Thay đổi chiến thuật để vượt khó

Tiến sĩ Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng, cần bẻ lái chiến thuật để vượt qua quãng đường nhiều chông gai phía trước.

Tiến sĩ Lê Chí Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức.
“Ngấm đòn” từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sau 5 năm vật lộn với sự bế tắc của thị trường bất động sản đã có không ít doanh nghiệp kinh doanh địa ốc chấp nhận bỏ cuộc, bán lại công ty hoặc chọn lĩnh vực khác đầu tư để chờ “ló dạng vài tia nắng yếu ớt từ bình minh”, theo cách ví von của ông Lê Chí Hiếu.

Năm 2013, ThuDuc House (TDH) là một trong những doanh nghiệp bất động sản sớm rẽ lối sang lĩnh vực xuất khẩu để bảo toàn tài sản, tạo lợi nhuận duy trì hoạt động. Lĩnh vực mà công ty chọn để “bẻ lái” là xuất khẩu nông lâm sản, cũng là “điểm tựa” của công ty trong năm nay với kế hoạch doanh thu đạt từ 30-40 triệu USD. Ông Lê Chí Hiếu và ThuDuc House có cán đích?
Lãi suất ngân hàng “ăn mòn” lợi nhuận
– Quyết định xuất khẩu nông lâm sản có phải là giải pháp tình thế cho ThuDuc House khi thị trường bất động sản bị đóng băng không thưa ông?
Không hẳn vậy. Chúng tôi đã đầu tư vào chợ đầu mối Thủ Đức được hơn 10 năm nay rồi. Xuất khẩu nông lâm sản là bước kế tiếp nhằm tận dụng những lợi thế có sẵn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận khi thị trường bất động sản đang ngập trong gian khó, xuất khẩu nông lâm sản sẽ đóng vai trò là chiến lược kinh doanh then chốt cho ThuDuc House năm nay. Riêng năm qua, chúng tôi chỉ mới xuất thử một số sản phẩm như sắn lát, phân bón, bắp… và đã thu về khoảng 5 triệu USD (100 tỉ đồng). Năm nay, nếu việc ký kết thuận lợi, doanh thu từ xuất khẩu ước tính có thể đạt từ 30 – 40 triệu USD.
– Trong những sản phẩm nông lâm sản mà công ty sẽ xuất khẩu, đâu là sản phẩm chủ lực thưa ông?
Thực tế, xuất khẩu nông lâm và khoáng sản thường mang lại doanh thu lớn nhưng lợi nhuận thấp. Chúng tôi xuất khẩu sắn lát chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Đầu năm mới công ty đã xuất được 6.000 tấn sắn lát và hiện đang thực hiện hợp đồng 15.000 tấn nữa sang Trung Quốc. Sản phẩm thứ 2 là cát biển. Chúng tôi khai thác cát biển, đá xuất sang Singapore để họ làm các công trình lấn biển, dự kiến doanh thu từ các sản phẩm này là khoảng 20 triệu USD trong năm nay. Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với một đơn vị ở Bình Thuận trồng 300 ha bắp xuất đi Nhật Bản. Trước mắt, chỉ trồng phân nửa diện tích đó thôi. Bên cạnh đó, công ty sẽ xuất gỗ dăm với nguồn nguyên liệu được cung cấp từ các nước lân cận. Chúng tôi còn nhập hạt điều từ châu Phi về chế biến rồi xuất sang Úc. Mặc dù làm nhiều sản phẩm, nhưng nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty sẽ là cát biển, sắn lát và gỗ dăm.
– Những thông tin ông chia sẻ về việc “bẻ lái” khá ấn tượng. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của công ty năm qua thì lãi suất ngân hàng phải trả quá lớn khiến cho lợi nhuận của công ty thu về khá khiêm tốn?
Có lợi nhuận là may rồi. Kinh doanh bất động sản lúc này mà có lãi thu về hơn 10 tỉ đồng như ThuDuc House phải công nhận là quá tốt chứ! Thực tế, trong năm qua lãi suất ngân hàng đã “ăn mòn” lợi nhuận thu về của công ty. Kế hoạch lợi nhuận toàn tập đoàn năm nay là 80 tỉ đồng, 50% trong số này sẽ đến từ xuất khẩu.
