3 sai lầm về tiền bạc

Khi soi chiếu vào những ám ảnh về sự thiếu thốn, chúng ta sẽ nhận ra ba ngộ nhận cơ bản đã điều khiển mối quan hệ của chúng ta với tiền, ngăn cản ta tiếp xúc với cuộc sống thành thật và trọn vẹn hơn. 
(Ảnh minh họa)

Ngộ nhận nguy hiểm thứ nhất: Không có đủ
Ngộ nhận phổ biến nhất về sự thiếu thốn là không có đủ. Không có đủ cho tất cả mọi người. Không phải ai cũng thành công. Sẽ có người bị bỏ lại. Có quá nhiều người. Không có đủ thức ăn. Không có đủ nước. Không có đủ không khí. Không có đủ thời gian. Không có đủ tiền. 
Không có đủ trở thành lý do khiến chúng ta hạ mình làm những việc mà bản thân ta không thấy tự hào. Không có đủ dẫn đến nỗi sợ hãi thôi thúc chúng ta cố gắng để đảm bảo rằng mình, và những người thân yêu sẽ không rơi vào khốn khó, bị gạt ra ngoài lề, hay bỏ lại phía sau. 
Một khi chúng ta coi thế giới của mình là thiếu hụt, toàn bộ năng lượng sống của chúng ta, mọi thứ ta nghĩ, mọi điều ta nói và mọi việc ta làm – nhất là khi liên quan đến tiền – đều là những nỗ lực vượt qua cảm giác thiếu thốn này và nỗi sợ hãi thua người khác hay bị gạt ra ngoài. 
Sự thiếu hụt và nỗi sợ hãi phản ánh trong cách ta sống, những hệ thống và thể chế ta lập nên để kiểm soát quyền tiếp cận với những tài nguyên ta cho là có giá trị hoặc hạn chế. Mỗi người đều là thành viên trong cộng đồng toàn cầu, nhưng đôi khi do lo sợ, chúng ta đặt những ham muốn vật chất cá nhân lên trên sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của người khác và dân tộc khác. 
Trong những cộng đồng nhỏ của mình, chúng ta đáp lại nỗi sợ không có đủ bằng cách tạo ra những hệ thống ưu ái bản thân ta hay loại trừ người khác tiếp cận với những tài nguyên cơ bản như nước sạch, trường học tốt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, hay nhà ở an toàn. 
Và trong chính gia đình của mình, không có đủ thúc giục chúng ta mua nhiều hơn lượng ta cần, hay thậm chí cả lượng ta muốn, khiến ta coi trọng, ưu ái hay cầu cạnh người khác để được ưu ái trên cơ sở giá trị của họ đối với ta về mặt tiền bạc. Các phẩm chất của con người họ không có ý nghĩa gì. 
Ngộ nhận nguy hiểm thứ hai: Càng nhiều càng tốt
Ngộ nhận tiếp theo là càng nhiều càng tốt. Chúng ta luôn cố gắng có được nhiều hơn lượng hiện có. Đó là một phản ứng hợp lý khi bạn sợ rằng không có đủ, nhưng chính suy nghĩ này đã thúc đẩy một thứ văn hóa cạnh tranh khốc liệt để tích lũy, thu thập, và thỏa mãn lòng tham. Những điều này lại khiến ta càng thêm lo sợ và tăng tốc cho cuộc chạy đua. Không gì trong số đó khiến cuộc sống trở nên đáng quý. Thực tế là cuộc đua giành lấy phần nhiều hơn đẩy chúng ta xa rời cơ hội trải nghiệm giá trị sâu sắc hơn của những thứ ta kiếm được hoặc đã có từ trước. 
Trong mối quan hệ với tiền bạc, quan điểm càng nhiều càng tốt làm ta không thể sống lý trí và giàu có hơn chỉ bằng những thứ ta hiện có. 
Càng nhiều càng tốt là một cuộc đua không có điểm kết thúc và không có người chiến thắng. Ngay cả những người có rất nhiều cũng không thể rời đường đua. Dù hoàn cảnh kinh tế của ta ra sao, cuộc rượt đuổi để giành lấy nhiều hơn đòi hỏi sự chú ý, vắt kiệt năng lượng và hủy hoại dần cơ hội hoàn thiện của ta. Khi chúng ta tin rằng có nhiều hơn sẽ tốt hơn, chúng ta không bao giờ đến đích. Dù đang ở đâu ta vẫn không bao giờ có đủ bởi lúc nào có nhiều hơn cũng tốt hơn. Những người theo đuổi quan điểm này, dù ý thức hay vô thức, buộc phải sống cuộc đời dang dở. Họ đánh mất khả năng dừng lại. 
Quan điểm càng nhiều càng tốt còn khiến chúng ta lạc lối sâu hơn nữa. Nó khiến ta định nghĩa bản thân qua thành công về tiền bạc và những thành tích bên ngoài. Chúng ta đánh giá người khác căn cứ vào việc họ có những gì và có nhiều chừng nào. Ta bỏ qua những món quà tâm hồn không đo đếm được mà họ mang đến cho cuộc sống. Khi lao vào cuộc đua tìm kiếm nhiều thêm, chúng ta bỏ qua sự hoàn thiện và đầy đủ có sẵn, đang chờ được khám phá trong bản thân. Khi cố gắng tăng giá trị tài sản của mình, ta dần xa cách cơ hội khám phá và đào sâu giá trị tự thân. 
Khi ta mặc sức kiếm thêm không một chút lưỡng lự, nó đã tiếp sức duy trì một nền kinh tế, văn hóa và lối sống thiếu bền vững; đó chính là những thứ sẽ khiến ta phải thất vọng, khi chúng chặn đường chúng ta đến với những khía cạnh sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn của cuộc sống và của bản thân ta.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ ba: Đó là lẽ tất nhiên
Ngộ nhận nguy hiểm thứ ba chính là suy nghĩ đó là lẽ tất nhiên, và không thể nào khác được. Không có đủ cho mọi người, có càng nhiều chắc chắn là càng tốt, và những người có nhiều hơn chẳng bao giờ là chúng ta. Cuộc chơi thật không công bằng, nhưng chúng ta vẫn cần tham gia, bởi đó là lẽ tất nhiên. Thế giới này thật tuyệt vọng, vô ích, bất công, và chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi vòng vây của cái bẫy đã sập xuống. 
Đó là lẽ tất nhiên chỉ là một ngộ nhận, nhưng có lẽ ảnh hưởng của nó lại mạnh mẽ hơn cả, bởi vì bao giờ người ta cũng có thể viện dẫn các ví dụ chứng minh cho nó. 
Đó là lẽ tất nhiên biện hộ cho lòng tham, định kiến, sự trì trệ trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và với phần còn lại của nhân loại. 
Điều đó là tất yếu là một trong những thử thách khó khăn nhất khi ta muốn chuyển biến mối quan hệ với tiền bạc, bởi vì nếu không thể từ bỏ cuộc rượt đuổi, rũ bỏ cảm giác bất lực và hoài nghi do cuộc đua đó tạo ra, chúng ta lại đi vào ngõ cụt. Nếu bạn không sẵn sàng đối mặt, rất khó để loại bỏ cái cách suy nghĩ đã khiến ta bế tắc. Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ quan điểm việc đó là điều tất yếu, dù chỉ trong một khoảnh khắc, để xem xét có cơ may nào nó không phải là điều tất yếu, hay tất yếu là nó không như vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hành động thế nào và biến đổi hoàn cảnh ra sao.

Theo “Linh hồn của tiền”