ngày 15/6/2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 63,09 tỷ USD.
Trong đó, các doanh nghiệp FDI đạt kim ngạch nhập khẩu gần 35,76 tỷ USD, chiếm gần 56,7% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Rõ ràng, bằng những con số thống kê cụ thể trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, dường như sẽ còn khá lâu để doanh nghiệp trong nước có thể thay đổi cán cân xuất nhập khẩu đang bị phụ thuộc quá nhiều vào khu vực FDI.
Mặt khác, UNIDO cũng cho rằng, có tới 2/3 doanh nghiệp trong nước không tập trung vào thị trường nội địa, hay nói cách khác, nhiều doanh nghiệp Việt đang “lạc nhịp” với chính thị trường đầy tiềm năng của mình.
Điều này dễ nhận thấy ngay trên thực tế thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua, sự thống trị của hàng Trung Quốc được thể hiện quá rõ ràng trên quy mô toàn quốc, thuộc mọi lĩnh vực kinh tế và cả đời sống xã hội.
Gần đây, việc “tẩy chay” hàng Trung Quốc diễn ra mạnh hơn thì ngay lập tức, hàng Thái Lan, Hàn Quốc… lại trở thành xu hướng tiêu dùng mới của đông đảo người mua.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, năm 2013, tổng kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam – Thái Lan đạt hơn 9 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu hàng hóa Thái Lan tới 6,31 tỷ USD.
Nhìn vào con số này, rõ ràng Việt Nam đang nhập siêu khá cao, điều đáng buồn chính ở chỗ, trong khi hàng ngoại ngày càng phát huy được ưu thế nổi trội thì hàng Việt dường như vẫn” dậm chân tại chỗ”.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhìn nhận, sở dĩ hàng Thái Lan chiếm được thị phần ở Việt Nam và lấy được lòng tin của người tiêu dùng Việt chính dựa trên 3 yếu tố chính: Giá vừa phải, chất lượng tốt, tiếp thị hiệu quả.
Theo lý giải của ông Phú, hàng Thái đang tràn ngập ở Việt Nam, thậm chí nhiều dự báo còn cho rằng, sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt một khi người Việt tẩy chay hàng Trung Quốc, suy cho cùng cũng là “họ có chiến lược”.
“Chiến lược của cả một bộ máy đồng hành từ nhà nước, chính phủ đến doanh nghiệp chứ họ không hoạt động riêng lẻ; Có chiến lược từng bước, từng bước một với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ”, ông Phú chia sẻ.
Đáng chú ý, hàng chục năm nay, hễ nhắc đến hàng Thái Lan, Hàn Quốc người tiêu dùng Việt nghĩ ngay đến hàng hóa có đẳng cấp khác so với hàng “made in Việt Nam”.
Khối FDI tận dụng tốt cơ hội
Có thể nói, các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI với tiềm lực tài chính mạnh và ưu điểm quản lý đang tận dụng quá tốt cơ hội về thị trường do chính các doanh nghiệp Việt tạo ra cho họ.
Nhờ chính sách ưu đãi của Việt Nam, các công ty nước ngoài tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đang “ăn nên làm ra”.
Về tăng trưởng mại vụ, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được xếp thứ nhất, Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt xếp thứ nhì và thứ ba.
Về năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), các doanh nghiệp trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ nhất, sau đó là Hải Phòng và Hà Nội gần kề.
Về tạo ra giá trị gia tăng, các công ty nước ngoài tên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ nhất, Vĩnh Phúc thứ nhì và Dàng Nẵng thứ ba.
Nhìn chung, kết quả khảo sát của UNIDO chỉ rõ, một số lớn các doanh nghiệp nước ngoài có nhận ưu đãi tài chính ở các tỉnh như Vĩnh Phúc và Bắc Ninh dường như có hiệu quả hoạt động tốt hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn các tỉnh khác.
Ở khía cạnh đo lường hiệu quả hoạt động dựa trên việc công ty nước ngoài được hay không được nhận ưu đãi từ Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều điều đáng chú ý.
Theo đó, UNIDO đã thực hiện khảo sát tại các doanh nghiệp thuộc 3 tỉnh, thành lớn TP.HCM, Bình Dương Hà Nội, ở TP.HCM, dường như không tồn tại khác biệt lớn giữa các doanh nghiệp nước ngoài được nhận ưu đãi và các doanh nghiệp không được nhận ưu đãi.
Trong cả hai trường hợp này, các công ty nước ngoài vẫn hoạt động với hiệu quả tốt hơn các doanh nghiệp trong nước về khả năng tạo việc làm.
Về hiệu quả hoạt động chung được đo lường theo tăng trưởng mại vụ, giá trị gia tăng tính trên công nhân và mức độ tỷ lệ vốn/lao động, các kết quả thể hiện rằng ccác doanhnghiệp nước ngoài có nhận được ưu đãi vượt xa cả các doanh nghiệp nước ngoài không nhận ưu đãi và các doanh nghiệp trong nước.
Về hình thức thương mại thì không có sự khác biệt lớn, mặc dù các doanh nghiệp nước ngoài có nhận ưu đãi có lên kế hoạch đầu tư thêm trong tương lai.
Ở Bình Dương, các doanh nghiệp nước ngoài có nhận được ưu đãi dường như tạo ra được nhiều việc làm hơn.
Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài không được nhận ưu đãi dường như lên kế hoạch đầu tư thêm trong tương lai.
Ở Hà Nội, khung chính sách ưu đãi tài chính dường như phát huy tác dụng tốt vì các doanh nghiệp được nhận ưu đãi nói chung có xu hướng đạt được hiệu quả hoạt động tốt hơn các loại doanh nghiệp khác theo các chỉ số hiệu quả hoạt động.
Theo Bizlive