Thị trường đang củng cố niềm tin
– Dựa vào đâu ông sớm đưa ra dự báo là 6 tháng cuối năm nay thị trường bất động sản sẽ hồi sinh?
Vấn đề của thị trường bất động sản liên quan đến những nút thắt chính sách là chủ yếu. Nghị quyết 02 của Chính phủ nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội và cả Thông tư 02 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc chuyển đổi căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội… được giới kinh doanh địa ốc đánh giá cao. Tuy nhiên, khi áp dụng thực tế mỗi địa phương lại có một cách hiểu, quản lý riêng gây khó cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, những địa phương ngại bùng nổ dân số dẫn đến quá tải hạ tầng đã không cấp phép cho nhà đầu tư thực hiện theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng là cho chia nhỏ, chuyển đổi căn hộ thương mại sang nhà ở xã hội.
Lòng vòng như vậy nên Nghị quyết và Thông tư 02 đến nay cũng chưa đi vào thực tế như mong muốn. Tiếp nữa là gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng. Theo tôi, nếu mở rộng đối tượng hưởng gói hỗ trợ này, các nhà đầu tư nhà ở thương mại cũng có thể tiếp cận nguồn vốn này, giúp đồng vốn được giải ngân và quay vòng tốt và hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Với tất cả những yếu tố trên, nếu tháo được những nút thắt về quản lý chính sách đồng bộ từ trên xuống dưới, tôi cho rằng thị trường sẽ ấm dần lên từ tháng 6/2014 trở đi, nhưng để hồi phục thì phải mất một thời gian dài nữa.
– Như vậy, thị trường bất động sản chưa có gì đáng gọi là lạc quan nếu các nút thắt chính sách không được tháo gỡ?
Đúng. Vì vậy 2014 chỉ là năm thị trường đang củng cố niềm tin và có chăng sẽ xuất hiện dăm ba tia nắng yếu ớt chứ chưa có xu hướng nào rõ rệt.
– Năm qua, thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận hạ giá để bán cắt lỗ một số dự án bất động sản. Kế hoạch mua bán sáp nhập của TDH năm nay có gì mới?
Đúng là có nhiều nhà đầu tư chấp nhận bán dưới giá thành để cắt lỗ. TDH cố gắng giữ giá nhưng do lãi suất ngân hàng quá lớn, coi như đã lỗ rồi. Theo tôi quan sát, giá cả đôi khi chưa phải là yếu tố quyết định khách hàng mua nhà hay không mà là chất lượng dự án, uy tín của nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua nhà của khách hàng. Về kế hoạch kinh doanh, ngoài việc liên kết đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đã tiến hành đóng cửa bớt những công ty con làm ăn không hiệu quả. Khó khăn lớn nhất của công ty lúc này là vốn để mở rộng và tiếp tục đầu tư một số dự án dở dang. Trước đây, kế hoạch phát hành 600 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi đã không thành công, TDH chỉ mới phát hành được hơn 200 tỉ đồng, bởi so với các doanh nghiệp khác TDH vay ít, nhưng lãi suất cao khiến lợi nhuận thu về không lớn. Chính vì thiếu vốn nên trong kế hoạch năm nay công ty dự định trình xin phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giải pháp thứ 2 là mời gọi vốn đầu tư nước ngoài và cuối cùng là bán bớt một vài danh mục đầu tư bất động sản.
– Sau 5 năm “ngấm đòn” khủng hoảng, ông có nhận xét gì về đội ngũ doanh nhân Việt?
Cộng đồng doanh nhân thực ra chỉ mới trưởng thành chưa tới 30 năm, nhưng lại đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng tài chính “thể kỷ” vào các năm 1997 và 2008. Quả là những cú sốc quá lớn mà nếu không có ý chí và bản lĩnh chắc hẳn nhiều doanh nhân đã “gục” từ lâu rồi. Tuy nhiên, do còn trẻ và hạn chế về kinh nghiệm nên doanh nhân Việt Nam khi rơi vào vòng xoáy khủng hoảng thường tỏ ra bế tắc, chán nản và luôn lo lắng. Vì lẽ đó, ai “sống sót” và “sống tốt” tôi đều đánh giá cao khả năng sinh tồn của họ. Những gì đội ngũ doanh nhân Việt đã và đang nỗ lực làm để tìm vị thế trong hội nhập là điều đáng trân trọng.
– Là Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, theo quan sát của ông, số hội viên tham gia sinh hoạt tại hội có sụt giảm nhiều không?
Tôi không nắm rõ con số, nhưng qua quan sát thì có thể hội viên đến sinh hoạt tại Hiệp hội đã giảm khoảng 50%.
Doanh nhân- nghệ sĩ
– Trong những bài viết về âm nhạc trong bản tin nội bộ của công ty, ông thường ký là “nhạc sĩ Lê Chí Hiếu”. Ông thích được gọi là doanh nhân, nhạc sĩ hay tiến sĩ?
(Cười lớn). Tùy mỗi ngữ cảnh để xưng hô thôi, tôi không câu nệ danh xưng thế nào. Tuy nhiên, với các bài viết liên quan đến âm nhạc mà tôi chia sẻ mỗi số trên bản tin nội bộ của ThuDuc House thì tôi thường ký “nhạc sĩ”, đơn giản vậy thôi. Và nếu tham gia một chương trình nghệ thuật nào với giới nghệ sĩ, tôi vẫn là một doanh nhân.
– Người ta hay nói nghệ thuật là nơi nương tựa cho tâm hồn của doanh nhân, giúp họ tìm thấy bình an khi phải đối mặt với thương trường cam go. Với Lê Chí Hiếu, âm nhạc có vai trò như thế nào?
Trong một buổi trò chuyện cuối năm trên truyền hình, khi được hỏi có bao nhiêu phần trăm trong tôi là người nghệ sĩ, bao nhiêu là doanh nhân, tôi trả lời rằng, bản thân sẽ là 100% doanh nhân hoặc 100% nghệ sĩ tùy vào từng hoàn cảnh tôi tham gia vào. Theo tôi, kinh doanh và nghệ thuật bổ sung cho nhau rất tốt, bởi tính thực tế và sự bay bổng trong sáng tạo sẽ bổ trợ và tương tác với nhau. Quản lý doanh nghiệp cũng là một bộ môn nghệ thuật chứ không đơn thuần là bộ môn khoa học. Tôi tìm đến âm nhạc khi có hứng thú, cảm xúc và có nhu cầu sáng tạo. Hoàn toàn không tìm đến nó khi mình thấy chông chênh hay chán nản. Với tôi, âm nhạc giúp mình thư giãn rất tốt và sáng tạo trong nghệ thuật là nhu cầu thư giãn cao cấp, cũng là một khía cạnh bình thường trong cuộc sống.
– Một vài kỷ niệm gắn liền với các bài hát mà ông đã sáng tác?
Tôi viết nhạc từ năm 1976, khi đang là sinh viên năm thứ nhất. Tôi cũng tự tìm tòi học nhạc lý, tự học đánh đàn piano từ đó. Bài hát “Tình ca hoa Tigon” mang lại cho tôi nhiều cảm xúc thật lạ. Trong một lần đi công tác ở Hàn Quốc, đêm đang ngủ trong đầu tôi tự nhiên vang lên giai điệu bản nhạc này. Vậy là ngày hôm sau tỉnh lại, tôi nhớ lại và viết lại toàn bộ, nhưng lời hoàn toàn không nhớ chữ nào. Có bài tôi viết giữa chừng như bài “Trò chuyện”, “cất tủ” đến 2-3 năm sau mới mở ra viết tiếp.
– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Những dấu ấn của Lê Chí Hiếu

• Ông Lê Chí Hiếu là Tiến sĩ Kinh tế với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nhiều ngành nghề khác.

• ThuDuc House được thành lập năm 1992. Đến năm 2006, vốn điều lệ được nâng từ mức 30 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng.

• Hiện ThuDuc House có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam dưới hình thức liên doanh với nước ngoài và cá nhân ông Hiếu đã tham gia gần 40 dự án bất động sản lớn tại Việt Nam.

• Năm 2013, doanh thu của TDH đạt 685,5 tỉ đồng.

Theo doanhnhan